Tự do’ – Cùng Osho khám phá ba chiều kích của tự do

12:46 | 20/12/2024

Trong suốt chiều dài lịch sử, con người luôn kêu đòi tự do, luôn đấu tranh vì tự do. Nhưng tự do thật sự là gì? Chúng ta có thực sự tự do như mình vẫn nghĩ?

Chúng ta bị nhào nặn để quên đi tự do

Nói về tự do, hẳn có không ít người cho rằng tự do là được làm điều mình muốn, sống theo cách mình muốn. Số khác thì định nghĩa tự do bằng việc hành động vượt khỏi những khuôn khổ của xã hội. Nhưng với “bậc thầy tâm linh” Osho, tất thảy những điều ấy không phải là tự do đích thực. Mong muốn “thoát khỏi” điều gì, hay “làm bất cứ điều gì mình muốn” chỉ là các dạng thức khác của nô lệ, bởi vì chúng vẫn bị điều khiển bởi các mong muốn, khao khát và tâm trí hỗn loạn. Trong cuốn sách “Tự do – Như chim tung cánh” do First News – Trí Việt vừa ấn hành, Osho sẽ cùng bạn đọc khám phá ba chiều kích của tự do và những bước cần thiết để đi đến sự tự do đích thực.

Theo đó, chiều kích đầu tiên của tự do là về thể chất, tức là giải phóng con người khỏi những áp bức cụ thể như chế độ nô lệ, phân biệt giới tính, bất công xã hội… Osho cho rằng tự do thể chất nghĩa là “không có sự phân biệt giữa da trắng và da đen, không có sự phân biệt giữa đàn ông và đàn bà, không có bất kỳ sự phân biệt nào liên quan đến cơ thể. Không ai trong sạch, không ai uế tạp; mọi cơ thể đều như nhau”. Đây cũng chính là nền tảng của tự do. Tuy nhiên, sự tự do về thể chất vẫn chưa đủ, để bước lên những tầm cao hơn, chúng ta cần có sự tự do tinh thần và tự do tâm linh.

Tự do tinh thần, theo Osho, là sự giải phóng khỏi các khuôn mẫu tư duy, các định kiến và niềm tin bị áp đặt từ nhỏ. Ông cho rằng xã hội mà chúng ta đang sống là “một sản phầm nhân tạo” – nơi mỗi cá nhân ngay từ khi sinh ra đã bị nhào nặn để tuân theo và phục tùng. Chúng ta được gắn liền với những từ ngữ như “xã hội”, “quốc gia”, “tôn giáo”… Chúng ta đã quen với những guồng máy tổ chức, cũng quen với luật pháp và cảnh sát. Để được tự do tinh thần, như Osho chỉ ra, ta phải vứt bỏ hết thảy những điều ấy, phải bỏ đi những niềm tin đã được gieo vào đầu, phải từ chối những chân lý từng được dạy để tự mình khám phá ra sự thật.

Nhưng ngay cả khi đạt được tự do tinh thần thì hành trình vẫn chưa kết thúc, bởi điều đó chỉ mở ra cánh cửa để bước vào cấp độ cao nhất: tự do tâm linh. Đây là trạng thái mà con người nhận thức được bản chất chân thực của mình không phải là cơ thể hay tâm trí, mà là tâm thức thuần khiết, không bị ràng buộc bởi bất kỳ thứ gì. Từ chiều kích này, Osho không chỉ lý giải về tự do mà còn vẽ nên một viễn cảnh nơi con người được “là chính mình” trong sự tự tại và bình yên tuyệt đối.


Ông nhìn nhận: “Tự do thực sự xuất phát từ nhận thức không lựa chọn, khi có nhận thức không lựa chọn thì tự do sẽ không phụ thuộc vào sự vật hay hành động nào. Tự do theo sau nhận thức không lựa chọn là tự do được là chính mình. Và bạn đã là chính mình rồi, bạn được sinh ra cùng với điều đó, cho nên nó không phụ thuộc vào bất cứ điều gì khác. Không một ai có thể trao cho bạn tự do và không một ai có thể tước đoạt tự do khỏi tay bạn. Một thanh gươm có thể chặt đầu bạn nhưng không thể cắt đứt tự do của bạn, bản thể của bạn”.

Hãy tự do như chim tung cánh

Nếu quan sát kỹ, không khó để thấy rằng dù đã phát triển hàng ngàn năm nhưng con người vẫn đang sống trong xiềng xích của chế độ nô lệ. Chúng ta tự ràng buộc mình vào những thứ hữu hình như nhà cửa, xe cộ, tiền bạc cho đến những thứ vô hình như tình yêu, xã hội… Và điều đáng buồn là chúng ta tin rằng những xiềng xích ấy là trang sức, thậm chí vui mừng vì đã có nhiều “trang sức”. Nhưng chính sự lệ thuộc ấy khiến bạn mất đi tự do. Như Osho nhìn nhận:

“Tự do chẳng liên quan gì đến bên ngoài; con người có thể tự do ngay cả khi đang ở trong một nhà tù thực sự. Tự do là thứ ở bên trong; nó thuộc về tâm thức. Bạn có thể tự do ở bất cứ nơi nào – bạn vẫn có thể tự do khi bị xiềng xích, bị cầm tù – và bạn có thể không tự do khi ở bên ngoài nhà tù, trong chính ngôi nhà của mình, nhìn bề ngoài có vẻ hoàn toàn tự do nhưng bạn vẫn là tù nhân nếu tâm thức của bạn không tự do”.

Những điều này nghe thật điên rồ làm sao. Thế nhưng, khi choáng váng qua đi, ta lại bắt đầu suy ngẫm về những điều ông đã nói và cảm thấy tâm trí được khai mở. Quan trọng hơn, điều làm nên sức nặng trong lập luận của Osho không chỉ là cách ông định nghĩa tự do, mà còn ở phương pháp mà ông đưa ra để đạt được nó. “Người kiến tạo của thế kỷ 20” cho rằng chỉ qua thiền định và nhận thức sâu sắc, con người mới có thể đạt tới tự do tối thượng. Ông quan niệm rằng, trong thiền, con người dần thoát khỏi sự bám víu vào tâm trí và các vai diễn xã hội để nhận ra rằng bản thân vốn đã tự do từ lúc sinh ra, chỉ là chúng ta bị che khuất bởi tầng tầng lớp lớp những hệ thống và lề thói của xã hội.

Trong “Tự do – như chim tung cánh”, Osho dẫn dắt người đọc vào thế giới của thiền, không phải như một nghi thức tôn giáo hay một bài tập tâm lý, mà là một cách để trở về với bản chất thuần khiết của chính mình. Điều ấy được ông lồng ghép qua những hình tượng như lạc đà, sư tử và đứa trẻ; hoặc những mẩu chuyện, cuộc đối thoại ngắn…

Chính sự giản dị trong cách tiếp cận này khiến triết lý của Osho trở nên gần gũi nhưng cũng không kém phần sâu sắc. Tuy nhiên, những quan niệm khác biệt của Osho cũng nhận về những phản hồi trái chiều. Có người cho rằng ông quá nhấn mạnh vào tính cá nhân mà xem nhẹ cộng đồng, và việc tìm kiếm sự tự do nội tại có thể khiến con người thờ ơ với các vấn đề xã hội. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, ta sẽ thấy rằng Osho không phủ nhận tầm quan trọng của cộng đồng, thay vào đó, ông khẳng định rằng một xã hội tự do thực sự chỉ có thể tồn tại khi từng cá nhân trong đó đã vượt qua được sự nô lệ. Đây là một nhận định không chỉ đúng với thời đại của ông mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh hiện tại, khi con người ngày càng lạc lối trong guồng quay xã hội và đánh mất chính mình.

Osho chỉ ra: “Tự do là chuyện cá nhân của bạn. Nó hoàn toàn chủ quan. Nếu bạn vứt bỏ mọi rác rưởi của quá khứ và mọi ham muốn, tham vọng về tương lai, thì trong chính khoảnh khắc này, bạn tự do – như chim tung cánh, cả bầu trời thuộc về bạn. Mà có lẽ ngay cả bầu trời cũng không phải là giới hạn”.
Trong suốt hành trình đi tìm tự do, Osho không kêu gọi một cuộc cách mạng xã hội ở quy mô lớn mà đề nghị từng cá nhân âm thầm thay đổi từ bên trong. Ông cho rằng tự do có nghĩa là chịu trách nhiệm nhiều hơn, nhiều đến mức không cần ai phải can thiệp vào cuộc sống của bạn. Và khi mỗi cá nhân tự có trách nhiệm, tự mình phát triển thì nhân loại sẽ phát triển, xã hội biến mất và mọi cái ác mà xã hội tạo ra cũng sẽ biến mất theo.

Với giọng văn sắc bén và đầy tính khai mở, “Tự do – như chim tung cánh” không chỉ dựng nên một bức tranh đầy triết lý về sự tự do mà còn dẫn dắt chúng ta bước vào cuộc hành trình khai phá bản chất thật sự của mình. Như lời Osho đã nhắn nhủ: “Tự do là trải nghiệm tối thượng của cuộc sống. Không có gì cao hơn tự do. Và từ tự do, nhiều bông hoa sẽ nở rộ bên trong bạn. Tình yêu nở rộ từ tự do của bạn. Lòng trắc ẩn cũng nở rộ từ tự do của bạn. Tất cả những gì có giá trị trong cuộc sống đều nở rộ trong trạng thái hiện hữu hồn nhiên, tự nhiên của bạn”.

Osho (1931 – 1990) là một nhân vật “ngoại hạng”, bởi vì ông không thể được xếp vào một trường phái cụ thể nào. Hàng ngàn bài giảng ông chia sẻ bao trùm mọi chủ đề – từ việc khám phá ý nghĩa tồn tại của bản thân cho đến những vấn đề khẩn thiết nhất của xã hội đương thời hay vấn đề liên quan đến chính trị. Osho nói: “Hãy nhớ, bất cứ điều gì tôi đang chia sẻ không chỉ dành cho bạn… mà tôi cũng đang trò chuyện với cả những thế hệ tương lai nữa”.

Tờ Sunday Times của London mô tả Osho là một trong “1.000 Người kiến tạo của thế kỷ 20”. Còn tờ Sunday Mid-Day của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong mười người – cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật – thay đổi vận mệnh của Ấn Độ.

 

 

Gia Anh (theo TTV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *