Ăn ngon 3 miền: Đi lòng vòng thưởng thức hết đặc sản Hải Phòng

12:00 | 07/10/2020
Để thưởng thức những món ngon Hải Phòng thì đi lòng vòng cũng đáng. Dưới đây là những đặc sản nổi tiếng mà bạn nhất định phải thử khi đặt chân tới thành phố hoa phượng đỏ.

Bánh đa cua

Nhắc đến đặc sản Hải Phòng thì không thể bỏ qua món bánh đa cua trứ danh. Bánh đa đỏ được trần qua nước sôi rồi đổ vào tô cùng rau muống chín tái, rau rút, chả cá, chả lá lốt, hành lá thái nhỏ, thêm gạch cua, đậu phộng chiên vàng, chả lá lốt, cà chua và rắc ít hành khô thái mỏng trên cùng, chừng ấy thứ có thể gây thương nhớ dài dài cho bất cứ ai dù mới chỉ một lần thưởng thức.

Dù nhiều nguyên liệu như thế nhưng linh hồn của món ăn này là bánh đa đỏ. Sợi bánh đa mềm và dai được làm từ hạt gạo trắng, có độ nở tốt và hương thơm tự nhiên. Gạo được ngâm cho mềm và trắng, rồi bỏ vào cối xay và đổ nước từ từ theo lượng gạo để tạo thành bột sánh mịn. Sở dĩ bánh đa có màu đỏ vì khi làm, người thợ dùng đường mía cô đặc để nấu.

Các quán bánh đa cua ngon thường tập trung trên đường Trần Phú, Minh Khai, Phạm Ngũ Lão, Cầu Đất…

Nem cua bể

Nổi tiếng chẳng kém bánh đa cua, món nem cua bể đã trở thành món ăn quen thuộc mỗi khi thực khách ghé thành phố cảng. Khác với nem ở các vùng khác – nhân nem được làm từ trứng, thịt lợn – món nem cua bể có nguyên liệu chính là thịt cua bể. Những con cua tươi, thịt chắc sẽ cho ra những miếng nem thơm ngon, đậm đà.

Khi ăn, nem của bể được cắt làm bốn, ăn cùng với rau sống, bún và nước chấm chua ngọt. Cắn một miếng nem cua bể, bạn sẽ cảm nhận được hương vị mặn mòi của biển cả đang tan ra trong miệng.

Cháo khoái

Đúng như tên gọi, món ăn này sẽ để lại cho bạn những khoái cảm tuyệt vời khi thưởng thức. Cháo khoái có màu xanh đẹp mắt, được chế biến là lá rau ngót hoặc lá dứa, ăn cùng đậu xanh xay nhuyễn và hành phi. Món ăn này sánh như cháo sườn, có vị ngọt của nước xương ninh hòa quyện vị thơm của hành, vị béo của đỗ xanh… Đến Hải Phòng nhất định bạn phải thưởng thức món ăn này nhé.

Sá sùng

Sá sùng vốn vẫn được người Hải Phòng ví von là quý như vàng. Trước đây sá sùng thường được dâng lên vua chúa vì có hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Cụ thể, sá sùng chứa tới 18 loại acid amin, 17 khoáng chất trong đó có tới 10 loại hỗ trợ sự hoạt động và phát triển của cơ thể con người. Nay, sá sùng đã phổ biến hơn và được dùng như một loại địa sâm để bồi bổ cơ thể. Sá sùng được chế biến thành nhiều món theo cách cách như chiên, xào, nấu canh, nấu cháo, ngâm rượu….

Giá bể xào

Giá bể là loài nhuyễn thể, thịt ngọt, sống vùi dưới lớp cát trên bãi biển. Điểm nổi bật của con giá bể chính là cái chân nhìn như cọng giá đỗ. Giá bể được bán ở khắp Hải Phòng. Cách chế biến giá bể quen thuộc và ngon nhất là xào. Thưởng thức món này bạn sẽ cảm nhận được cùng một lúc cái vị béo ngậy, chua chua, ngọt ngọt, thơm nồng của nước xốt, vị ngot của giá bể và chút mặn mòi của biển cả.

Bánh đúc Tàu

Một bát bánh đúc Tàu bao gồm phần bánh đúc cắt nhỏ, ăn cùng tôm, thịt, đu đủ rán kỹ và phần nước mắm giấm được chan vào trong bát. Chính phần nước mắm chan vừa chua chua ngọt ngọt, lại có vị mặn và cay của dấm ớt đã khiến món ăn này trở nên hấp dẫn. Món ăn này đã trở thành món ăn đường phố quen thuộc của người dân phố cảng. Muốn ăn bánh đúc Tàu ngon, bạn có thể thể quán bánh đúc tàu ở gần ngã tư Cát Dài – Cát Cụt, hay quán bánh đúc ở chợ An Dương.

Sủi dìn

Hình thức của món sủi dìn khá giống với món bánh trôi Tàu, nhưng hương vị lại có phần nồng và thơm hơn. Trong cái lành lạnh của tiết trời mùa đông thì hương vị nóng ấm của gừng, ngòn ngọt của mật mía, bùi bùi của dừa tươi như đọng lại trong một bát sủi dìn.

Bánh mì cay

Những chiếc bánh mì cay đã từng làm mưa làm gió ở Hà Nội và Sài Gòn trong những ngày đầu xuất hiện, và đây cũng là minh chứng hùng hồn nhất cho sức hấp dẫn của món ăn này. Những chiếc bánh mì nhỏ nhắn được đem nướng giòn, bên trong là một lớp patê dày vừa béo vừa ngậy thực sự vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt, món sẽ đúng điệu hơn khi bạn cho thêm ít chí chương (tương ớt ở Hải Phòng) cay xè lưỡi vào bánh.

Patê

Linh hồn của món bánh mì cay Hải Phòng chính là patê. Mặc dù vẫn gồm những nguyên liệu đặc trưng như gan lợn, thịt lợn, mỡ lợn, bánh mì… nhưng bằng một số bí quyết riêng, patê Hải Phòng vẫn tạo nên nét độc đáo của mình. Đặc biệt, pate Cột Đèn đã trở thành một thương hiệu rất nổi tiếng của thành phố Cảng. Bạn có thể ăn kèm món ăn này với bánh mì hoặc sử dụng làm phụ gia cho một số món ăn khác như lẩu đuôi bò, trứng rán, xôi hay là ăn trực tiếp với cơm nóng cũng rất ngon và hấp dẫn.

Chè giun

Chè giun với bánh mì cay đích thị là một “cặp đôi hoàn hảo”. Loại chè còn có tên gọi là chè Thái hay chè bánh lọt (theo cách gọi của người miền Nam). Chè giun Hải Phòng rất chân phương, chỉ gồm những sợi bánh lọt lá dứa xanh mát ăn kèm cốt dừa, thêm chút đá xay. Tuy đơn giản là thế nhưng món ăn này lại rất biết lấy lòng thực khách. Sau khi thưởng thức bánh mì cay, đừng quên thưởng thức chè giun để món ăn thêm tròn vị nhé.

Cà phê cốt dừa

Bột cà phê được xay nhuyễn với nước cốt dừa, sữa đặc sao cho thật sánh quyện với nhau, sau đó thì ăn kèm với trân châu trắng dai dai cùng dừa nạo bùi bùi, giòn giòn, đây quả là sự lựa chọn lý tưởng cho những bạn thích cà phê nhưng cũng thích sự ngọt ngào, béo ngậy.

Chè dừa dầm

Chưa bao giờ hết “hot”, dừa dầm Hải Phòng là sự kết hợp tuyệt vời giữa nước cốt dừa sánh mịn, thạch dừa giòn giòn cùng với trân châu trắng dai dai. Độ béo của sữa đặc cộng thêm một chút thơm thơm của dừa nạo chắc chắn sẽ khiến bạn “phải lòng”.

Lai La/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *