Ăn ngon 3 miền: Tiền Giang đồng lúa bạt ngàn

20:00 | 13/10/2020
Lâu nay, đặc sản Tiền Giang hòa mình vào nét chung của ẩm thực vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên nó vẫn mang những nét đặc trưng của riêng nó. 

Hủ tiếu Mỹ Tho

Nhắc tới hủ tiếu đậm nét Nam Bộ, bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc và hủ tiếu Nam Vang thì chắc chắn người ta không thể bỏ qua hủ tiếu Mỹ Tho. Hủ tiếu Mỹ Tho có từ thời Mỹ Tho Đại Phố – thế kỷ XVII. Sợi hủ tiếu Mỹ Tho có cọng nhỏ màu trắng, khô, dai dai, có hương vị hơi chua, nét rất riêng mà những nơi khác không có được. Món này còn có thêm tôm, mực, thịt heo, thịt gà, lòng, tim…tùy vào sở thích của du khách và dùng thêm cả hẹ, xà lách, giá, cần tây… Điều làm nên sự khác biệt của món hủ tiếu Mỹ Tho là nước lèo. Nước lèo được nấu từ nước hầm xương, thêm chút vị mặn của tôm khô, mực nướng, củ cải. Người nấu hầm tất cả những nguyên liệu trên thật lâu để có nồi nước lèo đậm vị.

Nhưng nếu muốn khác lạ, thực khách có thể thưởng thức một bát hủ tiếc khô, tức là hủ tiếu không chan nước lèo. Dù không có vị beo béo mà nước lèo mang lại nhưng món hủ tiếu khô cũng có hương vị thơm ngon rất riêng.

Bún gỏi già

Bún gỏi già là một món ăn đặc trưng của ẩm thực miền tây với những nguyên liệu đậm chất miệt vườn. Thành phần của bún gỏi già cũng tương tự như bún mắm, bún nước lèo nhưng đặc biệt hơn ở chỗ nước lèo đậm đà tương xay, mắm và nước me chín. Bún gỏi già ăn kèm rau và mắm nêm có pha khóm. Tô bún gỏi già hòa trộn giữa các vị béo, chua, mặn, ngọt và mùi rau thơm phảng phất. Tô bún tuy mộc mạc dân dã nhưng lại trở thành món ăn để nhớ để thương của du khách khi ghé thăm Tiền Giang.

Chả nướng chợ Gạo

Món chả nướng chợ Gạo có nguyên liệu gần giống với món chả trứng vịt hấp, thường sẽ gồm thịt heo nạc vai và trứng vịt. Chả được nướng ở trong nồi gang, bên dưới có lót một lớp lá chuối rồi đổ hỗn hợp trứng thịt vừa rồi vào đun cho đến khi chả khô. Chả nướng có mùi thơm của trứng nướng, ngọt béo của thịt heo.

Chả nướng Chợ Gạo ăn kèm rau sống, bánh tráng và nước mắm pha chua ngọt. Món ăn này thường xuất hiện trong những dịp giỗ Tết, lễ lạt của người Tiền Giang.

Cháo cá lóc rau đắng

Cá lóc và rau đắng, đó là hai trong nhiều thức quà mà thiên nhiên đã ban tặng cho miền Tây sông nước nói chung, mảnh đất Tiền Giang nói riêng. Với hai thức quà này, người dân Tiền Giang đã tạo ra một món ăn vô cùng thơm ngon và bổ dưỡng.

Cá lóc nấu cháo thường là cá lóc đồng, tuy bé nhưng thịt chắc và thơm. Cá được cho vào đun cùng với cháo để ngọt nước và mùi thơm hòa quyện cùng nhau. Sau khi đã nêm nếm đủ gia vị, người ta sẽ cho thêm vào hành tím cùng hành lá, ngò rí, tương hột, để nồi cháo có vị đặc trưng. Cháo cá thường ăn kèm rau đắng – thứ rau đắng ở đầu lưỡi nhưng lại cho vị ngọt nơi cuống họng. Cháo cá lóc rau đắng là sự kết hợp tuyệt vời mà bạn nên thử khi du lịch Tiền Giang.

Khô cá bông lau

Cá bông lau có thể chế biến bằng nhiều cách khác nhau như nấu canh, nấu lẩu… Tuy nhiên, món cá bông lau được yêu thích nhất ở Tiền Giang vẫn là khô cá bông lau. Từ những miếng cá bông lau phơi khô, người ta đem kho nước dừa, chiên vàng hoặc nấu canh chua… tất cả đều rất ngon.

Mắm tôm chà Gò Công

Mắm tôm chà Gò Công được cho là món mắm cao cấp vì chỉ toàn thịt tôm. Những con tôm còn tươi rói nhảy tanh tách được tẩm ướp công phu rồi phơi nắng, sau đó đem chà xát để thu được phần thịt tôm đỏ au và phải mất 3 – 4 kg tôm tươi mới được 1 kg mắm. Thau mắm được phơi đủ nắng sẽ có màu hồng hây hẩy như má thiếu nữ đương thì.

Mắm tôm chà ăn với thịt luộc, bún, bánh tráng vào rau là đúng bài nhất. Mắm tôm Gò Công có hương thơm nồng, hăng hăng mùi nắng gió và vị ngọt từ thịt tôm rất đặc trưng.

Mắm còng Gò Công

Không chỉ nổi tiếng với mắm tôm chà, Gò Công còn được biết đến với món mắm còng thơm ngon nức tiếng. Mắm còng có hai kiểu chế biến: để nguyên con như kiểu làm mắm chua ở Huế hoặc chế biến còng và làm đậm đặc như mắm ruốc. Khi ăn mắm còng, thực khách chỉ cần cho thêm chanh, ớt đường, gia vị là đã có một món chấm cực kì thơm ngon.

Bánh bèo chợ Hàng Bông

Ghé chỗ nào miền Tây người ta cũng có thể tìm được món bánh bèo thân thương, nhưng bánh bèo ở chợ Hàng Bông (Mỹ Tho, Tiền Giang) thì vẫn mang hương vị đặc biệt khó trộn lẫn. Bánh bèo ở đây có hai loại là nhân mặn và nhân ngọt, chỉ nhìn qua thôi bạn đã có thể phân biệt hai loại bánh này rồi. Nếu như bánh bèo nhân ngọt có đậu xanh đánh phủ trên mặt là nước cốt dừa và mè rang thì bánh bèo nhân mặn có phần đặc sắc hơn với bì, cà rốt, tôm khô, củ cải ăn kèm nước mắm chua ngọt.

Thưởng thức bánh bèo phải ăn từng chén ít ít mới ngon. Vả lại, người dân Mỹ Tho cũng không dùng đũa để ăn bánh bèo, thay vào đó, người ta sẽ dùng những thanh tre vót sẵn đậm chất miệt vườn.

Bánh vá (bánh giá)

Nguyên liệu làm bánh vá rất đơn giản, gồm bột gạo, bột năng, đậu xanh, heo nạc, tôm đất, nấm rơm, óc heo, giá… Sau khi đã sơ chế nguyên liệu và có được hỗn hợp sền sệt của bột năng và bột gạo thì người đầu bếp sẽ bắt đầu chiên bánh. Người chiên phải hết sức khéo léo để không làm bánh vỡ. Bánh khi chín có màu vàng ươm đẹp mắt. Bánh có hình dáng khá giống bánh tôm hồ Tây, nổi bật với chú tôm đỏ au nằm uốn mình bên trên.

Và cũng giống bánh tôm hồ Tây, bánh vá phải ăn khi nóng mới ngon. Người ta thường ăn bánh kèm với bún, rau sống, dưa leo và nước mắm tỏi ớt.

Chuối quyết dừa

Chuối quết dừa là một món ăn nổi danh của vùng đất Tiền Giang. Để làm nên món ăn này, người dân thường chọn loại chuối sứ xanh, tuy già nhưng tròn trịa và giữ được độ dai. Chuối được đem luộc chín rồi trộn cùng dừa nạo – loại dừa xiêm có lớp cơm ngọt, nêm nếm cùng gia vị rồi giã nhuyễn. Lúc hỗn hợp đã sánh lại thì đem đổ ra đĩa và rắc đậu phộng lên rồi thưởng thức.

Chuối quyết dừa có vị thơm phức của chuối, béo ngậy của dừa và vị bùi bùi của đậu phộng, thưởng thức một lần là bạn sẽ nhớ mãi không quên.

Chè Sơn Qui

Bên dòng sông xanh ngát lục bình ở Gò Công, có một món ăn đã trở nên quen thuộc suốt hơn nửa thế kỷ, đó là món chè Sơn Qui. Món ăn này vẫn được người ta gọi là thứ “của một đồng, công một nén”. Chè được chế biến rất cầu kỳ, tinh tế từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến lúc xếp lớp vào ly. Điểm đặc biệt của chè là những viên bột trong veo bọc lấy đậu phộng rang bên trong. Món chè hấp dẫn thực khắc bởi phảng phất mùi lá dứa, vị ngọt thanh của đường và bùi bùi của đậu.

Lai La/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *