Ăn ngon 3 miền: Ăn gì khi về Đất Tổ?

09:30 | 13/09/2020
Khách phương xa nếu có dịp hành hương hay về chơi vùng Đất Tổ thì đừng bỏ qua những món ngon đặc sắc ở đây, như thịt chua Thanh Sơn, rêu đá, cơm nắm lá cọ, cá anh vũ...

Phú Thọ không chỉ có Đền Hùng linh thiêng cùng những cảnh vật đẹp nức lòng người như rừng cọ, đồi chè, sông Lô nắng cháy… mà còn có những món ăn dân dã, đặc sắc. Ghé Phú Thọ Đất Tổ, du khách đừng quên thưởng thức những món ăn đặc biệt ở đây.

Thịt chua Thanh Sơn

Thanh Hoá có nem chua thì Phú Thọ có thịt chua. Thịt chua Thanh Sơn vốn là một món ăn đặc sản của người Mường.

Món này được làm từ thịt lợn tươi sống và ướp trong thính gạo, để chín bằng men tự nhiên. Khi thưởng thức thịt chua, người ta thường cuốn kèm lá ổi, lá sung hoặc lá đinh lăng. Vị chua chua ngọt ngọt của thịt hoà với vị chát dịu của các loại lá chắc chắn sẽ “được lòng” bạn ngay từ lần thưởng thức đầu tiên.

Thịt chua Thanh Sơn đã nối tiếng từ lâu.

Rêu đá

Rêu đá – cái tên thật lạ nhưng nó lại là một đặc sản nổi tiếng vùng Đất Tổ. Rêu đá mọc ở những phiến đá có nước sông, suối chảy xiết qua. Loại rêu này thường mọc từ xuân hè và được dùng để chế biến thành các món ăn như nộm, kinh tau (canh rêu tươi) hay rêu đá xào me…

Rêu đá mọc ở chỗ nước chảy xiết.

Chẳng những có cái tên lạ, món ăn này còn có hương vị rất đặc biệt. Đến Phú Thọ dịp xuân hè thì đừng bỏ qua món ăn độc đáo này nhé.

Cơm nắm lá cọ

“Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt”, đó là câu thơ của nhà thơ Tố Hữu về mảnh đất Phú Thọ nghìn năm.

Từ lâu, cọ đã trở thành biểu tượng của vùng Đất Tổ, nhưng không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm thủ công từ cây cọ, vùng đất cọ còn có món ăn đậm đà hương vị quê hương là cơm nắm lá cọ.

Cơm nắm lá cọ được làm rất đơn giản, bình dị với những chiếc lá cọ non mướt cuốn lấy phần cơm trắng cho thật chặt, thật chắc. Nhưng khi ăn món ăn này kèm với muối vừng, muối sả hay sườn lợn rang thì thực khách sẽ phải gật gù, tấm tắc khen, bởi vị ngọt bùi của cơm trắng và những muối, những vừng kia đã cùng tạo nên một hương vị rất Việt, rất xưa.

Cơm nắm lá cọ.

Cọ ỏm

Nếu lá cọ dùng để cuốn cơm thì quả cọ sẽ dùng để ỏm. Khi những quả cọ đã chín già, người ta sẽ lượm về để làm nên món ăn trứ danh. Để làm được món ăn này không hề đơn giản mà phải cần đến đôi bàn tay khéo léo của những “đầu bếp” thiện nghệ. Cọ chỉ đạt đến độ ngon trọn vẹn khi được ỏm trong thời gian tiêu chuẩn.

Cọ ỏm có vị thơm bùi, béo ngậy.

Cọ ỏm có vỏ màu đen bóng, bên trong vàng ươm như mật ong. Cắn một miếng cọ ỏm, vị ngon lạ, thơm lừng, béo ngậy sẽ tan ra trong miệng, vô cùng hấp dẫn. Cọ ỏm thường chấm với muối vừng hoặc nước nắm để tăng thêm hương vị.

Tằm cọ

Thêm một món ăn nữa mang dấu ấn của những đồi cọ điệp trùng – tằm cọ. Tằm cọ có hương vị hấp dẫn và giàu chất dinh dưỡng. Những con tằm béo múp sẽ được đem nướng lên than hoa đốt từ thân cọ già, bén lửa và chuyến màu vàng óng. Món tằm cọ ăn kèm với muối ớt dùng làm món nhậu thì không còn gì bằng.

Tằm cọ tuy ngon nhưng lại là món ăn không phải ai cũng dám thử.

Xôi nếp gà gáy

Gạo nếp để đồ nên món xôi này phải là gạo nếp trồng ở đất pha cát và có nước ở khe suối chảy ra. Gạo phải được đãi sạch, ngâm nước vừa đủ để xôi mềm, dẻo và thơm.

Xôi nếp gà gáy.

Xôi nếp gà gáy thường được người dân địa phương làm để đãi khách trong những dịp quan trọng.

Xáo chuối Lâm Thao

Huyện Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ nổi tiếng với món xáo chuối trứ danh. Xáo chuối là món ăn đơn sơ nhưng mang đậm hương vị quê hương, với những nguyên liệu chính là chuối xanh, tương, xương, riềng… Giống như món xôi nếp gà gày, món chuối xáo thường xuất hiện trong những dịp quan trọng.

Xáo chuối – món ăn nổi tiếng của vùng đất Lâm Thao, Phú Thọ.

Cá Anh Vũ

Cá Anh Vũ hay còn gọi là cá Tiến Vua. Nghe cái tên thôi bạn cũng có thể hình dung đây là một loại cá vô cùng quý hiếm. Cá Anh Vũ thường có ở ngã ba sông Bạc Hạc, Phú Thọ và được bán với giá khá đắt.

Cá Anh Vũ hấp.

Thị cá Anh Vũ thơm, chắc và có thể chế biến thành nhiều món, nhưng phổ biến nhất vẫn là món cá Anh Vũ hấp.

Rau sắn

Chẳng phải cao lương mỹ vị, rau sắn là búp non của cây sắn lấy củ đem ngâm nước cho bớt nhựa rồi vò nát, luộc chín ăn ngay hoặc trộn muối và ủ chua khoảng 4 đến 5 ngày. Rau sắn luộc chấm với muối vừng. Rau sắn muối có thể đem làm nộm, xào, nấu canh cá, canh xương… Không giống với bất kỳ loại rau này, rau sắn mang hương vị rất đặc trưng.

Rau sắn muối chua nấu canh xương.

Bánh tai

Gọi là bánh tai vì bánh có hình thù giống cái tai. Bánh được làm từ bột gạo tẻ, thịt lợn băm nhuyễn làm nhân trộn cùng gia vị, sau đó đem hấp lên rồi chấm thêm nước mắm ngon. Món bánh này làm thức quà sáng hay ăn kèm các món ăn chính khác đều rất ngon.

Bánh tai thường được chấm với nước mắm cốt.

Lai La/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *