Ăn ngon 3 miền: Về Thái Bình quê lúa

21:14 | 30/10/2020
Nhắc đến ẩm thực quê lúa Thái Bình là người ta nghĩ ngay đến canh cá rô đồng, nước mắm Diêm Điền, bánh cáy, kẹo lạc và nhiều đặc sản nổi tiếng khác.

Canh cá Quỳnh Côi

Đơn giản, đậm đà, ngon, đó là ba từ dùng để miêu tả món canh cá Quỳnh Côi. Canh cá ở đây chẳng cần nguyên liệu gì cao sang hay công đoạn chế biến phức tạp. Cá rô đồng và cá chuối là nguyên liệu chính để chế biến món ăn, đó đều là các loại cá cho thịt chắc, béo ngậy.

Người ta luộc cá chín tới rồi tách hết xương ra. Xương được ninh lâu để làm nước dùng. Thịt cá thì để ráo nước rồi đem chiên cho vàng ruộm, bắt mắt. Món canh cá Quỳnh Côi vị ngọt từ cá rô đồng hòa quyện cùng chút gừng cay nồng, chút hăng hăng của rau cải đủ để thực khách phải xuýt xoa, nhất là trong những ngày mưa mùa đông.

Gỏi nhệch

Nhệch là loại cá sống ở vùng nước lợ, có hình dáng giống lươn (nhưng to hơn lươn). Nhệch có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nhưng người Thái Bình ưa nhất vẫn là món gỏi nhệch.

Nhệch tươi được làm sạch nhớt bằng nước vôi trong, sau đó lau khô, mổ bụng, bỏ ruột và rửa lại với nước sạch. Người ta lọc thịt nhệch và thái thành những lát mỏng, ướp gia vị. Gia vị làm gỏi nhệch gồm thính gạo, riềng xay, chanh và hạt tiêu.

Gỏi nhệch được ăn kèm với cúc tần, vọng cách, đinh lăng, mùi tàu, sung, húng quế, lá sắn, hoa chuối, chuối xanh, khế, ớt chua, và đặc biệt nhất là nước mắm Diêm Điền – thứ nước mắm hảo hạng, thơm đặc trưng. Thưởng thức gỏi nhệch, bạn như cảm nhận được các vị cay, đắng, ngọt, bùi, chát, thơm cùng một lúc, quyến rũ vô cùng.

Nước mắm Diêm Điền

Như đã nói ở trên, nước nắm Diêm Điền là loại nước mắm hảo hạng, có hương thơm đặc trưng của vùng quê Thái Bình. Để làm được nước mắm Diêm Điền, người ta ủ cá với muối theo tỉ lệ 1:3 và ngâm trong thời gian từ một năm đến năm rưỡi mới đưa vào sản xuất. Nguyên liệu chủ yếu là cá trích, nhâm, ruội, cá cơm. Cá phải đảm bảo được độ tươi ngon thì mới cho ra được loại nước mắm ngon nhất.

Cá nướng Thái Xuyên

Cá nướng Thái Xuyên từ lâu đã trở nên nổi tiếng. Nguyên liệu của món ăn này thường là những loại cá nước ngọt cho thịt thơm ngon và dai như cá trắm đen, cá trắm cỏ, cá trôi… Cá tươi sống được làm sạch, lọc bỏ xương rồi đem tẩm ướp nhiều lần với mắm, muối, hạt thì là, hành, xả, ớt, tiêu bắc và nghệ để tạo màu.

Người Thái Bình nướng cá trong một cái hố sâu (khoảng 40 cm) để đảm bảo nhiệt. Loại than nướng thường dùng là than gỗ xoan, gỗ ổi, gỗ nhãn, giúp đượm lửa và giúp cá thơm hơn. Cá nướng chấm với nước mắm chua ngọt chắc chắn là món ăn đáng thử khi bạn du lịch Thái Bình.

Bún bung

Bún bung là món ăn yêu thích và phổ biến ở miền Bắc. Bún bung thường có dọc mùng, chân giò, mọc… Tuy nhiên, bún bung ở Thái Bình thường không ăn kèm với dọc mùng mà thay vào đó là hoa chuối. Bún ngon, ngọt nước, thơm lừng vị lá xương sông. Nếu có dịp đến Thái Bình, đừng bỏ qua món ăn ấm bụng này nhé!

Bánh gai Đại Đồng

Bánh gai Đại Đồng là đặc sản Thái Bình có lịch sử làng nghề trên dưới 400 năm. Xưa kia người ta chỉ được thưởng thức bánh gai vào mỗi dịp lễ tết, hội làng, nhưng nay bánh đã phổ biến hơn và xuất hiện trong cả ngày thường.

Bánh có màu đen nhánh, nhân vàng ươm, thơm nồng mùi đỗ đường. Vỏ bánh được làm từ lá cây gai, bọc lớp nhân nào đậu xanh, lạc, vừng, hạt sen, dừa nạo, đường, mứt bí đao và không thể thiếu miếng thịt lợn béo ngậy. Đây là món quà quê dân dã, mộc mạc mà du khách có thể mua về làm quà.

Bánh nghệ

Thứ bánh thơm bùi, vàng rộm bắt mắt này từ lâu đã gắn liền với tuổi thơ của những người con mảnh đất Thái Bình. Bánh làm từ gạo tẻ trộn với nghệ tươi tạo màu, có nhân làm từ hành hoa, mộc nhĩ. Bánh nghệ ngon nhất khi ăn nóng, bởi khi để nguội, bánh sẽ cứng lại và không giữ được hương vị thơm ngon vốn có.

Bánh cáy làng Nguyễn

Một miếng bánh cáy ngon sẽ độ ngọt vừa phải, thơm mùi lạc, vừng rang, ngậy vị mứt bí, béo, dẻo của xôi, dừa và cay cay thơm hương gừng. Bánh cáy ngon nhất khi thưởng thức bánh cùng trà xanh còn nóng. Cái vị chát chát của trà và vị ngọt của bánh tạo nên một hương vị rất riêng và trở thành nét văn hóa ẩm thực lâu đời của người dân Thái Bình.

Kẹo lạc làng Nguyễn

Mỗi vụ lạc mới người dân làng Nguyễn lại chọn ra những củ lạc ngon nhất, mẩy nhất để làm kẹo lạc. Lạc được rang đều có màu cánh gián, sau đó bỏ vỏ cho sạch. Để làm món kẹo lạc này nhất định phải có mạch nha. Người ta cho mạch nha vào đảo đều cùng lạc rang sẵn rồi đổ xuống bàn cán có một lớp vừng rang trảy vỏ rải sẵn.

Kẹo được cắt thành từng thanh dài nhỏ sao cho vừa ăn. Kẹo lạc giòn tan, ngọt vị đường mạch nha, bùi béo của lạc rang. Giống nhau bánh cáy, kẹo lạc sẽ trở nên tròn vị hơn khi được thưởng thức cùng tách trà nóng trong những ngày mưa.

Cốm Thanh Hương

Nhắc đến ẩm thực quê lúa Thái Bình thì không thể không nhắc đến thức quà dân dã cốm Thanh Hương. Nhiều người nhận xét cốm ở đây ngon chẳng kém cốm làng Vòng ở Hà Nội. Có 2 loại là cốm mộc và cốm màu. Cốm mộc thường dùng để làm chè cốm, bánh cốm, chả cốm còn cốm màu thì có thể dùng ăn ngay.

Màu cốm xanh được người dân làm đậm thêm từ lá nếp, lá riềng, gừng hoặc lá cau. Các loại lá này được giã lấy nước và trộn với cốm mộc sẽ cho được màu xanh cực bắt mắt và thơm ngon. Cốm bọc trong lá sen mang hương lúa ngon ngọt bùi là thứ đặc sản Thái Bình làm quà cho bạn bè và người thân.

Lai La/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *