Làng nghề chiếu Hới (Thái Bình): Dệt lên những tâm tình

17:48 | 09/11/2020
Từ xa xưa, Thái Bình đã có câu ca dao “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới” đi vào đời sống của người dân một cách đầy bình dị. Và người ta thường liên tưởng ngay đến làng nghề dệt chiếu truyền thống lâu đời tại làng Hới, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, Thái Bình.

Vượt qua 40km, từ thành phố Thái Bình qua những con đường nhỏ xuyên qua những cánh đồng lúa chính vàng óng anh, du khách đặt chân đến làng Hới, một ngôi làng nghề nổi tiếng của tỉnh Thái Bình. Làng Hới, nay thuộc xã Tân Lễ huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Làng Hới là nơi lưu giữ truyền thống dệt chiếu từ lâu đời.

Theo truyền thuyết kể lại, vào thời Tiền Lê – Lý thế kỷ thứ X – XI tại làng Hới đã bắt đầu dệt chiếu, sau đó phát triển mạnh nhất vào thời Hậu Lê. Và người mang công lao lớn nhất đưa nghề này về với dân làng là vị Trạng nguyên Phạm Đông Lễ. Khi cụ Đôn Lễ đỗ Trạng nguyên khoa Tân Mùi (năm 1481), niên hiệu Hồng Đức 12 đời vua Lê Thánh Tông. Sau đó, cụ được nhà vua cử đi sứ nhà Minh, cụ đã học được các kỹ thuật dệt chiếu tiên tiến của Trung Quốc về truyền dạy cho dân làng. Từ đấy chiếu dệt ra sợi đan đều hơn và sản phẩm ngày càng được ưa chuộng.

Theo những người dệt chiếu lâu năm ở làng Hới cho biết, xã Tân Lễ có khoảng từ 3.200 hộ gia đình, trong đó 80% làm nghề dệt chiếu. Ngôi làng mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng triệu chiếc chiếu với mẫu mã khác nhau về chủng loại và hoa văn trang trí.

Được biết, những năm 60, 70 của thế kỷ trước là thời điểm hưng thịnh nhất của làng nghề. Hiện nay cùng với sự phát triển của xã hội, xu hướng tiêu dùng của con người thay đổi theo hướng hiện đại hoá, việc sử dụng chiếu trong đời sống dần được thay thế, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển và kinh tế của làng nghề. Tuy nhiên, những người yêu nghề vẫn cố gắng duy trì và truyền dạy nét văn hoá từ lâu đời cho con cháu về sau.

Người dân tham gia thu hoạch nguyên liệu để dệt chiếu.

Nhắc đến kỹ thuật dệt chiếu, làng Hới chính là nơi hội tụ những kỹ thuật tinh xảo và khéo léo từ những người nông dân chất phác, bình dị xã Tân Lễ. Mỗi năm các hộ dân thường dệt trong khoảng 8 tháng. Thời gian còn lại của họ dành cho các công việc đồng ruộng.

Nguyên liệu chủ yếu được dùng để làm chiếu chính là cói và sợi đay, loại cây hay được trồng ở những vùng gần sông nước, nơi nhiều phù sa bồi đắp. Làng Hới nằm giữa hai con sông lớn là sông Hồng và sông Luộc, là nơi khá thuận lợi để phát triển hai loại cây này. Khi thu hoạch cói và đay, người thợ lựa chọn nguyên liệu đạt chuẩn và đem về nhuộm màu, dệt thành phẩm.

Trước đây người dân thường dệt bằng tay, nay kỹ thuật trở nên công phu hơn. Người dân nơi đây đã chuyển sang dùng máy dệt chiếu, năng suất cao hơn đem lại thu nhập của người thợ thủ công cũng tăng lên đáng kể, và quan trọng nhất vẫn là chất lượng được đảm bảo. Nếu dệt bằng tay, trung bình mỗi người 1 người dệt được 1 đôi chiếu, giờ đây khi áp dụng kỹ thuật vào quy trình dệt mỗi người ước tính được 20 đôi.

Sản phẩm sau khi dệt đa dạng về chủng loại và hoa văn.

Chiếu Hới đa dạng về chủng loại, có loại cài hoa, loại được làm trơn… Những người thợ chiếu thường dệt những loại hoa văn như: bông hoa, chữ thọ, chữ lồng hay chim bồ câu…

Phát huy thế mạnh nguồn nguyên liệu kết hợp với kỹ thuật vê, se sợi đay, sợi cói truyền thống, làng Hới đã tạo ra những sản phẩm đặc sắc, có một không hai của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Bích Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *