Biến tướng của nghi lễ “hô thần nhập tượng”

02:49 | 20/09/2020
Hô thần nhập tượng hay còn gọi là khai quang điểm nhãn, lễ an vị... thường được tổ chức rất trang trọng và linh thiêng. Dân gian thường hiểu nôm na nghi lễ này là phương pháp các cao tăng “thổi” vào tượng thần, phật linh khí... Tuy nhiên, ngày nay nhiều người lợi dụng nghi thức này để trục lợi cho bản thân.

Nguồn gốc của nghi lễ hô thần nhập tượng

Sở dĩ có chuyện khai quang hay an vị là vì nhiều người tin rằng, nếu không làm lễ, không tiến hành đưa thần lực của Phật an ngự vào tôn tượng thì những loài ma quỷ sẽ nhập vào đó để hưởng hương khói và sự cúng dường. Như vậy, khi quỳ lạy tôn tượng Phật, Bồ Tát mà là quỳ lạy ma quỷ.

Trên thực tế, nghi lễ này xuất phát từ thuyết Âm Dương của người Trung Hoa cổ đại, từ chẳng có gì mà sinh ra Âm, Dương, sau đó cả hai điều hợp với nhau, sinh sinh hoá hoá không ngừng mà sinh ra trời, đất, con người cùng vạn vật.

Với niềm tin này, nghi lễ “khai quang” của Đạo giáo được hình thàn, lấy cái vô hình trong vũ trụ, có đủ linh tính với pháp lực vô biên đem nhập vào trong thần tượng. Sau khi đem thờ phụng thì tôn tượng ấy trở thành linh hiển.

Nếu xét về phương pháp Khai Quang thần tượng theo Đạo giáo, mọi việc đều thông qua vị pháp sư chọn ngày giờ tốt để tiến hành nghi lễ “khai quang điểm nhãn”. Sau khi linh khí an ngự trong pho tượng thì những loài ma quỷ sẽ không dám quấy quả, người cúng bái sẽ được thần linh chứng giám. Thậm chí, không ít ý kiến còn quả quyết rằng, muốn tượng thần linh thiêng, nhất quyết phải tiến hành nghi lễ này.

Thực tế, trong Phật giáo không có nghi thức “hô thần nhập tượng”, mà chỉ có nghi thức gia trì “sái tịnh, an vị” tượng Phật. Theo quan điểm của Phật giáo thì nghi thức khai quang điểm nhãn hoàn toàn không cần thiết. Bởi rằng, tượng Phật và Bồ Tát chỉ là những công cụ để tu hành. Tôn tượng chỉ là một hình tượng vô tri, vô giác, đứng trước pho tượng Phật. Người phật tử chỉ gián tiếp hồi nhớ lại những đặc tính của Ngài, tri ân Ngài vì đã khám phá chân lý và vạch ra con đường giải thoát cho chúng sinh. Nói một cách dễ hiểu hơn, sự cúng bái, phụng thờ quan trọng nằm ở đức tin, lòng thành, sự sùng kính, chứ không phải ở nơi tượng Phật và Bồ Tát.

Như vậy, chẳng có lý do gì phải “khai quan điểm nhãn” trong khi Ngài không có mặt để thọ lãnh sự lễ bái đó. Và hơn cả, chúng ta chỉ là người trần, mắt thịt, không thể có các “quyền năng” như các đấng thần linh hay các bậc giác ngộ, mà có thể cưỡng ép, triệu hồi một vị “thần thánh” nào đó nhập vào tôn tượng.

Sái tịnh nghĩa là gì?

Sái tịnh có thể hiểu đơn giản là rưới nước thơm, một nghi thức của Phật giáo. Mục đích làm cho một nơi hoặc một vật nào đó được trong sạch, giúp cho chúng sinh và oan hồn nơi đó được thanh tịnh, hộ trì Phật pháp. Trong Phật giáo, trước khi tu các bí pháp cần phải sái tịnh đạo tràng và những cúng phẩm. Nước thơm sau khi đã được gia trì ấn chú, đem rảy quanh đạo tràng (nơi thờ cúng) và trên các vật phẩm dâng cúng khiến cho tất cả đều được thanh tịnh.

Ngày nay, sái tịnh là nghi thức phổ biến trước khi cử hành pháp hội, bái sám, an vị… Nghi thức này cũng được sử dụng trong các dịp xuống tóc, thiết lập bàn thờ, đàn tràng, cúng nhà mới, cúng đất đai, khai trương cửa hàng, văn phòng… Ý nghĩa chính của sái tịnh là nương vào tâm đại bi của Bồ Tát làm cho nước này thành nước cam lồ, khi rảy lên làm cho thanh tịnh, sạch sẽ, tươi mát, sống dậy và trị liệu tất cả những gì được nước cam lồ rưới xuống.

Nghi thức khai quang điểm nhãn có bị biến tướng?

Khi một pho tượng được làm ra, đóng gói và vận chuyển đến cửa hàng, sau đó mới được chúng ta “thỉnh” về. Trong cả quá trình, từ lúc đục đẽo, tạo hình không thể tránh khỏi việc bị xê dịch, bám bụi, hoặc thậm chí là được để trong kho bãi không sạch sẽ. Nên khi các tôn tượng ấy được thỉnh về, việc đầu tiên là lau rửa cho sạch sẽ.

Người xưa sẽ dùng rượu để lau rửa các tôn tượng, nhưng rượu lại là một trong năm điều cấm kỵ đầu tiên khi xuất gia, nên ngày nay ta chỉ dùng cồn để lau rửa. Sau đó mới tiến hành sái tịnh, an vị tôn tượng tư gia mà không nhất thiết phải đem vào đền chùa, miếu tự…

Trước khi an vị, trong nhà phải trang hoàng sạch sẽ, bàn thờ đơn giản nhưng không kém phần trang nghiêm thanh tịnh, bày biện hương, hoa, quả… Và người trước khi tiến hành an vị phải tắm gội thân thể. Khi mọi thứ đã sắp đặt xong người thực hiện mới quỳ kính cẩn thắp hương.

Như vậy, mục đích của việc hành trì nghi lễ “khai quang điểm nhãn” trước một tôn tượng nào đó được tôn thờ trong chùa cũng như tại nhà là để nhắc nhở mọi người hằng ngày phải luôn luôn thực hành Phật pháp, chùi rửa tâm bất tịnh, để từ đó mà tu tập theo các bậc giác ngộ, tu tâm dưỡng tính.

Nhưng ngày nay, không hiếm thấy các đồ vật phong thủy như vòng tay, dây chuyền, linh vật hay bất kể là một vật gì được cho là linh thiêng hoặc thuộc về tâm linh đều được mọi người đem lên chùa hoặc nhờ các thầy pháp sư, cô đồng, bóng cậu… “khai quang, trì chú” cho có linh khí. Chính vì thế các cửa hàng bán đồ phong thủy lợi dụng điều này với các lời chào vô cùng hấp dẫn như: “vòng được trì chú, mặt Phật đã được Sư Thầy khai quang…” linh nghiệm vô cùng, sử dụng có thể mua may bán đắt, tránh mọi tai nạn, đao thương bất nhập…

Tuy nhiên, thực tế chẳng ai kiểm chứng được những món đồ này có thực sự linh thiêng như những người bán hàng hay “rêu rao” hay không.

Khi chính những vật phẩm phong thủy đều mang một năng lượng tích cực, khi người đeo có những suy nghĩ tích cực, tâm tính thiện lương thì sẽ ắt có một mệnh số tốt, vật phong thủy đi kèm sẽ gia tăng năng lượng cho chủ nhân. Còn những ai tâm tính ác, luôn nghĩ đến việc hại người thì vật phẩm phong thủy dù có năng lượng mạnh thế nào thì tướng số, mệnh số cũng không thể nào thay đổi được.

Hơn thế, một số chùa miễu hiện nay còn có dịch vụ nhận “khai quang điểm nhãn” các tượng thần tài, thổ địa, tượng phật giúp các gia chủ, nhưng có chăng việc các “thầy” giải thích cũng như hướng dẫn rõ việc “khai quang” này nghĩa là gì? Hay chỉ là cứ đem tượng vào chùa rồi để đó vài ngày, để công quả của người mua được Thần, Phật chứng giám, sau đó chờ ngày lành tháng tốt đem về?

Việc chọn ngày giờ tốt để thỉnh tượng, làm lễ “khai quang, trấn thần” tạo linh khí là điều không thể phủ nhận, nhưng cũng không nên quá cầu kỳ. Chúng ta chỉ nên chọn một chỗ cho là tôn quý nhất trong nhà, rồi với tình cảm thành kính nhất để phụng thờ. Tưởng chừng như bất đồng, nhưng xem xét kỹ thì tựu chung đều thể hiện đường lối hướng thiện, hướng đến giác ngộ thông qua việc thờ tôn tượng. Nói cách khác, khai quang điểm nhãn, an định Thần Phật là điều kiện cơ sở cho người trần tục bước vào con đường tu hành chứ chẳng phải cầu kỳ, đao to búa lớn.

Giày Đỏ/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *