“Hàng giả, hàng kém chất lượng” chỉ cần “làm trò” là thành ca sĩ?

14:14 | 17/01/2021
Ngày nay, trên thị trường âm nhạc Việt không còn thiếu những hot girl, người đẹp lấn sân sang với mong muốn trở thành ca sĩ nổi tiếng. Nhưng không phải ai cũng đi lên bằng chính năng lực, giọng ca nội lực. Nhiều người lại lựa chọn một kịch bản gây ồn ào dư luận, phát ngôn gây sốc, đầu tư làm MV càng có nhiều tranh cãi càng nhanh chóng đạt được mục đích.

Người đẹp Phí Phương Anh đi hát vì thần tượng Chi Pu?

Mới đây, nguời đẹp Phí Phương Anh đã cho ra mắt sản phẩm âm nhạc mang tên Cắm sừng ai đừng cắm sừng em. Sản phẩm đầu tay của cô nhanh chóng thu về gần 3 triệu lượt xem sau hơn 1 tuần ra mắt công chúng. MV này được giới truyền thông PR là dàn dựng khá kì công, có vũ công, diễn viên tham gia, đầu tư tỉ mỉ về trang phục và hình ảnh.

Giai điệu trong bài hát Cắm sừng ai đừng cắm sừng em bị chê nhạt và không ấn tượng. Ảnh: cap màn hình.

Trên thực tế, trái ngược với hình thức thì chất lượng âm nhạc của Phí Phương Anh lại không được đánh giá cao. Giai điệu tuy bắt tai, nhưng ca từ lại không có ý nghĩa nếu không muốn nói là sáo rỗng, cố tình gây sốc để được chú ý. Lời ca khúc được khán giả cho rằng là lấy từ những câu hot trend, những câu nói của cộng đồng mạng để chuyển thành lời bài hát như: “Sừng không tự nhiên sinh ra, sừng không tự nhiên mất đi, mà chỉ là chuyển từ đầu người này sang đầu người khác”. Hay như: “Lòng chung thủy của người đàn ông đôi khi thật mong mạh như là cái khóa kéo quần”, “Cắm sừng ai thì cắm, chứ anh đừng cắm sừng em, anh nhé, những câu hát này liên tục được lặp lại mà không có điểm nhấn.

Bên cạnh đó, khi được hỏi về việc bản thân đã tự tin gọi mình là ca sĩ hay chưa, thì cô lại mong muốn khả giả gọi mình bằng cái danh xưng “dancing queen” – Nữ hoàng nhạc dance. Trong khi đó, những điệu nhảy và phong cách của cô trong MV lại được cho là đi sao chép lại, “copy” của ngôi sao Hàn Quốc.

Đồng thời, Phí Phương Anh còn tự thừa nhận thần tượng âm nhạc trong đời của mình là Chi Pu. Cô chia sẻ: “Chị Chi Pu chính là thần tượng của tôi vì chị rất xinh, nhạc thì hay. Nếu tôi và chị có cơ hội trò chuyện lâu, tôi sẽ có rất nhiều thứ cần hỏi chị ấy trên con đường âm nhạc của mình”.

Ngay sau đó, cô liên tục bị chỉ trích với phát ngôn thần tượng Chi Pu, một người cũng từng bị lên án gay gắt khi tự phong bản thân là ca sĩ, một người đẹp đi hát khác trước đó. Người dùng để lại bình luận khá hài hước: “Hai em nên làm người mẫu, giải trí thôi. Đừng bôi nhọ các danh ca sĩ. Nhạc nhẽo ám ảnh và làm mất cảm giác của người nghe”, “Học hỏi Chi Pu cách làm như thế nào trước sự phản đối của khán giả, khả năng tự tin trước giọng hát kém của mình à?”, “Nền âm nhạc nước nhà sẽ nổi tiếng khắp năm châu, bốn bể nếu hai chị kết hợp với nhau. Khi những chiếc sừng và chiếc ố gặp nhau”…

Phí Phương Anh tự nhận mình là “dancing queen” – nữ hoàng nhạc dance trong khi vũ đạo không được đánh giá cao.

Cùng có nhiều người chê trách và yêu cầu Phí Phương Anh ngừng hát để nền âm nhạc được đi đúng nghĩa: “Làm MV ca nhạc mà không thèm quan tâm đến âm nhạc mà chỉ quan tâm để vẻ đẹp bề ngoài và vũ điệu thì không xứng đáng làm ca sĩ”, “Nền âm nhạc Việt riết như một thảm họa nhờ mấy chị hot girl, người mẫu. Mình đề nghị chị Hương Tràm về đây để diệt loạn”, “Chị học cái gì thì học nhưng xin chị đừng học theo chị Chi Pu nữa”, “Đừng quan tâm, bàn luận tới chị nữa, càng quan tâm thì mấy người đẹp càng làm trò để được nổi tiếng”, “Yêu cầu chị dừng việc này lại để nền âm nhạc được yên ổn”…

Điều đáng nói là, Phí Phương Anh lại có cách suy nghĩ về danh xưng ca sĩ đáng lo ngại. Người đẹp trả lời phỏng vấn với truyền thông  một cách vô tư: “Nếu có ca sĩ giả (ý chuyên hát nhép) thì cũng không sao” vì “trong thị trường giải trí, chỉ cần vui là được”.

Nghệ thuật ngày càng trở nên mất giá trị?

Sau gần 4 năm lấn sân sang lĩnh vực ca hát, Chi Pu, người từng bị “ném đá” không ngừng vì tự phong bản thân làm ca sĩ với câu nói “Từ hôm nay hãy gọi tôi là ca sĩ”, hay “ở Việt Nam chỉ cần cầm mic là thành ca sĩ”. Cô cũng vướng phải nhiều tranh cãi khi liên tục lộ những clip hát live chênh phô, khả năng thanh nhạc không được cải thiện. Nhưng bỏ ngoài tai những chỉ trích của dư luận, người đẹp Hà Thành này vẫn “hiên ngang”, tự tin hoạt động hăng hái với vai trò là một ca sĩ, ngôi sao hạng A.

Sau Chi Pu, cũng có nhiều người đẹp như Elly Trần, Khả Ngân, Midu hay Ninh Dương Lan Ngọc cũng lần lượt thử sức với vai trò ca sĩ bằng việc tung ra MV sản phẩm âm nhạc được đầu tư đắt đỏ về mặt hình ảnh. Tuy nhiên, trong số những người đẹp này, chưa ai công nhận họ là ca sĩ. Họ cũng chưa cho ra mắt sản phẩm mới sau đó.

Sau khi ra mắt với MV đầu tay cùng loạt phát ngôn liên quan đến việc đi hát, Phí Phương Anh bị cộng đồng mạng chỉ trích một cách gay gắt.

Cách đây không lâu, Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Chính phủ ban hành, không còn cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn.

Ngay sau đó, Phí Phương Anh cho ra mắt sản phẩm âm nhạc đầu tay của mình. Trong khi bản thân cô chưa từng đi qua một cuộc thi ca hát nào. Cô hoàn toàn có thể mang sản phẩm phòng thu lên sân khấu, chỉ cần phát bản thu âm có sẵn và diễn phụ họa cho giọng hát “chất lượng” đã qua xử lí. Chỉ cần như vậy, bất kì ai như Phí Phương Anh cũng có thể dễ dàng trở thành một ca sĩ giải trí.

Ông Trần Hướng dương, Phó cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn từng trả lời báo chí rằng: “Nghệ thuật là sự sáng tạo và đào thải, nếu cứ mãi mang bản nhép của mình đi hát, công chúng sẽ nhận ra và tự loại ca sĩ đó ra khỏi sự yêu mến của mình”.

Nghệ sĩ Trung Dân cùng từng đề cập tới việc loạn danh xưng nghệ sĩ: “Văn hóa là phạm trù rất lớn… trong giới showbiz chúng ta nhìn nhận một điều là Văn Hóa chúng ta có lỗ hổng lớn. Thôi thì nó hổng thì mình vá, nó hư thì mình sửa…”.

Hay như NSƯT Trần Ly Ly cho rằng, việc tự xưng mình là nghệ sĩ là quyền của mỗi người, không ai cấm được. Tuy nhiên, điều quan trọng chính là lòng tự trọng của người đó khi khoác lên mình hai chữ nghệ sĩ. Trong một xã hội văn minh, việc tự xưng không có ý nghĩa gì, quan trọng là quần chúng nhân dân có coi người đó là nghệ sĩ hay không.

Thói quen của nhiều người Việt là thích tâng bốc, tung hô lẫn nhau, người ta gọi đó là phong tặng bừa bãi hoặc là tự nhận mình là nghệ sĩ. Và có vẻ như rất nhiều người đang lạm dụng danh xưng này để dễ hoạt động trong showbiz, được nổi tiếng và dễ kiếm tiền? Ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ, bao gồm cả những người không hiểu gì về nghệ thuật.

Nếu người nghệ sĩ không có trách nhiệm và uy tín trong từng phần trình diễn trước công chúng mà bất chấp năng lực yếu kém của bản thân, dùng “triêu trò”, “chiến thuật” để nổi tiếng và đặc biệt, khán giả chấp nhận dung thứ những ca sĩ như vậy thì liệu giá trị của âm nhạc sẽ nằm ở đâu?

Bích Thủy/Theo TTV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *