Rất nhiều bức tượng xấu, méo mó giá trị về văn hóa – thẩm mỹ
Mới đây, những bức tượng ở khu du lịch Quỷ Núi (Lâm Đồng) đã nhận về không ít gạch đá của dư luận. Theo đó, nhiều tượng quỷ được tạc với bộ phận thân thể quá khổ và bị cho là nhạy cảm, không hợp thuần phong mỹ tục. Trước những phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng và theo chỉ đạo của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Lâm Đồng, khu du lịch đã dỡ bỏ một số tượng.
Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau, khu du lịch này lại gây “bão” khi chở tượng binh lính xưa bị cho là giống tượng lính Trung Quốc về đây. Tuy những bức tượng lính này có khiên với hoa văn chim Lạc tương tự như trên mặt trống đồng Đông Sơn, nhưng tạo hình lại bị nhiều người đánh giá không giống binh lính Việt. Giống như những bức tượng quỷ núi, những bức tượng binh lính cũng không thể trụ lại ở khu du lịch quá lâu.
Trước đó, thành phố hoa phượng đỏ cũng khiến dư luận cả nước một phen xôn xao khi giới thiệu bức tượng 12 con giáp ở khu du lịch Hòn Dấu năm 2018. Chúng có thân hình méo mó và khuôn mặt vụng về không giống ai. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả, bởi một thời gian sau, không hiểu sao những con giáp này được mặc quần áo và chúng khiến ai nhìn thấy cũng phải phì cười.
Xa hơn, vào năm 2015, tượng Quốc tổ Hùng Vương tại công viên Đồng Xanh (Gia Lai) cũng nhận về không ít phản hồi tiêu cực. Tượng Quốc tổ cao tới 6m này được tạo hình với da trắng như tuyết, môi và móng tay đỏ chót. Nhiều người cảm thấy vô cùng bất bình khi vua Hùng bị “làm nail và tắm trắng” kiểu như vậy.
Nguyên nhân do đâu?
“Thực ra cũng phải hỏi đó có đúng là tượng hay không? Chứ cái gì người ta làm có hình mình cũng gọi là tượng thì không nên. Họ làm tự phát, thích thì làm và chất lượng thì không đủ tính nghệ thuật”, nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) đánh giá.
Theo đó, biểu hiện đi xuống về mặt thẩm mỹ của các bức tượng ở khu du lịch, giải trí phần nhiều là do tính tự phát. Các nhà đầu tư chỉ làm manh mún và chưa chú trọng đến giá trị thẩm mỹ của tượng. Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí cũng là một nguyên nhân không thể bỏ qua.
Ông Nguyễn Thái Bình (Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết: “Việc họ phải nhờ nhà điêu khắc chuyên nghiệp có thể khiến kinh phí đội lên nhiều và do đó, họ chỉ thuê những nơi không quá đắt. Điều này dễ dẫn đến mất kiểm soát về mặt văn hóa với các khu giải trí liên quan đến văn hóa”.
Các khu du lịch, vui chơi có nên làm tượng nữa hay không?
Không riêng gì ở Việt Nam, tại khu du lịch, vui chơi của các quốc gia khác trên thế giới cũng có rất nhiều tượng. Những bức tượng đều được kỳ vọng sẽ làm tăng thẩm mỹ ở khu du lịch, tạo ra điểm check-in lý tưởng, từ đó thu hút khách bốn phương, đặc biệt là giới trẻ.
Nhưng đó là trường hợp những bức tượng mang tính thẩm mỹ cao và chứa đựng chiều sâu văn hóa. Thế còn những bức tượng kém thẩm mỹ và mất kiểm soát về văn hóa thì sao?
Dư luận không khó để chấp nhận cái mới, nhưng lại rất khó để chấp nhận những cái lố. Các bức tượng “tai hại” như đã đề cập ở trên chính là những sản phẩm quá lố như vậy.
Các khu du lịch, vui chơi vẫn có thể chú trọng làm tượng (nếu được), nhưng những bức tượng này phải được đầu tư và thẩm định kỹ hơn, gắn bó với văn hóa đại chúng nhiều hơn. Điều này cũng là quan điểm của Tiến sĩ Trịnh Lê Anh (Khoa Du lịch Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội): “Sản phẩm tạo ra có thể kỳ dị. Mình không thể đánh giá các khu du lịch này không thức thời được. Họ rất thức thời. Nhưng mà thức thời ở đây dưới một nền tảng văn hóa yếu. Trào lưu tạo sản phẩm du lịch “ăn xổi” sẽ đè bẹp các giá trị người làm văn hóa kỳ vọng”.
Trước thực trạng xây dựng, trưng bày tượng, biểu tượng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam tại một số khu du lịch và địa điểm công cộng, tác động không tốt đến môi trường văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng và xã hội, năm 2018, Bộ Văn hóa – Thể Thao – Du lịch đã ra Văn bản số 1313/BVHTTDL-MTNATL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, bảo đảm môi trường văn hóa, thẩm mỹ, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.
Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo Sở Văn hóa – Thể Thao – Du lịch tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng trưng bày tượng, biểu tượng và công trình mỹ thuật ngoài trời đúng quy định của pháp luật, phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Lai La/Theo TTV24