Buồn cười MV Việt Nam nhưng phong cách Mông Cổ, Trung Quốc

13:19 | 22/05/2021
Dân tộc ta có lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng, không thiếu các điển tích điển cố nổi tiếng, trang phục trãi qua các triều đại khác nhau cũng đều có sự khác biệt, nhưng thay vì tận dụng văn hóa nước nhà, nữ ca sĩ lại đầu tư kỳ công một tác phẩm chỉ để sao chép kiểu cách Trung Hoa.

Sau thành công vang dội của bộ phim cổ trang Trung Quốc “Đông cung” tại thị trường Việt Nam, bất ngờ một nữ ca sĩ trẻ người Việt đã cho ra mắt MV lấy bối cảnh Trung Quốc cổ phong và dựa theo trang phục của dân tộc Mông Cổ nước này. Đó chính là Hoàng Yến Chibi với sản phẩm “Cánh hoa tổn thương”. Trong MV, nữ ca sĩ và các bạn diễn đều diện lên mình những bộ trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số Trung Quốc. Các cảnh quay và hiệu ứng trong MV cũng được đầu tư chỉn chu “rặc” Trung Quốc như cảnh trong tửu lầu, cảnh múa dưới cơn mưa hoa đào, cảnh thành hôn của đôi nam nữ.

Có thể nói, MV này ngoài lời bài hát tiếng Việt ra thì không còn bất cứ chi tiết nào mang nét Việt. Đến nỗi, một người nước ngoài đã để lại dòng bình luận như sau: “I feel like this music video has a lot of Chinese culture in it. If I watch this video without noticing the Vietnamese title, I just think that this video is from a Chinese drama.” (Tạm dịch: Tôi cảm thấy video âm nhạc này có rất nhiều văn hóa Trung Quốc trong đó. Nếu tôi xem video này mà không để ý tiêu đề tiếng Việt, tôi chỉ nghĩ rằng video này là từ một bộ phim truyền hình Trung Quốc)

Và còn vô số bình luận khác cho rằng MV xây dựng nhân vật quá giống Tiểu Phong – nữ chính bộ phim “Đông cung”, thậm chí có người còn nghi ngờ giai điệu bài hát “mượn ý tưởng” từ ca khúc “Lạnh lẽo” khá nổi tiếng của Trung Quốc.


Trong bối cảnh nước ta vẫn đang chịu ảnh hưởng sâu nặng văn hóa phương Bắc sau một nghìn năm năm Bắc thuộc, việc quảng bá những nét đặc sắc Việt để thể hiện cái độc đáo, cái riêng biệt, cái không trộn lẫn là cần thiết. Dân tộc ta có lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng, không thiếu các điển tích điển cố nổi tiếng, trang phục trãi qua các triều đại khác nhau cũng đều có sự khác biệt, nhưng thay vì tận dụng văn hóa nước nhà, nữ ca sĩ lại đầu  tư kỳ công một tác phẩm chỉ để sao chép kiểu cách Trung Hoa.

Điều này có thể tác động đến nhận thức của bạn bè quốc tế, họ sẽ cảm thấy âm nhạc Việt Nam “bắt chước” quá nhiều âm nhạc Trung Quốc. Hoàng Yến Chibi đã làm rất tốt công cuộc quảng bá hình ảnh giúp… nước bạn, thay vì nước mình!

Khác với Hoàng Yến Chibi, một số ca sĩ như Hòa Minzy, Bùi Lan Hương hay Trịnh Thăng Bình,… đã rất tinh ý khi chọn Việt phục để làm MV cổ trang.

Trong MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp”, Hòa Minzy hóa thân thành Hoàng hậu Nam Phương, lấy bối cảnh Việt Nam cuối triều Nguyễn, khắc họa sống động chuyện tình buồn của hoàng hậu với vua Bảo Đại. MV được đầu tư kỹ lưỡng về trang phục, cốt chuyện, góp phần lan tỏa hình ảnh một triều đại đã qua đến với đông đảo khán giả khắp cả nước.




Với Bùi Lan Hương, bênh cạnh cái “gu” âm nhạc độc đáo thì cô cũng là người thích hoá thân thành một người phụ nữ Việt xưa với nhiều cảnh quay với trang phục Nhật Bình, áo Tấc được mô phỏng chuẩn sử qua bài hát “Nàng thơ xứ Huế”, hay áo yếm kết hợp tứ thân cách điệu, tinh xảo mà vẫn mang đến cảm giác ma mị, lãng mạn và đáng tự hào trong bài “Kiều mệnh khúc”.

Trịnh Thăng Bình cũng đáng được khen ngợi vì chịu đầu tư trang phục MV “Bức bình phong”. Trong MV, nam ca sĩ và bạn diễn mặc áo giao lĩnh, khoác thêm áo đối khâm – trang phục thời Trần, Lê sơ Việt Nam. Tuy vậy, lời bài hát “Bức bình phong” từng bị khán giả chỉ trích giống một bài hát khá nổi tiếng của Trung Quốc, điều này vô tình đã làm mất đi nét thuần Việt của MV.

Có thể thấy, bằng sự khéo léo của mình, các ca sĩ hoàn toàn có thể quảng bá hình ảnh dân tộc với bạn bè quốc tế, đưa lịch sử vào từng cảnh quay nhuộm màu cổ phong góp phần lưu giữ nét văn hoá, bản sắc riêng Việt Nam. Không chỉ vậy, việc này còn tạo hứng thú cho giới trẻ yêu thích, tìm hiểu về nguồn cội và dần khắc phục hiện tượng “Sử nước khác thì rành, sử nước mình thì không” của phần lớn bạn trẻ Việt đam mê phim cổ trang, cung đấu Trung Quốc.

Túc Mạch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *