Gameshow truyền hình: Ám ảnh với những cái chết bất ngờ

13:35 | 22/11/2020
Đã có rất nhiều ngôi sao nổi tiếng hay người tham gia chơi trong các phần thi thử thách của gameshow truyền hình bị thương nặng hay thậm chí là tử vong. Điều này cho thấy, gameshow đáng nguy hiểm như thế nào.

Nặng thì đột tử, nhẹ thì chấn thương

Mới đây trong một gameshow truyền hình Mỹ có tên là Wipeout, khi người chơi đang ghi hình cho mùa phát sóng mới thì bỗng dưng bị ngất xỉu. Mặc dù ngay sau đó đội ngũ y tế có mặt tại điểm ghi hình để sơ cứu và chuyển thí sinh đến bệnh viện địa phương nhưng người này vẫn không thể qua khỏi.

Gameshow Wipeout của Mỹ được nhiều đối tượng khán giả yêu thích.

Trước cái chết của thí sinh, đại diện nhà sản xuất chỉ biết gửi lời chia buồn tới gia đình: “Chúng tôi rất đau lòng khi biết tin anh ấy qua đời. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình”. Họ khẳng định, trước khi tham gia gameshow các thí sinh đều được kiểm tra thể lực, tuy nhiên họ không lường trước được sự việc này.

Tại một gameshow Trung Quốc cũng khiến ngôi sao Cao Dĩ Tường đột tử và hàng loạt nghệ sĩ khác bị chấn thương, kiệt sức, nhập viện vì phải tham gia các phần thi thử thách.

Nhiều sao Hoa ngữ bị chấn thương nặng khi tham gia chương trình truyền hình thực tế Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc có đưa tin, Cao Dĩ Tường đã bị đột quỵ và bất tỉnh trong quá trình quay hình chương trình Đuổi theo tôi đi. Mặc dù thể trạng sức khỏe của anh không đảm bảo, khá yếu ớt và thậm chí anh liên tục nói câu: “Tôi sắp không thở được nữa rồi” và sau đó gục ngã nhưng ê-kip vẫn tiếp tục ghi hình và đội y tế xuất hiện quá muộn.

Trước đó, nhiều khách mời lẫn thành viên chính thức xảy ra chấn thương và kiệt sức với các thử thách đến từ chương trình này. Một số người còn trẻ như: Phạm Thừa Thừa, Tất Văn Quân bị choáng váng, thậm chí nôn mửa trong quá trình ghi hình. Lý Chấn Ninh thì phải ngừng quay để lên xe cứu thương thở bình dưỡng khí. Thành viên nhóm NCT – Lucas bị ngã và gặp chấn thương nghiêm trọng.

Mặc dù gặp phải nhiều trường hợp xấu đối với các nghệ sĩ nhưng ê-kíp chương trình vẫn không hề suy xét đến việc thay đổi hình thức và giờ giấc ghi hình. Sự cố chấp này đã khiến không ít nghệ sĩ, người chơi phải chịu tổn thương đến từ thể xác và tinh thần.

Trợ lý của diễn viên Thích Tiểu Long bị chết đuối do tham gia gameshow thực tế. 

Hay cách đây vài năm, cảnh sát Trung Quốc đã phải bắt tay vào điều tra nguyên nhân vụ chết đuối của trợ lý nam diễn viên Thích Tiểu Long tại gameshow truyền hình có tên Nhảy cầu cùng sao Trung Quốc của đài vệ tinh Chiết Giang vào tháng 4/2013.

Đối với các gameshow truyền hình thực tế tại Việt Nam, mặc dù vẫn chưa có trường hợp nào tử vong do tham gia chương trình, nhưng cũng có không ít nghệ sĩ bị chấn thương không hề nhẹ. Cụ thể, Lý Nhã Kỳ từng bị bầm tím nhiều chỗ sau khi chơi Nhanh như chớp, hay DJ Mie phải khóc ròng khi bị bầm và trầy xước tay chân sau khi chơi trong chương trình Sao hoả, sao kim, Hari Won là MC cho nhiều gameshow truyền hình hiện nay cũng hay “khoe” những vết trầy trên cơ thể và tay chân chảy máu thường xuyên trên mạng xã hội.

Thí sinh chương trình Vietnam’s got talent từng uống nhầm cốc axit vì tưởng đó là cốc nước. Kết quả người này bị bỏng đường ruột phải nhập viện điều trị. Thí sinh Song đấu cũng bị gãy răng, chảy máu vì màn thi đấu tách vỏ dừa bằng tay và bằng răng.

Vui thôi đừng vui quá

Hầu hết các chương trình truyền hình thực tế đều yêu cầu thể lực của người chơi phải đảm bảo tình trạng tốt nhất để tham gia các trò mạo hiểm như: leo núi, chạy mô tô vượt địa hình, thử thách nhện nhảy, đu dây vượt thác, hay các trò ảo thuật sử dụng các công cụ nguy hiểm như dao, kéo, lửa, đinh… Tuy nhiên, người chơi chắc hẳn không được yêu cầu các trò chơi mạo hiểm này không mất sức, không gây chấn thương.

Nguy hiểm thậm chí không chỉ tiềm ẩn ở trong các gameshow vận động mà nó còn tồn tại ở các gameshow giải trí đơn thuần khác. Nguy hiểm có thể luôn sẵn sàng chực chờ thí sinh trong các tiết mục có yếu tố hành động, mạo hiểm, hay thậm chí người chơi vì quá “nhiệt tình” trong chương trình mà có thể gây thương tích cho đồng nghiệp của mình.

Màn thi đấu mang tính mạo hiểm trong chương trình Vietnam’s got talent.

Trong các chương trình thi đấu tài năng, nhiều màn trình diễn như: nuốt dao, đâm kiếm, đặt gạch lên người biểu diễn… những màn thi đấu này chỉ khiến người xem rùng mình sợ hãi là chủ yếu.

Nhà sản xuất gameshow luôn khẳng định tính an toàn cho người chơi, họ đều được tập luyện trước khi biểu diễn chính thức, đều được kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia mạo hiểm. Nhưng chẳng ai đảm bảo 100% tất cả các thử thách đều an toàn tuyệt đối. Cho dù có đảm bảo sức khỏe và thể lực của người chơi, nhưng có ai đảm bảo khi tham gia các trò chơi thử thách thí sinh không dần bị kiệt sức và đang phải đối mặt với nguy hiểm? Những người chơi đều được hỏi và họ thú nhận xác suất xảy ra tại nạn là 50/50.

Dù tại Việt Nam, những chương trình thực tế chưa gây ra tai nạn chết người, làm chấn động dư luận nhưng vẫn chứa rủi ro cao với các trò vận động bạo lực, giành giật, lôi kéo một cách thô bạo.

Những cái chết của các thí sinh ở gameshow quốc tế là hồi chuông cảnh báo cho làng giải trí Việt. Có thể là chưa xảy ra chứ không ai khẳng định rằng hoàn toàn sẽ không xảy ra. Chính vì vậy cần có sự cẩn trọng, chủ động trong các công tác kiểm soát chương trình, các hình thức thử thách, yếu tố vận động, bởi tai nạn có thể ập tới bất cứ lúc nào.

Bích Thủy/ Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *