Đến bây giờ, thời kỳ đỉnh cao của văn học Việt Nam vẫn là giai đoạn 1930 – 1945 với những cái tên như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố… Những năm sau đó cho đến hết thế kỷ XX, dù không thể nói là thời kỳ đỉnh cao nhưng văn học Việt Nam vẫn giữ được phong độ.
Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng hay sau nữa là Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Thanh Thảo… dòng chảy văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới không hiếm những tác giả và tác phẩm gây tiếng vang.
Đó đã là câu chuyện của quá khứ, còn đây mới là văn học Việt Nam thực tại
Bước sang thế kỷ XXI, nhất là trong những năm trở lại đây, văn học Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của không ít nhà văn. Những cái tên như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư hay trẻ hơn như Hamlet Trương, Iris Cao, Tuệ Nghi, Anh Khang, Phan Ý Yên, Nguyễn Minh Nhật… được khá nhiều người biết đến.
Nhưng để nói những tác phẩm của các tác giả đó có làm mưa làm gió trên các diễn đàn hay có khiến người đọc thổn thức, ca tụng hoặc say đắm, mê mẩn như đối với “Những ngày thơ ấu”, “Sống mòn” hay “Vang bóng một thời” không thì câu trả lời có lẽ là không.
Nhiều năm qua, trong top 10 cuốn sách bán chạy nhất trên các kênh thương mại điện tử, chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện bất kỳ cuốn sách văn học nào của tác giả Việt Nam.
Cái sôi nổi, chất đời, cái trăn trở, chất nghệ trong những tác phẩm văn học dường như bị chôn vùi, khuất lấp. Người ta thấy nổi lên nhiều hơn cả là những “con chữ thị trường”. Chí Phèo, Tắt đèn, Mùa lá rụng trong vườn, Bến quê, Nỗi buồn chiến tranh… hay những tác phẩm như vậy nay vẫn là tượng đài quá lớn mà chưa tác phẩm nào vượt qua được. Văn học Việt Nam đương thời chưa thực sự tìm ra những người kế nhiệm.
Vậy nguyên nhân do đâu?
Trách nhiệm trước hết có lẽ thuộc về các nhà văn. Chúng ta cho rằng “thời thế tạo anh hùng” và hoàn cảnh xã hội tạo tác phẩm lớn. Tuy nhiên, ta không thể nói thời bình thì đất viết kém màu mỡ hơn thời chiến, và cũng không thể so sánh giá trị những trang viết về đói khổ, nghèo nàn của gần một thế kỷ trước với những trang viết về cuộc sống hiện đại đương thời. Xã hội luôn tồn đọng nhiều vấn đề, cái quan trọng là nhà văn phải “khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những cái gì chưa có” (Nam Cao).
Giờ đây, nghề viết đã được nhìn nhận bằng con mắt cởi mở hơn. Nhà văn ít nhiều không còn tương đồng với “nhà nghèo”, tức là chẳng dễ gì bị “cơm áo gạo tiền ghì sát đất”. Nhà văn có nhiều điều kiện để trải lòng, nhấc bút, cũng có nhiều cơ hội để nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình hơn. Thế nhưng, tác phẩm văn học lớn thì vẫn chưa thấy đâu.
Trên các kệ sách ở các nhà sách hiện nay, đúng là không thiếu những tác phẩm văn học Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì gửi gắm những câu chuyện nhân sinh hay những vấn đề thường nhật đáng suy ngẫm, thay vì sử dụng hiệu quả các biện pháp nghệ thuật hay trau chuốt ngôn từ, các tác phẩm đó lại chạy theo “trend”, viết những thứ hời hợt bằng giọng văn chẳng mấy đậm chất văn. Người đọc không quay lưng với dòng sách văn học, người đọc chỉ quay lưng với những tác phẩm văn học “nhàng nhàng”, nông cạn và cẩu thả.
Nhưng nói gì thì nói, có lẽ chúng ta không thể quy hết trách nhiệm cho những người cầm bút – khi nhu cầu và thói quen của người đọc hiện nay cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm, và giới phê bình văn học chẳng có thêm ai như Hoài Thanh, Hoài Chân, Đặng Thai Mai.
Giữa lúc người đọc có quá nhiều sự lựa chọn – bởi chưa bao giờ như bây giờ người ta lại thấy có nhiều sách được xuất bản đến như vậy – thì giới phê bình văn học lại không phát huy được chức năng của mình, tức là không đưa ra được những định hướng cần thiết cho độc giả (thậm chí là tác giả). Thành ra, sau những tác phẩm lớn của thế kỷ trước vẫn là dấu ba chấm bỏ ngỏ.
Làm thế nào để “gọi hồn” những tác phẩm văn học lớn
Hồn của những tác phẩm văn học lớn chắc chắn được neo giữ ở ngòi bút của mỗi nhà văn. Điều quan trọng là nhà văn phải đặt cái hồn đó trong một cái xác hoàn chỉnh, bằng tất cả sự tỉ mỉ và tâm huyết chứ không phải bằng những chắp vá hời hợt hay cẩu thả.
“Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương, nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện” (Nam Cao). Chỉ mong các nhà văn hiện nay thực sự hiểu và tôn trọng sứ mệnh cầm bút của mình, cũng thực sự hiểu và tôn trọng sức mạnh của văn học nói riêng, nghệ thuật sáng tác nói chung: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”…
Hi vọng rằng văn học Việt Nam vẫn sẽ có những cây bút tài năng dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua cái bóng của tiền nhân, như tinh thần “hãy chôn Thơ Mới” mà Trần Dần nhắn nhủ, như lời thỉnh cầu “Hỡi tuổi trẻ, hãy giết chết Boóc – ghết” mà nhà văn vĩ đại người Argentina để lại, và như mong mỏi “Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn ghi – ta” của chiến sĩ – nghệ sĩ người Tây Ban Nha – Lorca.
Vẫn có rất nhiều người đọc ở đây, chờ đợi những tác phẩm văn học làm sống lại những cõi chết trong lòng, và thắp lên những niềm tin không hiểu sao một ngày đã trở thành nguội lạnh.
Lai La/Theo TTV24