Khám phá nét đẹp văn hoá Champa tại Đà Nẵng

22:02 | 15/10/2020
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là nơi trưng bày các hiện vật Chăm quy mô nhất tại Việt Nam, toạ lạc trên đường 2/9, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Nơi đây dành cho những ai yêu thích tìm hiểu văn hoá cổ xưa với các di vật về nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Chăm-pa được tìm thấy ở các tháp, thành luỹ Chăm trên các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ từ Hà Tĩnh tới các tỉnh Tây Nguyên.

Tòa nhà đầu tiên của Bảo tàng được xây dựng năm 1915 với tên gọi “Công viên Tourane” với nhiều hiện vật điêu khắc Chăm tìm thấy trong vùng Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận. Nơi đây được xây dựng theo thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair dựa trên một số đường nét của kiến trúc Chăm. Mặc dù trải qua nhiều lần mở rộng nhưng toàn bộ toà nhà và phong cách nghệ thuật của bảo tàng vẫn còn giữ lại cho đến ngày nay.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xếp vào danh sách các bảo tàng hạng 1 tại Việt Nam trong vai trò bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá.

Bảo tàng là địa điểm thu hút khách du lịch nổi bật ở Đà Nẵng với hơn 2000 hiện vật lớn nhỏ mang giá trị văn hoá – lịch sử được tìm thấy ở các tháp, thành lũy Chăm ở các tỉnh Tây Nguyên và khu vực duyên Nam Trung Bộ. Các tác phẩm điêu khắc được làm chủ yếu từ chất liệu sa thạch, đất nung, đồng. Chúng không chỉ đa dạng về phong cách nghệ thuật, chạm khắc, hình khối mà và có giá trị niên điện lâu đời từ thế kỉ VII đến thế kỷ XV.

Phòng trưng bày Trà Kiệu trưng bày các hiện vật điêu khắc thuộc văn hoá Chămpa, bao gồm các mảnh vỡ của đài thờ, một chiếc lingga và những phù điêu trang trí. Những hiện vật này đều có tính mềm mại, sống động và cũng hết sức đa dạng về trang phục, trang sức, động tác. Phần lớn bộ sưu tập Trà Kiệu được xác định niên đại vào thế kỷ X-XI, một số khác vào thế kỷ V-VI.

Trường Viễn Đông Bắc Cổ Pháp đã tiến hành khai quật tại Trà Kiệu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) và phát hiện những hiện vật điêu khắc cùng với nền móng các đền tháp và dấu vết các tường thành. Một số nhà nghiên cứu xác định Trà Kiệu từng là kinh đô của vương quốc Champa (tương ứng với tên gọi Simhapura).

Phòng trưng bày gốm Sa Huỳnh trưng bày các hiện vật được khai quật vào năm 1909 tại Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi. Mối liên hệ giữa văn hoá Sa Huỳnh và Champa thường được nhận biết qua một số đặc trưng thể vật ở sản phẩm gốm. Hiện vật Sa Huỳnh có niên đại trước thế kỷ thứ II và các nhà nghiên cứu nhận thấy nhiều khả năng có sự tiếp nối với nền văn hoá Champa, phát triển ở miền Trung Việt Nam từ thế kỷ thứ II về sau.

Văn khắc Champa được tìm thấy tại một số vách đá, trên các chi tiết trang trí kiến trúc, trên cá bệ tượng thần và trên các vật dựng bằng kim loại hoặc bằng đất nung. Tuy nhiên, các bản văn quan trọng và chi tiết chủ yếu được khắc trên các tấm bia đá. Các văn bản khắc trên bia thường nhân danh các vị vua, người trong hoàng tộc hoặc quan lại cao cấp. Chúng có nội dung về đời sống xã hội, tín ngưỡng vương quốc Champa cũng như mối quan hệ của Champa với các nước láng giềng.

Ngoài ra, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng còn có một số phòng trưng bày:

Phòng trưng bày chuyên đề
Phòng trưng bày Đà Nẵng.
Trang phục truyền thống của người Chăm tại Phòng văn hoá đồng bào Chăm ở Ninh Thuận.

Bảo tàng cách sân bay Đà Nẵng khoảng 3km, thuận tiện cho các du khách đến thăm quan. Toạ lạc trên đường 2/9, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, bảo tàng mở cửa cho du khách tham quan từ 7h sáng đến 17h30 chiều hàng ngày. Giá vé dao động từ 10.000 đồng/vé cho sinh viên/học sinh, 60.000 đồng/vé dành cho người lớn.

P. Thủy/Theo TTV24

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *