Ăn ngon 3 miền: Bến Tre – xứ dừa không chỉ có dừa

09:38 | 07/09/2020
Người ta gọi Bến Tre là xứ dừa, vì dừa ở đây vừa nhiều vừa ngon. Nhưng Bến Tre đâu chỉ có dừa, Bến Tre còn có rất nhiều đặc sản gây thương nhớ khác như: bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, chuối đập, bánh xèo ốc gạo, chuột dừa...

1. Bánh canh bột xắt

Bánh canh bột xắt với những sợi bánh dai dai, dẻo dẻo kèm nước dùng đậm đà, ngọt thơm… là món ăn không thể bỏ qua khi đến với mảnh đất Bến Tre. Sở dĩ gọi là bánh canh bột xắt vì bánh được làm từ bột gạo, xắt thành nhiều sợi nhỏ bằng dao bản mỏng. Sợi bánh khi được xắt xong sẽ cho vào nồi nước đang sôi, đến khi sợi bánh nổi lên tức là đã chín.

Bánh canh bột xắt.

Nước dùng để chan với bánh canh bột xắt thường được nấu từ giò heo, nấm, củ cải và một số loại hương liệu khác. Để cho khác lạ, nhiều nơi còn ăn bánh canh bột xắt kèm với thịt vịt xiêm. Vị ngọt bùi của bánh canh và vị ngọt mềm của vịt xiêm tạo nên sự hòa quyện khó cưỡng lại được..

2. Bánh tráng Mỹ Lồng

Mỹ Lồng là một làng nhỏ thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Dù đã tồn tại hơn 100 năm nhưng ngày này, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng vẫn tiếp tục gọi mời và giữ chân khách du lịch bởi hương vị đặc trưng của những chiếc bánh tráng vốn không hề thay đổi theo thời gian.

Bánh tráng Mỹ Lồng.

Nếu ở những nơi khác, bạn chỉ có thể mua được những chiếc bánh tráng đã phơi khô thì ở Mỹ Lồng, bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức những chiếc bánh tráng vừa mới tráng xong và vẫn còn giữ được hương vị béo ngậy của mè, dừa.

Bánh tráng Mỹ Lồng được làm từ bột gạo trộn với nước dừa, vừng trắng, đường và một số nguyên liệu khác. Chính sự khác biệt về nguyên liệu đã khiến bánh tráng Mỹ Lồng mang hương vị đặc trưng mà chẳng bánh tráng ở nơi đâu có được.

3. Bánh phồng Sơn Đốc

Người ta hay nói “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” để ngợi ca hai món ăn tuyệt vời của mảnh đất Bến Tre. Cả hai món ăn này đều là sự kết hợp khéo léo giữa những hương vị tự nhiên của xứ dừa.

Bánh phồng Sơn Đốc.

Nhưng nếu bánh tráng Mỹ Lồng hấp dẫn thực khách bởi vị giòn tan, bùi ngậy… thì bánh phồng Sơn Đốc lại trở thành đặc sản bởi những thớ bánh xôm xốp mang vị beo béo… Từng lớp bánh hòa với nước cốt dừa đặc trưng của từng chiếc bánh phồng như gói trọn nỗi niềm, tình cảm của người dân vùng đất Đồng Khởi.

Nếu có dịp ghé Bến Tre, hãy đến làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (huyện Giồng Trôm) để thưởng thức món bánh truyền thống đặc biệt này.

4. Bánh xèo ốc gạo

Với người dân Bến Tre, bánh xèo không đơn giản được làm từ bột gạo, thịt bò (heo) hay tép bạc mà còn được kết hợp với con ốc gạo để tạo ra hương vị đặc trưng.

Bánh xèo ốc gạo.

Bánh xèo ốc gạo thường xuất hiện trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, khi ốc gạo vào mùa. Người dân Bến Tre thường thưởng thức ốc gạo trong dịp Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch).

Điều khiến món ăn này trở nên đặc biệt là sự hòa trộn khéo léo giữa vị ngọt, giòn của ốc gạo với vị beo béo, thơm ngậy của bột gạo. Cắn một miếng bánh được cuốn cùng vài lá xà lách, rau thơm quyện trong từng giọt nước chấm chua cay… sẽ khiến bạn tạm quên hết những ưu phiền và nhớ mãi hương vị dân dã của sông nước Bến Tre.

5. Chuột dừa

Bến Tre là xứ nổi tiếng với dừa và cũng nổi tiếng với những chú chuột dừa béo múp. Chuột sinh sống trên cây dừa, hút hết chất béo ngậy từ các trái dừa tươi nên thịt chuột dừa cũng thơm ngon và béo bùi.

Thịt chuột Bến Tre.

Chuộc dừa có hình dạng giống như chuột đồng nhưng chúng có bộ răng sắc nhọn hơn. Thịt chuột dừa cũng thơm ngon và chắc thớ hơn hẳn các loại thịt chuột khác.

Chuột dừa được chế biến thành nhiều món như nướng, hấp, nấu cà ri… Tuy nhiên, theo một số người sành ăn thì thịt chuột dừa sẽ đạt đến độ ngon nhất khi được hấp trong nồi cơm, bởi lẽ vị bùi thơm của gạo trắng kết hợp với vị béo ngậy của chuột dừa sẽ tạo nên một hương vị vô cùng hấp dẫn.

6. Đuông dừa

Những con đuông sống trong phần cổ hũ dừa từ lâu nó đã trở thành đặc sản của xứ dừa Bến Tre.

Đuông dừa được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, trong đó phổ biến nhất là món đuông dừa sống chấm nước mắm. Ngoài ra, nó còn được chế biến thành đuông nướng, đuông chiên bơ, đuông hấp nước dừa, cháo đuông…

Đuông dừa chấm nước mắm.

Tuy nhiên, đây lại là một món ăn không phải ai cũng dám thử. Nhưng nếu đã đến Bến Tre, hãy lấy hết can đảm để thưởng thức món ăn này và cảm nhận cái vị thơm lừng, béo ngậy mà nó mang lại.

7. Rượu dừa

Không hổ danh là xứ dừa khi rất nhiều món ăn, đồ uống của Bến Tre thường đi kèm với chữ “dừa” phía sau. Bến Tre không chỉ có kẹo dừa, chuột dừa, đuông dừa… mà còn có rượu dừa trứ danh.

Rượu dừa Bến Tre.

Rượu dừa Bến Tre với hương vị cay nồng của rượu và ngọt dịu của dừa sẽ khiến bạn say theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhấp từng ngụm rượu dừa, bạn sẽ cảm nhận được vị tê tê, cay cay và ngay sau đó là dư vị ngọt thanh, nồng ấm.

Có lẽ người dân Bến Tre đã gửi gắm tất cả những tâm tình, nỗi niềm của mình vào từng giọt rượu dừa nên thứ rượu này mới quyến rũ lòng người đến thế.

8. Củ hũ dừa

Với người dân Bến Tre, dừa là một đặc ân vô cùng lớn, và có lẽ bất kỳ bộ phận nào trên cây dừa cũng được họ tận dụng để phục vụ đời sống, củ hũ dừa cũng không ngoại lệ.

Củ hũ dừa là một món ăn sang bởi để lấy được những miếng củ hũ trắng ngần, béo ngậy, người ta phải lột lớp vỏ bên ngoài củ dừa bằng một sự khéo léo nhất định. Củ hũ dừa có thể dùng để xào lòng gà, làm gỏi, bóp xổi, làm bánh xèo hay thậm chí là ăn sống cũng rất ngon.

Gỏi củ hũ dừa.

9. Chuối đập

Dừa – chuối là sự kết hợp tuyệt vời để tạo nên món chuối đập. Sở dĩ gọi là chuối đập vì chuối sau khi được lột vỏ và nướng thơm, người ta sẽ cho chuối vào túi ni-lông và dùng chày đập mạnh.

Chuối đập.

Khi chuối đã được đập dập, người ta sẽ tiến hành làm nước cốt dừa. Dừa khô nạo vắt lấy nước cốt, bắt lên bếp khuấy, có thể cho thêm ít bột năng để tăng độ sánh. Chuối đập thường ăn kèm với hành, muối và đường. Khi thưởng thức từng miếng chuối, bạn sẽ thấy dậy lên một mùi thơm vô cùng hấp dẫn.

10. Lẩu cháo cua đồng

Lẩu cháo cua đồng có lẽ chỉ có ở Bến Tre. Nồi cháo gạo ngon ninh nhừ với đậu xanh, cho thêm nấm rơm, nêm nếm vừa ăn rồi cho nước lọc cua vào cùng với hành lá xắt nhỏ và gốc hành, đó là hình dung đơn giản nhất cho món ăn dân dã của xứ dừa.

Lẩu cháo cua đồng.

Thứ quyết định vị ngon của lẩu cháo cua đồng chính là rau ăn kèm. Cháo thường được ăn cùng ngọn non của rau đắng. Vị đắng của rau sẽ át đi vị tanh của cua. Nếu muốn tăng thêm vị ngọt cho món cháo, thực khách có thể ăn kèm với mướp hương, mồng tơi, rau ngót, kèo nèo, bông bí, bông thiên lý…

Lai La/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *