Bức tranh ngành điện ảnh ảm đạm, hàng trăm phim bị hoãn chiếu

16:06 | 09/10/2020
Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành công nghiệp tỷ đô rơi vào tình trạng lao đao: rạp đóng cửa, hàng loạt phim bị hoãn chiếu, không ít phim phải ngừng quay vì đoàn làm phim có người nhiễm bệnh.

Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, trong đó bao gồm cả thị trường phim ảnh.

Hiện tại ảm đạm, mù mịt của ngành điện ảnh

Không tìm thấy một chút ánh sáng nào, ngành điện ảnh toàn cầu đang rơi vào khủng hoảng, bế tắc. Suốt nhiều tháng liền, các rạp chiếu phim đóng cửa im lìm. Thậm chí ngay cả khi được phép mở cửa trở lại thì những cánh cửa này vẫn khép chặt, bởi các hãng phim không muốn công chiếu tác phẩm của mình vào thời điểm kinh tế kiệt quệ, và nhất là khi khán giả đang ghiền “món ăn mới” – dịch vụ truyền hình trả tiền, xem phim trực tuyến.

Cách đây vài ngày, Cineworld – chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ hai thế giới thông báo đóng cửa vì Covid-19. Quyết định này được đưa ra sau khi giá trị cổ phiếu của công ty giảm 80% – mức thấp nhất trong lịch sử. Sự sụp đổ của Cineworld có thể khiến 45.000 người mất việc, và về lâu dài nếu không đủ sức mở cửa trở lại, một thương hiệu phát hành phim có trụ sở tại nhiều quốc gia với hàng ngàn cụm rạp sẽ chỉ còn là dĩ vãng.

Giá cổ phiếu của Cineworld giảm 80% – thấp nhất trong lịch sử.

Sau tấm gương Tenet – bom tấn dù được dự đoán sẽ “giải cứu” phòng vé nhưng đến khi ra rạp lại nhận về trái đắng bởi doanh thu thấp thảm hại – thì hàng loạt phim thông báo rời lịch chiếu. Đến nay danh sách này đã vượt qua con số 100. No time to die, Black Widow, Top Gun: Maverick, Fast and Furious 9… đều thông báo dời lịch sang năm 2021. Wonder Woman 1984 của Hãng Warner Bros là bom tấn hiếm hoi giữ nguyên lịch chiếu (tháng 12/2020) nhưng cũng chưa chắc chắn.

Bom tấn Fast and Furious 9 dời lịch chiếu sang năm 2021.
No time to die vẫn giữ nguyên lịch chiếu vào tháng 12/2020 nhưng vẫn chưa chắc chắn.

Không chỉ diễn ra “thảm cảnh” ngừng chiếu, ngành điện ảnh còn trở nên u tối hơn khi rất nhiều phim phải ngừng quay. Mới đây, Jurassic World: Dominion của hãng Universal Pictures đã bị hoãn quay trong hai tuần sau khi một số thành viên của đoàn phim có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Trước đó, hồi đầu tháng 9, bộ phim The batman của hãng Warner Bros cũng phải ngừng sản xuất sau khi ngôi sao Robert Pattinson nhiễm corona virus.

The Batman phải ngừng sản xuất vì ngôi sao Robert Pattinson mắc Covid-19.

Kịch bản nào cho tương lai của ngành điện ảnh?

Delphine Lievens khẳng định trong thời gian tới, khi các phim bom tấn vẫn còn “cất tủ” thì sân chơi sẽ dành cho dòng phim độc lập, phim có kinh phí thấp.

Một dự đoán tiếp tục được đưa ra là khi tất cả các phim dời lịch chiếu trong năm nay vì sợ thua lỗ, rất có thể trong năm 2021 các phim này vẫn phải đối mặt nguy cơ trên vì có quá nhiều phim cùng ra rạp.

“Rất có thể trong năm 2021, các phim chỉ có 1 tuần trụ tại rạp trước khi 1 bộ phim khác được phát hành. Nếu một phim bom tấn ra mắt tại Mỹ, các nhà phát hành có thể sẽ biết cách giãn lịch để đảm bảo phim đủ duy trì độ hot nhưng với thị trường quốc tế, họ không cần làm vậy” – Delphine Lievens nói.

Ông cho rằng dịch bệnh đặt ra nhiều thay đổi lẫn thách thức trong việc làm phim. Thời gian qua, nhiều bộ phim bom tấn không dám ra rạp vì sợ doanh thu thấp trong khi tiền đầu tư quá cao. Nhưng ngoại trừ sự liều lĩnh của Tenet thì phim độc lập vẫn ra rạp và gặt hái một số thành công nhất định. Delphine Lievens lấy ví dụ về After we collided, phim độc lập của Anh vừa ra rạp và hiện đạt doanh thu 2 triệu bảng Anh.

After we collided đã đạt doanh thu 2 triệu bảng Anh.

Kate Muir, lãnh đạo chương trình phê bình phim tại Liên hoan phim (LHP) Luân Đôn đưa ra một góc nhìn khác về tương lai của ngành điện ảnh. “Không còn tranh cãi gì nữa, COVID-19 đã khởi động việc phát trực tuyến trong tương lai. Mọi chuyện đã và đang diễn ra theo cách đó, nếu có khác, sẽ là kết hợp giữa chiếu rạp và đưa phim lên ứng dụng trực tuyến. Tôi thích việc xem phim tại rạp nhưng những người quanh tôi, hoặc họ xem trên ứng dụng, hoặc mua máy chiếu để cả gia đình xem cùng nhau, không ai lựa chọn ra rạp”, ông nói.

Nhà phê bình này cũng nói thêm, dù mọi người thích xem phim theo hình thức cá nhân hơn nhưng họ vẫn muốn tham gia một số sự kiện xã hội. Trong đó, nhiều người thích tụ họp cùng nhau thành một nhóm nhỏ, xem phim trực tuyến và cùng bàn bạc. Kate Muir cho biết, thực tế đã có một số buổi chiếu phim mời các nhà phê bình, những người đam mê điện ảnh ngồi lại để cùng tranh luận về phim. Mô hình này đang rất được ưa chuộng.

Lẽ dĩ nhiên, thời gian này các nhà phê bình đang không có nhiều phim để “mổ xẻ” nên họ có thời gian nhìn nhận sâu hơn về giá trị mà một bộ phim độc lập mang lại. Đó không phải là những bộ phim với cái tên được đi liền với hai từ “bom tấn” mà là những bộ phim đi vào chiều sâu, khai thác nội tâm con người.

Hiện tại, vẫn chưa ai dám chắc về một kịch bản cho tương lai của ngành điện ảnh, nhưng những gì đang diễn ra cũng đủ để người ta đoán biết được phần nào, rằng dòng phim độc lập, phim có kinh phí thấp, dịch vụ phát hành phim trực tuyến đang thắng thế. Thêm vào đó, một số mô hình xem phim trực tuyến kết hợp với bàn luận cùng các chuyên gia đang dần trở thành xu hướng mới được nhiều khán giả yêu thích.

Lai La/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *