“Dòng chảy”của Họa sĩ Iris Nguyen đến với công chúng yêu nghệ thuật Sài Gòn

12:43 | 21/10/2023

Triển lãm “Dòng chảy” (The Flow) của họa sĩ Iris Nguyen vừa diễn ra tại The World ArtSpace Gallery – số 21 Võ Trường Toản, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP.HCM, trưng bày bộ sưu tập 23 bức tranh biểu hiện được vẽ trong 3 năm gần đây.

Iris Nguyen (Nguyễn Lệ Bảo Thu) sinh ra ở Phan Rang, thành phố nhỏ bên bờ biển xinh đẹp ở miền Nam Việt Nam. Họa sĩ đã bắt đầu sáng tác chuyên nghiệp và làm việc với nghệ thuật từ năm 14 tuổi, đã triển lãm tác phẩm thường xuyên ở Việt Nam. Học cùng lúc hai trường Đại học khác nhau tại TP.HCM, đồng thời Iris Nguyen đã đi rất nhiều nơi, trải nghiệm, khám phá thế giới với hành trang Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Iris Nguyen đã tốt nghiệp loại giỏi Thạc sĩ chuyên ngành Thiết kế và quản lý (MASTER OF ARTS IN DESIGN & MANAGEMENT – COVENTRY) tại Đại học Coventry.

Họa sĩ từng làm việc tại ORIENT ANTIQUES (Việt Nam, Thái Lan và Dubai) từ năm 2016 đến 2019, Giảng viên chuyên về sơn dầu và màu nước tại Chill Art Studio từ năm 2019 đến 2021, làm việc tại phòng trưng bày nghệ thuật cá nhân EVR Gallery và tập trung vào tác phẩm nghệ thuật với tư cách là nghệ sĩ toàn thời gian từ năm 2021 đến 2023.

Không chỉ vẽ tranh sơn dầu, màu nước, Iris Nguyen còn có thế mạnh với tranh kỹ thuật số, cô cũng có những tác phẩm điêu khắc gây dấu ấn, chẳng hạn như KITSUNE, tác phẩm điêu khắc mới năm 2022 của Iris được làm từ đất sét polymax với hơn 35 giờ chế tác. “Kitsunes được cả thế giới biết đến với cái tên Linh hồn cáo chín đuôi – là những sinh vật rất thông minh và có hiểu biết tâm linh sâu sắc về thế giới xung quanh. Kitsune là những sinh vật hấp dẫn giữ một vị trí quan trọng trong văn hóa và thần thoại Nhật Bản” – Iris Nguyen chia sẻ.

Họa sĩ có được nội tâm sâu sắc nhờ những trải nghiệm đa dạng ở nhiều đất nước, làm phong phú thêm thế giới tinh thần cũng như luồng cảm xúc chuyển tải vào các bức tranh, truyền cảm hứng tới công chúng yêu nghệ thuật ở khắp nơi qua tác phẩm và các workshop đào tạo ngắn hạn về mỹ thuật.

Mang tới môi trường nghệ thuật những sản phẩm độc đáo, dành cho những người quan tâm bất kể lứa tuổi, màu da và quốc tịch, khơi dậy lòng trắc ẩn và vẻ đẹp cuộc sống từ nền tảng chất liệu mặt tối của thế giới là mục tiêu mà Iris Nguyễn muốn truyền tải qua các tác phẩm.

Iris Nguyen quan niệm sáng tạo nghệ thuật một cách nhất quán, giúp xây dựng khả năng sáng tạo và phát triển một phong cách đặc trưng mà mọi người có thể nhận ra ngay lập tức. Ngoài ra, họa sĩ luôn phấn đấu học những kỹ năng mới, không ngừng rèn luyện bản thân và thử những điều mới, có khả năng thay đổi và phát triển, giúp mở ra những cơ hội mới trong cuộc sống.

Quan niệm về thành công, Iris Nguyen nói: “Như Winston Churchill đã nhắc nhở chúng ta, thành công là đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết”.

Phong cách nghệ thuật của Iris Nguyen có xu hướng trừu tượng nhưng không quá trừu tượng mà thiên về chủ nghĩa biểu hiện nhiều hơn. Nhiều người yêu nghệ thuật khi xem tranh của Iris Nguyen đã chia sẻ những cảm xúc dâng trào và choáng ngợp khi đứng trước những bức tranh biểu hiện sống động cùng những tầng ý nghĩa đáng suy ngẫm, với nhiều layer màu sắc tươi sáng chứ không chỉ sử dụng gam màu tối, điều này bộc lộ sâu kín trong đó những ý nghĩa và dòng cảm xúc sáng tạo mạnh mẽ của họa sỹ khơi dậy lòng trắc ẩn, đồng cảm và truyền cảm hứng cho người xem.

Dòng tranh biểu hiện phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia Châu Âu từ đầu thế kỷ XX. Những năm gần đây đã có nhiều họa sĩ châu Á theo đuổi ngôn ngữ nghệ thuật biểu hiện. Iris Nguyen mang triển lãm “Dòng chảy” (The Flow) tới TP.HCM, bộ sưu tập 23 bức tranh biểu hiện được vẽ trong 3 năm gần đây cùng niềm hy vọng truyền cảm hứng cho mọi người với những góc nhìn khác nhau từ tranh vẽ, dù ấn tượng là gì. Họa sĩ tâm niệm, nghệ thuật cần truyền tải thông qua lòng trắc ẩn, nhận thức, phản ánh, và kết nối, từ đó mang đến những thông điệp ý nghĩa.

Tại lễ khai mạc Triển lãm, Họa sĩ Iris Nguyen đã có những trải lòng :

-Tại sao họa sĩ lại chọn chủ đề “Dòng chảy” (The Flow) để đặt tên cho triển lãm ?

Iris Nguyen: Khi sáng tác, tôi luôn thuận theo tự nhiên chứ không gò ép mình ở bất cứ khía cạnh nào, vì vậy chủ đề “Dòng chảy” (The Flow) tôi lấy từ thành ngữ tiếng Anh “Go with the flow”, tạm dịch là thuận theo lẽ tự nhiên.

 

Thông điệp chính mà họa sĩ cần nhắn gửi tới công chúng yêu nghệ thuật tới thưởng thức các tác phẩm của mình là gì ?

Iris Nguyen: Những điều bất như ý trong cuộc sống chính là nền tảng để giúp chúng ta chuyển hóa, đến gần hơn với hạnh phúc và sự thật.

Tại sao họa sĩ lại chọn duy nhất một trường phái biểu hiện cho loạt tranh triển lãm lần này?

Iris Nguyen: Tôi chỉ làm theo sự mách bảo của cảm xúc tự nhiên bên trong. Triển lãm lần này, loạt tranh theo một trường phái nhưng với nhiều thể loại khác nhau như phong cảnh, tĩnh vật… Có thể vài năm tới tôi sẽ vẽ theo một trường phái khác, phong cách khác chứ không phải tôi chỉ chọn trường phái biểu hiện.

Họa sĩ có từng nghĩ đến vấn đề tranh biểu hiện không dễ có chung ngôn ngữ với người yêu nghệ thuật và sẵn sàng bỏ tiền ra mua nó ?

Iris Nguyen: Tôi nghĩ là tranh theo phong cách hay trường phái nào cũng khó bán, quan trọng nhất là tác phẩm gặp được người đồng cảm, chạm được đến nội tâm của người có duyên.

Có thế mạnh là thời gian sống và trải nghiệm dài ngày ở nhiều nước khác nhau, bạn có thể chia sẻ về những quãng thời gian khi bạn ở nước ngoài?

Iris Nguyen: Tôi có may mắn được trải nghiệm khi đi nhiều nơi, và mỗi nơi tôi đều có những tác phẩm nghệ thuật ghi lại dấu ấn nơi mình đến.

Trong thời gian ở những đất nước khác, bên cạnh trải nghiệm những điều thú vị và mới mẻ tôi cũng nhận ra rất nhiều điều đáng suy ngẫm. Có những đất nước đã kết thúc chiến tranh sớm hơn Việt Nam nhưng họ vẫn đang bị mắc kẹt trong nỗi buồn, thù hận, trong sự mất mát hậu chiến. Chuyện này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người trong xã hội hiện tại, ảnh hưởng đến văn hóa nghệ thuật nói chung.

Tôi cảm thấy được nỗi đau của họ, cảm nhận được sự thiếu chuyển hóa để những nỗi đau trở thành phân bón cho cây đời xanh tươi, chưa biến các chất liệu đó trở thành tình yêu thương và lạc quan.

Sau những chuyến đi, tôi cảm nhận được sự đồng cảm lớn lao, vì đất nước chúng ta cũng đã từng đi qua chiến tranh. Chúng ta có thể có quá khứ gần giống họ, nhưng tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi được sinh ra ở Việt Nam, được hưởng tinh thần lạc quan của người Việt, nhìn thấy được những cơ hội và điểm mạnh của dân tộc để phát triển hướng về tương lai.

Như thiền sư Thích Nhất Hạnh có viết: “Nếu thiếu nỗi đau, chúng ta sẽ không có cơ hội nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu. Và nếu đã không có sự thấu hiểu thì không thể có hạnh phúc đích thực. Nỗi đau là một dạng phân bón, chúng ta dùng những thứ bỏ đi làm phân bón cho cây để nuôi dưỡng những đóa hoa xinh đẹp và tỏa hương thơm.” (Tạm dịch từ cuốn “You are here”).

Lễ khai mạc diễn ra lúc 10g ngày 21/10/2023,  triển lãm kéo dài cho tới hết ngày 31/10/2023.

 

 

Gia Anh (theo TTV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *