Hài giả gái tràn lan: con đường thụt lùi của văn hóa Việt?

12:16 | 20/05/2021
Phải chăng, người ta cứ vịn vào việc bẻ cong giới tính để diễn hài đã và đang làm mai một đi một thế hệ mà đáng lí nó phải là thê hệ hài chân chính, sâu sắc và đi vào lòng người?

Cái nghề làm hài đã xuất hiện từ trước năm 1975. Thuở đó, ở các tuồng cải lương dài, người ta chen vào những luồng hài, chẳng hạn như các tuồng hài của Văn Hường, Tùng Lâm,… Những tuồng hài xưa luôn chứa đựng giá trị giáo dục, nhân văn, có tính răn dạy, bám vào các cốt chuyện thực tế mang tính thời sự như mê tính dị đoan, cờ bạc, mâu thuẫn gia đình,… Hài cứ sống trong lòng bà con như vậy, qua thời cô Ngọc Giàu với tuồng “Đời cô Lựu”, rồi đến thời Văn Chung, Bảo Chung, Hồng Vân, Thành Lộc,… Các nghệ tung hứng với nhau tạo miếng hài nhưng vẫn có chừng mực.

Sau giai đoạn ấy, hài giả gái bắt đầu nhen nhóm nở. Thành Lộc cũng từng nổi đình nổi đám nhờ giả gái diễn hài. Rồi danh hài Hoài Linh từ hải ngoại về, hình thức diễn hài này được trọng dụng hơn, nhưng có lẽ cũng từ đó mà biến tướng hơn. Trượt dài trong những màn giả gái tưởng chừng không hồi kết, qua vô số vở diễn, ngôn từ của Hoài Linh ngày càng không e dè, cả hình thể cũng vậy, nam danh hài khá “vô tư” nên không “ý tứ”, thường dùng nó để gợi ý chuyện thân thiết, tình dục gây tiếng cười.

Hài giả gái ngày càng được chuộng. Bắc có Xuân Hinh, Nam sau này có Trấn Thành. Việc lạm dụng giả gái và vấy bẩn vở cải lương kinh điển “Tô Ánh Nguyệt” khiến Trấn Thành vấp phải nhiều chỉ trích. Bởi nét diễn của anh chẳng những ra dáng người đàn bà đanh đá, lẳng lơ mà còn dung tục. Tiếp nối Trấn Thành còn vô số nghệ sĩ lạm dụng giả gái như BB Trần, Hải Triều, Duy Khánh, Minh Dự, Huỳnh Lập, Quang Trung… có người giả gái vì kiếm tiền, có người vì thể hiện bản chất.

Trấn Thành trong vai Tô Ánh Nguyệt
Một trong những lần giả gái khác của Trấn Thành
Biểu cảm và hành động “dung tục” của anh trên sân khấu

Họ không ngần ngại độn ngực, độn mông, thậm chí dùng tay nâng ngực hay có những hành động tục tĩu khác mà đáng lí ra không nên để xuất hiện trước công chúng. Họ nổi tiếng hơn với danh xưng “thánh chửi”, với hình tượng giả gái xéo xắt, chua ngoa, đanh đá và có phần lảm nhảm.

Minh Dự cũng thường xuyên giả gái khi diễn hài
BB Trần cũng là gương mặt vàng trong làng giả gái

Hài giả gái tràn lan đến mức xuất hiện nhan nhản ở các game show “thi thố” như “Gương mặt thân quen”, “Thách thức danh hài”, “Cười xuyên Việt”, “Đấu trường tiếu lâm”… Khi mà người nghệ sĩ cho rằng tiếng cười chỉ tạo ra bằng cách giả gái lố bịch, đó là lúc hài Việt mất chất và trở thành thứ hài nhảm! Các nghệ sĩ hài nhảm lại trở thành ban giám khảo trong những cuộc thi về hài khác, rao giảng đạo lí và “dạy đời” thí sinh, vô hình trung tác động mạnh mẽ đến sự lụn bại của hài Việt Nam.

Vài năm trở lại đây, phong trào chơi giả les trong giới nữ sinh rộ lên, họ có bạn trai và cả “bạn gái” để thể hiện mình là người “phi giới tính”. Trong khi những người giới tính thứ 3 thực sự khá e ngại việc công khai, thì những người “giả” lại cố khoe mẽ từ đời thực đến mạng xã hội. Nhiều người cho rằng đó là hệ lụy của việc thường xuyên biến “thẳng” thành “công” trên sóng truyền hình.

Thực ra mà nói, không phải chỉ có giả gái lố lăng thì hài mới hay. Hài có tình huống, có giá trị khuyên răn, hài duyên dáng nhẹ nhàng mới là hài hay được. Có lẽ các nghệ sĩ nên tiết chế giả gái lại và trao dồi, học hỏi thêm. Bởi cái hài ngày xưa sạch sẽ, thâm thúy bao nhiêu thì bây giờ lại “bẩn” và mục ruỗng bấy nhiêu.

Khán giả cũng cần lựa chọn kỹ càng, xem hài có chọn lọc. Đừng tự “dễ giải hóa” cái gu thưởng thức của mình để rồi “rác phẩm” sáo rỗng nào cũng trở thành tác phẩm hài được.

Túc Mạch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *