Ca Ông Trượng Tiên Bửu, Thanh Nam bảo vọng cổ hài của chú Bảy Viễn Châu sâu sắc lắm

10:22 | 05/11/2024
Xuất hiện trong chương trình vinh danh NSND Viễn Châu tại Nhà hát TP.HCM, nghệ sĩ Thanh Nam đem đến không khí vui nhộn khi thể hiện bài vọng cổ hài cùng nghệ sĩ Mỹ Hằng.
Nghệ sĩ Thanh Nam cho biết khi bước ra sân khấu thấy hình soạn giả Viễn Châu ông cứ ngậm ngùi vì tiếc cho người tài hoa của làng cải lương đã vắng bóng – Ảnh: LINH ĐOAN

Vọng cổ hài là một sáng tạo độc đáo của soạn giả Viễn Châu. Chọn NSND Thanh Nam thể hiện bài vọng cổ hài trong chương trình quả là quyết định hợp lý của ban tổ chức.

Thanh Nam: Chú Bảy Viễn Châu là người tài hoa 

Chương trình Viễn Châu – Trọn đời nghiệp cầm ca diễn ra tối 4-11 nhằm giới thiệu chân dung NSND, soạn giả Viễn Châu nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1924-2024).

Soạn giả Viễn Châu không chỉ là danh cầm, tác giả, đạo diễn mà còn góp phần đào tạo nhiều nghệ sĩ tên tuổi của làng cải lương.

Ông có nhiều sáng tạo mang tính đột phá cho bài vọng cổ, cho nghệ thuật cải lương.

Bên cạnh tân cổ giao duyên thì vọng cổ hài là sự khai phá đầy dấu ấn của ông. Qua mấy chục năm, thể loại này vẫn còn tồn tại và được yêu thích.

Trong chương trình vinh danh ông, phần vọng cổ hài do nghệ sĩ Thanh Nam và Mỹ Hằng thể hiện. Thanh Nam là một trong những nghệ sĩ cải lương hài được khán giả rất mến mộ.

Vì vậy khi ông xuất hiện trong tiết mục với kiểu hài tỉnh rụi, cách ca nhấn nhá đặc trưng đem lại sinh khí cho bài vọng cổ và không khí vui tươi trong khán phòng đã khiến khán giả liên tục vỗ tay.

Nghệ sĩ Thanh Nam và Mỹ Hằng thể hiện bài vọng cổ hài Ông Trượng Tiên Bửu – Ảnh: LINH ĐOAN

Tâm sự với Tuổi Trẻ Online, Thanh Nam cho biết ông từng có thời gian được làm việc với soạn giả Viễn Châu. Hồi ông thâu cho hãng đĩa Việt Nam, đa số bài là do ông Viễn Châu sáng tác.

“Chú Bảy Viễn Châu thật sự là người tài hoa của làng cải lương. Bài chú viết dễ ca lắm, người biết ca chút chút cũng có thể ca được. Mà người ta ca mấy chục năm bài của chú không chán. Bài vọng cổ hài chú viết rất duyên. Hài hước nhưng không hời hợt mà sâu sắc.

Ẩn chứa sau những ca từ tiếu lâm là tính giáo dục, sự phê phán những tệ nạn, thói hư tật xấu. Hồi đó cứ rảnh tui hay ghé chở chú đi lai rai, chú cháu nói chuyện này chuyện kia, đờn ca vui vẻ, thoải mái lắm” – Thanh Nam nhớ ký ức về người chú đáng kính.

Có một Viễn Châu thích làm cho người khác cười

Xuất hiện trong chương trình, anh Hoài Thanh, con trai soạn giả Viễn Châu, chia sẻ khi nghe Thanh Nam ca vọng cổ hài anh rất nhớ người cha quá cố của mình.

Anh Thanh nói điều mà anh nhớ nhất về “ba Viễn Châu” là ông rất dí dỏm.

“Trong đầu ba dường như lúc nào cũng chuẩn bị sẵn điều gì đó để khi nói ra khiến mọi người xung quanh phải bật cười.

Nghĩa là ba luôn nhìn những sự việc ở góc độ lạc quan, vui vẻ, pha trò khiến người khác cảm thấy phấn chấn, thoải mái” – anh Thanh tâm sự.

Nhạc sĩ Văn Môn kể về những ngày may mắn được làm việc, thâu âm cùng soạn giả Viễn Châu. Quá trình làm việc đó khiến ông và những nhạc sĩ trẻ thuở ấy được nâng cao khả năng nghề nghiệp.

Các nghệ sĩ chào khán giả cuối chương trình vinh danh soạn giả Viễn Châu – Ảnh: LINH ĐOAN

“Bác là tên tuổi lớn nhưng rất dễ gần. Trong công việc bác tỉ mỉ, nghiêm túc nhưng vẫn rất khoáng đạt, không gò bò. Bác Bảy luôn động viên để người trẻ chúng tôi cảm thấy tự tin.

Đặc biệt, dù lớn tuổi nhưng ông không bảo thủ mà khuyến khích chúng tôi phải luôn tìm tòi, sáng tạo. Có lẽ vì tư tưởng cởi mở đó mà ông luôn đi đầu trong việc khai phá những cái mới cho bài vọng cổ, để lại dấu ấn đậm nét cho nghệ thuật cải lương của dân tộc” – nhạc sĩ Văn Môn tâm sự.

Theo Tuổi Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *