Body Shaming: Khi lời nói giết chết tâm hồn

20:22 | 11/09/2020
Bạn đã bao giờ dừng lại và nghĩ về tần suất chúng ta được yêu cầu thay đổi ngoại hình của mình? Hay chúng ta là một trong số những người dùng mạng xã hội tấn công, chỉ trích ngoại hình của một cá nhân bất kỳ chỉ qua vài tấm ảnh hay qua cái nhìn chủ quan mà chẳng cần biết tâm hồn của họ như thế nào.

Nạn nhân của body shaming

Sau khi nam diễn viên nổi tiếng Chadwick Boseman ra đi, người ta mới nhận ra trong những năm tháng cuối đời anh đã phải đối mặt với nạn body shaming của cộng đồng mạng. Hồi tháng 5, cánh săn ảnh ghi lại hình của anh đang chống gậy, thân hình gầy guộc ngoài phố. Tấm ảnh nhanh chóng thu hút sự chú ý từ người dùng internet.

Nam diễn viên Chadwick từng bị chỉ trích về cơ thể gầy gò ốm yếu trong quãng thời gian đấu tranh với bệnh ung thư.

Nhiều người suy diễn rằng đó là hậu quả của việc Chadwick nghiện ngập, sử dụng ma tuý quá nhiều, thậm chí người ta còn cho rằng đàn ông nếu quá nhỏ bé hay còi cọc chính là điều đáng xấu hổ. Không mấy ai tỏ ra lo lắng cho sức khoẻ của cố nam diễn viên, và cũng chẳng ai biết rằng anh đang phải âm thầm chiến đấu với căn bệnh ung thư một cách đau đớn.

Selena Gomez liên tục bị tăng cân và xuống cân thất thường.

Nữ ca sĩ Selena Gomez cũng là một trong những nạn nhân của công chúng trong một thời gian dài cô tăng cân vì đối phó với bệnh Lupus ban đỏ. Cô phải đối mặt với rất nhiều lời chê bai, thậm chí là hàng ngày, hàng giờ. Cô cho biết: “Tôi tăng và giảm cân nhiều lần, phụ thuộc vào những biến động trong cuộc sống. Chuyện tăng cân thực sự khiến tôi tổn thương”.

Nữ ca sĩ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực và trầm cảm bên cạnh căn bệnh Lupus khi phải chịu đựng những chỉ trích về ngoại hình cùng với nhiều biến cố khác trong cuộc sống. Sau ca phẫu thuật ghép thận, nữ ca sĩ phải điều trị tâm lý và ngừng sử dụng mạng xã hội trong 2 năm liền.

Demi Lovato từng tìm đến các chất kích thích để trốn tránh thực tế.

Cũng bắt nguồn từ việc bị body shaming mà Demi Lovato từng tìm đến các chất kích thích như rượu, ma tuý, thậm chí rạch cổ tay để trốn tránh thực tế. Giọng ca năm 1992 từng cho biết, cô không thể sống thiếu chất cấm quá một giờ, từng mang chúng lên máy bay và trốn vào nhà vệ sinh để sử dụng, chống chế với những áp lực tinh thần mà cô phải hứng chịu từ dư luận.

Nạn body shaming không chỉ xuất hiện ở phương Tây, hầu hết các sao tại châu Á cũng phải đối mặt với áp lực kiểm soát cân nặng, “chiều lòng khán giả”.

Park Bom xuất hiện với gương mặt sưng phồng tại lễ trao giải Grand Bell Awards 2020.

Nữ ca sĩ K-pop Park Bom từng xuất hiện tại lễ trao giải Grand Bell Awards 2020 (3/6 vừa qua) với gương mặt sưng phồng, thân hình được cho là quá khổ, người hâm mộ chê bai cô với phong cách thời trang lỗi thời. Mặc dù phía đại diện của nữ ca sĩ đã lên tiếng khẳng định gương mặt khác lạ của cô là do biến chứng căn bệnh sưng hạch bạch huyến nhưng khán giả vẫn tiếp tục mang hình thể của Park Bom ra bàn tán.

Không ít nghệ sĩ Việt cũng từng là nạn nhân của những “anh hùng bàn phím” trên mạng xã hội như Lynk Lee, Lê Phương, Tú Vi, Hương Giang…

Lynk Lee công khai giới tính với vẻ ngoài nữ tính cũng nhận không ít tranh cãi từ dư luận.

Thời gian qua, cộng đồng mạng xứ Việt không khỏi bất ngờ trước loạt hình ảnh mới của ca sĩ Lynk Lee trong tạo hình gợi cảm nữ tính. Lynk Lee đã công khai vẻ ngoài của bản thân sau khi trải qua phẫu thuật thẩm mỹ gian nan. Thế nhưng với ngoại hình mới, nữ ca sĩ đã phải hứng chịu nhiều “gạch đá” từ dư luận.

Bên cạnh nhiều lời khen ngợi về nhan sắc, cũng không ít người sử dụng lời lẽ khiếm nhã, miệt thị “quá đà” dành cho Lynk Lee. Nhiều nghệ sĩ Việt phải lên tiếng bảo vệ đồng nghiệp của mình, điển hình như ca sĩ Tóc Tiên đã chia sẻ một bài viết bênh vực: “Mạnh dạn gọi tất cả những ai comment bẩn dưới đây là losers (kẻ thua cuộc)”.

Cùng với Lynk Lee, Hương Giang, Thu Trang hay nữ diễn viên Lê Phương cùng nhiều nghệ sĩ Việt khác đều từng phải trải qua giai đoạn “ấm ức”, “ngậm đắng nuốt cay” để “tồn tại” trong showbiz.

Trái tim của những kẻ gây body shaming nằm ở đâu?

Body shaming là một hành động sỉ nhục, với những hậu quả thường là đau đớn lâu dài. Nó chế giễu và bêu xấu các nạn nhân của mình, làm mất đi sự tự tin, duy trì ý tưởng tai hại cho rằng ngoại hình độc đáo của chúng ta nên được so sánh với những khái niệm “hoàn hảo”. Điều này đã làm chúng ta quên đi rằng, điều thực sự quan trọng là tính cách và con người. Bản thân việc body shaming không phải là một tội ác nhưng vẫn có những trường hợp xâm phạm quyền riêng tư của một người để thực hiện nó.

Hình minh hoạ.

Body shaming không phải là một hiện tượng mới mẻ, nó gây nguy hiểm với những số liệu đáng lo ngại. Có tới 94% nữ giới và 84% nam giới bị ảnh hưởng bởi vấn đề về miệt thị ngoại hình, theo thống kê của trang Bully Statistics. Ngoài ra, có hơn 60% người trưởng thành cảm thấy xấu hổ với vẻ ngoài của mình qua tác động từ bên ngoài.

Tiến sĩ Jenny Cole, giảng viên bộ môn Tâm lý học ở Đại học Manchester Metropolitan (Anh) cho biết: “Mạng xã hội ngày càng làm trầm trọng thêm nạn body shaming, nhất là khi chúng ta đang sống trong văn hoá trực quan, nơi những bức ảnh về cơ thể người khác được chia sẻ liên tục”.

Internet là nơi lý tưởng cho body shaming khi người dùng có thể thoải mái viết những điều “khủng khiếp” về người khác. Họ chẳng màng hậu quả đằng sau những câu nói tưởng chừng như “vô thưởng vô phạt” ấy, họ giấu mình sau những bình phẩm trên mạng để dễ dàng buông lời chê bai.

Theo báo cáo của NEDA, tại Hoa Kỳ có tới 20 triệu phụ nữ và 10 triệu nam giới mắc chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng về mặt lâm sàng vào một thời điểm nào đó trong đời. Chúng bao gồm chán ăn tâm thần, chứng cuồng ăn, rối loạn ăn uống vô độ, hoặc một chứng rối loạn ăn uống cụ thể khác.

Không phải body shaming gây ra rối loạn ăn uống, nhưng nó có thể khuếch đại suy nghĩ. Nó gây ra cùng một loại suy nghĩ đang dẫn đến chứng rối loạn ăn uống và chúng ta cần phải lên án chúng. Miệt thị ngoại hình có thể gây ra bệnh trầm cảm, đồng thời tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tinh thần và thể chất. Không ít người tìm đến việc tiêu cực sau một thời gian là nạn nhân của công chúng.

Body shaming không chỉ xuất hiện trong các cuộc thảo luận của cư dân mạng, nó còn ẩn đằng sau những lời khuyên giảm cân trong các bài báo quảng cáo sản phẩm. Ngoài ra, trong các bộ phim sitcom thường xuyên sử dụng cơ thể của các nhân vật thừa cân làm cơ sở cho nhiều trò đùa của chương trình. Dường như body shaming trở thành tiêu chuẩn để chỉ trích các khía cạnh cơ thể như một loại trải nghiệm gắn kết với người khác. Và nó có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn của sự phán xét và chỉ trích.

Chúng ta không thể đánh giá sức khoẻ của một ai đó chỉ thông qua ngoại hình của họ. Nhận xét về cơ thể, trọng lượng về một ai đó là hoàn toàn vô nghĩa và chẳng hiệu quả chút nào nếu bạn đang viện cớ rằng bạn đang giúp họ, muốn tốt cho họ. Trên thực tế, body shaming sẽ mang đến những hành vi tồi tệ hơn cho sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Điều đáng nói là ít ai có thể lên tiếng bảo vệ bản thân khỏi việc bị body shaming. Thay vì nói rằng “tôi thực sự bị tổn thương bởi cách bạn đối xử với tôi” thì họ nghĩ “tôi sợ hãi khi đánh mất mối quan hệ này”. Điều này khiến họ dễ bị tổn thương hơn và họ sớm cảm thấy dễ dàng chôn vùi bên dưới những bình luận mang tính sỉ nhục.

Ngôn ngữ xung quanh body shaming đã ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta đến nỗi chúng ta thậm chí đã quá quen thuộc và phải “vật lộn” với cơ thể của chính mình.

P. Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *