Ăn ngon 3 miền: Sơn La và sự giao hòa của 12 dân tộc anh em

09:00 | 20/09/2020
Sơn La sở hữu những dãy núi đồi trập trùng, những con suối trải dài trong xanh và cao nguyên Mộc Châu mát lành. Đây là nơi được mệnh danh là Đà Lạt của vùng Tây Bắc luôn là điểm đến thú vị cho khách du lịch. Nhưng đó chưa phải là tất cả, bởi Sơn La còn hấp dẫn những tín đồ ẩm thực bởi những đặc sản vô cùng đặc sắc.

Nền văn hóa 12 dân tộc anh em khiến Sơn La sở hữu “kho tàng ẩm thực” đa dạng và phong phú.

Nộm da trâu

Da trâu vốn rất dai và cứng, nhưng người Thái ở Sơn La đã biết cách chế biến nó thành một món ăn rất hấp dẫn. Để làm món nộm da trâu, người ta cho da trâu lên hơ lửa, ngâm nước cho thật mềm rồi thái ra từng miếng mỏng và đều. Nước để bóp nộm không phải là dấm hay chanh như chúng ta vẫn hay dùng mà là nước măng chua.

Nộm da trâu nổi tiếng Sơn La.

Khi thưởng thức, các bạn sẽ cảm nhận được cái dai giòn của da trâu, vị chua của nước măng rừng, vị béo của đậu phộng, hương thơm của rau mùi, mắc khén. Nếu có đôi chén rượu ấm thưởng thức cùng thì sẽ càng tuyệt vời hơn.

Nậm pịa

Món ăn có cái tên rất lạ này được chế biến từ tiết, lòng, tim gan, phèo phổi của các loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, ngựa… Tất cả đều được băm nhỏ rồi trộn với rau thơm, bột mắc khén, rau mùi, tỏi, ớt… và ninh cho tới khi trở thành một hỗn hợp sóng sánh, sền sệt.

Nậm pịa.

Nậm pịa sẽ cho bạn cảm nhận trọn vẹn vị đắng của lá mắc khén, vị đắng của lòng, pịa và sau tất cả sẽ là vị ngọt đọng lại nơi cuống họng. Đây tuy là món ăn dân dã và khá lạ nhưng rất đáng để bạn thử khi đến với mảnh đất Sơn La.

Cơm lam

Cơm lam không phải đặc sản của riêng Sơn La, nhưng cơm lam ở Sơn La vẫn là một món ăn đáng thử. Mùi thơm của gạo nếp nương mới lẫn với chút hương vị của tre, của khói bếp chắc chắn sẽ để lại ấn tượng khó phai cho thực khách. Cơm có thể ăn cùng với muối hay chấm chẩm chéo.

Cơm lam của người Thái ở Sơn La.

Bê chao Mộc Châu

Sơn La nổi tiếng với những đồng cỏ mênh mông và đàn bò béo khỏe, nên cũng nổi tiếng với món bê chau làm say lòng người. Những con bê còn non, thịt mềm và thơm ngọt đem chao qua chảo dầu nóng, ăn lúc nóng hổi trở thành hương vị đặc trưng của mảnh đất này. Đến Sơn La, hãy thưởng thức món ăn đặc sắc này.

Bê chao Mộc Châu.

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc của người Thái ở Sơn La là nét văn hóa ẩm thực độc đáo. Gạo nếp được chọn phải là gạo nếp tan Mường Chanh hoặc nếp thơm Mường Tấc, đem bỏ hạt gãy, nhỏ… sau đó ngâm vào nước lá cây khảu cắm tạo thành các màu xôi khác nhau: trắng, tím, đỏ, vàng, xanh, tượng trưng cho âm, dương, ngũ, hành, tình. Món xôi ngũ sắc hấp dẫn du khách bởi độ dẻo, thơm của gạo và màu sắc bắt mắt. Xôi ngũ sắc thường được người Sơn La dùng trong dịp lễ, tết hay khi nhà có khách quý.

Xôi ngũ sắc vô cùng bắt mắt.

Pa pỉnh tộp

Nguyên liệu để làm món ăn lạ tai này thường là cá trắm, cá trôi, một số loại cá khác bắt được ở suối. Những con cá tươi, được làm sạch vẩy, mổ dọc sống lưng rồi nhồi gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, húng, hành tươi, đặc biệt là mắc khén vào trong. Sau khi cá ngấm đều gia vị, người ta dùng những thanh tre tươi gập cá lại, nướng trên lửa than hồng.

Pa pỉnh tộp.

Cá nướng chín sẽ cho mùi thơm ngào ngạt. Khi thưởng thức các bạn sẽ cảm nhận được thịt cá thơm, chắc, có vị ngọt thanh, đậm đà. Cá nướng dùng kèm với xôi nếp hoặc chấm với chẩm chéo thì ngon tuyệt.

Gỏi cá

Thêm một đặc sản nữa của người Thái ở Sơn La, đó là gỏi cá. Từ xưa người Thái đã có câu “Xép nhứa cin nhứa ma, xép pa cin pa cỏi”, nghĩa là “Thèm thịt thì ăn thịt chó, thèm cá thì ăn cá gỏi”. Đây là món ăn thường được dùng để thái đãi khách quý, thể hiện sự hào phóng và chua đáo của gia chủ.

Gỏi cá là món ăn nên thử khi đến Sơn La.

Ngày nay, gỏi cá đã có mặt ở các nhà hàng nên thực khách dễ dàng có cơ hội thưởng thức món ăn đặc sắc này.

Cháo mắc nhung

Cháo mắc nhung (hay còn gọi là cháo đắng Phù Yên), là món ăn được chế biến từ một thứ quả màu xanh cùng họ với cà chua nhưng chỉ bé bằng hạt đu đủ chín, có vị cay cay, đắng ngọt. Cách chế biến món ăn này khá đơn giản. Khi hái quả về người ta rửa sạch rồi thêm gừng, xả, trộn với gạo tấm, tưới ít nước và cho vào lá chuối buộc chặt vùi trong tro bếp nóng, hoặc đồ xôi. Chỉ cần chờ khoảng 30 phút sau sẽ có ngay một món ăn sền sệt, đăng đắng, thơm cay hấp dẫn. Cháo mắc nhung có thể ăn như cháo bình thường, hoặc dùng để chấm xôi cũng rất tuyệt.

Ảnh: Internet.

Khoai sọ Nậm Lầu

Khoai sọ nậm lầu là đặc sản của vùng đất Thuận Châu, Sơn La. Những khi thời tiết se lạnh, các bạn đến Thuận Châu hãy tìm để thưởng thức ngay món khoai sọ hầm xương nóng hổi. Khoai sọ trồng ở Nậm Lầu đặc biệt ngon khiến các thực khách chỉ ăn một lần sẽ nhớ mãi. Cái vị ngọt, bùi, thơm ngậy lạ thường cứ vương vấn mãi trong miệng.

Món canh khoai sọ Nậm Lầu.

Chẩm chéo

Trong những món ăn ở trên, chúng ta đã không ít lần nói đến chẩm chéo. Đây được mệnh danh là “linh hồn ẩm thực Tây Bắc”. Hầu hết các món ăn ở vùng núi Tây Bắc đều được ăn kèm với nước chấm chẩm chéo này. Chẩm chéo được chế biến đơn giản với nhiều nguyên liệu quen thuộc như: tỏi, ớt tươi, rau mùi, mắm, đường… và không thể thiếu bột mắc khén – loại gia vị đặc trưng ở nơi đây. Tất cả những nguyên liệu trên được giã nhuyễn trộn đều thành một loại nước chấm sền sệt với dư vị đặc biệt.

Chẩm chéo – “linh hồn ẩm thực Tây Bắc”.

Lai La/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *