Chương trình tôn vinh tiếng Việt nhưng lại mắc lỗi chính tả cơ bản
14:27 | 24/04/2023
Tập 28 chương trình Vua Tiếng Việt khiến nhiều người bàn tán khi viết sai chính tả một từ khá phổ biến.
Chương trình Vua Tiếng Việtphát sóng trên VTV3 đang gây tranh cãi khi mắc phải một lỗi sai chính tả cơ bản. Cụ thể trong tập 28, chương trình đặt câu hỏi cho người chơi chọn phương án đúng giữa hai phương án “trậm trễ” hay “chậm chễ”. Sau khi người chơi chọn đáp án “chậm chễ”, MC Xuân Bắc khẳng định đáp án của người chơi là đúng.
Khi chương trình phát sóng, nhiều khán giả phát hiện ra đây là một lỗi sai chính tả căn bản khi trong tiếng Việt chỉ có từ “chậm trễ”. Ông Hoàng Tuấn Công – một nhà nghiên cứu về tiếng Việt đã có những chia sẻ khá bức xúc về lỗi sai cơ bản của chương trình.
“Có thể nói là những người làm VTV đã sai ngay từ câu hỏi. Trong tiếng Việt không có từ nào viết là ‘trậm trễ’ hay ‘chậm chễ’, mà chỉ có từ chậm trễ. Chậm trễ là từ ghép đẳng lập, trong đó chậm nghĩa là muộn, trễ (so với yêu cầu hoặc thời hạn quy định), như ‘đến chậm nên tàu chạy mất rồi’, ‘đi chậm 30 phút’; Trễ cũng có nghĩa là chậm, muộn. Ví dụ: ‘trễ hẹn đến cả tiếng đồng hồ’, ‘tàu lại về trễ rồi’,… Như vậy, nghĩa đẳng lập của ‘chậm’ và ‘trễ’ rất rõ ràng. Thế nhưng VTV lại biến ‘trễ’ thành ‘chễ’ một cách rất vô nghĩa”, ông giải thích.
Ông cho rằng những người làm đề cương, kịch bản, cố vấn của chương trình đã không hiểu gì về chính cái từ mà mình đưa ra để thử thách người chơi. Ông bức xúc khi nói rằng chương trình không chỉ chủ quan mà còn rất cẩu thả.
Dưới phần bình luận, nhiều khán giả đồng tình với ý kiến của ông Hoàng Tuấn Công. Khán giả cho rằng đây là một lỗi sai khó chấp nhận trong một chương trình tìm hiểu về chính ngôn ngữ của tiếng Việt.
“Vua tiếng Việt còn thế chả hiểu ‘dân’ tiếng Việt thế nào nữa”, “Có lần tôi nghe Xuân Bắc sửa cho người tìm từ láy, bảo rằng ‘hầm hập’ là vô nghĩa”, “Rất nguy hiểm vì nó phổ biến cái sai mà dân thì ngộ nhận VTV nói gì cũng đúng”, “Cẩu thả quá!”…, khán giả bức xúc.
Trước những tranh cãi, phía chương trình cũng nhanh chóng có động thái phản hồi. Theo đó, trong tập 29 phát sóng mới nhất, chương trình đã chạy dòng đính chính phía dưới màn mình về lỗi sai chính tả ở tập 28. Phía Vua Tiếng Việt khẳng định ban biên tập đã sai chính tả và đính chính đáp án đúng phải là “chậm trễ”.
Tuy nhiên, chia sẻ thêm với VTC News, ông Hoàng Tuấn Công nói thêm: “Vua tiếng Việt đính chính trong chương trình kế tiếp bằng dòng chữ chạy dưới chân màn hình nhưng theo tôi, cái cần sửa nhất, đó là cắt bỏ chỗ sai trong chương trình có lỗi ấy, thì lại không làm”.
Vua Tiếng Việt là một gameshow của VTV không chỉ giúp cho các người chơi mà còn cả các khán giả thêm phần hiểu biết và yêu mến tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên đây cũng không phải lần đầu chương trình gặp phải những tranh cãi.
Trước đó với câu hỏi: “Càn rỡ là tính từ hay động từ?“. Thành viên ban cố vấn của chương trình đã chia sẻ rằng “càn rỡ” là từ bổ ngữ cho một động từ nào đó rồi lấy ví dụ: hành động càn rỡ, thái độ càn rỡ… Cuối cùng, ban cố vấn khẳng định “càn rỡ” là một “tính từ bổ ngữ cho động từ”.
Tuy nhiên, người xem lại cảm thấy lấn cấn vì những ví dụ mà thành viên ban cố vấn đưa ra. Ở cụm “hành động càn rỡ”, “thái độ càn rỡ” thì “hành động” hay “thái độ” được hiểu là danh từ chứ không phải động từ. “Càn rỡ” ở đây đang bổ ngữ rõ ràng cho danh từ “hành động”, “thái độ”. Nếu vị cố vấn đưa ví dụ cụ thể như: “Anh ta hành động càn rỡ” thì “hành động” mới là động từ.
Theo kiến thức, một từ bổ ngữ cho danh từ thì gọi là tính từ, còn một từ bổ ngữ cho động từ thì gọi là trạng từ. Chính vì vậy với trường hợp này “càn rỡ” sẽ biến thành trạng từ nếu đi theo động từ “hành động”. Chính bởi lẽ đó mà câu trả lời này cũng từng khiến khán giả tranh cãi một thời gian.
Hotline : 0909.438.854 Giấy phép số: 48/GP-TTĐT Do Sở Thông tin và Truyền thông Tp.Hồ Chí Minh cấp 25/07/2019 Liên hệ quảng cáo: truyenthonghelios@gmail.com Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Hùng Địa chỉ: 61 Hoa Sữa, Phường 7, Quận Phú Nhuận , TP.HCM