Lễ Thất Tịch trong văn hóa các nước Á Đông

14:48 | 25/08/2020
Nguồn gốc của Lễ Thất Tịch trong văn hóa của các nước Á Đông đều bắt nguồn từ một truyền thuyết chung. Tuy nhiên, cách thể hiện nó ở mỗi quốc gia đều có những đặc sắc nhất định.

Vì sao lại có cái tên Thất Tịch?

Lễ Thất Tịch (mùng 7 tháng 7 âm lịch) được xem là ngày Lễ tình nhân của các nước Đông Á. Trong quan niệm dân gian, đây là ngày Ngưu Lang và Chức Nữ gặp lại nhau sau một năm xa cách. Ngày lễ này được bắt nguồn từ câu chuyện có vào thuở xa xưa.

Theo đó, Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, vì say mê Chức Nữ – một tiên nữ phụ trách việc dệt vải nên bỏ bễ việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ nên bắt cả hai phải ở cách xa nhau. Người đầu sông Ngân Hà, kẻ còn lại cuối sông.

Sau đó, vì thương tình mà Ngọc Hoàng cho hai người mỗi năm được gặp nhau đúng ngày 7 tháng 7 âm lịch. Bởi thế, khi tương phùng sau một năm xa cách, Ngưu Lang và Chức Nữ đã khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.

Ngoài ra, dân gian Trung Hoa còn lưu truyền về một giai thoại khác về Chức Nữ. Đó là sự sùng bái Thất Nương Mụ, còn gọi là Thất Tinh Nương Nương hoặc Thất Tinh Phu Nhân. Nhưng Thất Tinh Nương Nương chỉ là một biến thể của Chức Nữ nên còn gọi là Thất Tiên Nữ. Thất Tinh Nương Nương được cho là Thần bảo hộ cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tránh khỏi những bệnh tật đau ốm.

Ngoài việc bảo vệ các trẻ nhỏ, Thất Nương Mụ còn là một vị Thần Mai Mối. Mỗi năm sau ngày mùng bảy tháng bảy, Thất Nương Mụ sẽ chuyển giao cho Nguyệt Hạ Lão Nhân hay còn gọi là Nguyệt Lão, Ông Tơ bản danh sách những cặp trai gái yêu nhau. Sau đó, Nguyệt Lão thẩm tra lại xem có đúng là duyên số với nhau hay không thì sẽ cho cột sợi chỉ đỏ gắn bó hai người với nhau suốt đời. Bên cạnh đó, ngày rằm tháng tám âm lịch cũng là ngày sinh của Nguyệt Hạ Lão Nhân.

Trong thiên văn học, Ngưu Lang và Chức Nữ cũng chính là hai ngôi sao Altair và Vega trên bầu trời. Hai ngôi sao này nằm ở hai bên của Dải Ngân Hà như trong câu truyện cổ tích. Cùng với ngôi sao Deneb, ba ngôi sao này tạo thành nhóm sao Tam giác mùa hè nổi bật.

Ảnh: Internet

Tam Giác Mùa Hè là một mảng sao (asterism) gồm các sao tạo ra một tam giác tưởng tượng của bầu trời nửa Bắc bán cầu. Trong đó, các sao ở đỉnh là sao Ngưu Lang (Altair), sao Deneb, và sao Chức Nữ (Vega). Tam giác này nối ba ngôi sao sáng nhất của ba chòm sao: chòm sao Thiên Ưng (Aquila), chòm sao Thiên Nga (Cygnus) và chòm sao Thiên Cầm (Lyra). Nhóm sao Tam Giác Mùa Hè khi vào các tháng hè sẽ nằm trên đỉnh đầu của người quan sát nếu đứng ở Bắc bán cầu tại các vĩ độ bắc 40-50 độ.

Lễ Thất Tịch ở một số nước Á Đông

Hàn Quốc cũng có lễ Thất Tịch, tiếng Hàn gọi là Chilseok (칠석 – Thất Tịch), họ cũng có truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ vào ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch. Ngày này, người Hàn Quốc tắm để có sức khỏe, ăn bánh bột mì và bánh nướng truyền thống.

Ở Hàn Quốc người dân sẽ mặc đồ truyền thống và chơi nhiều trò dân gian.

Nhật Bản cũng kỉ niệm lễ hội này để tưởng nhớ đến Orihime (織姫 Chức Cơ – tức sao Chức Nữ) và Hikoboshi (彦星 Ngạn Tinh – tức sao Ngưu Lang), gọi là lễ Tanabata (七夕 – Thất Tịch), nhưng theo dương lịch.

Cành trúc được gắn rất nhiều mảnh giấy sặc sỡ, ghi lời nguyện ước của người dân Nhật Bản.

Trung Quốc là nơi khởi nguồn của truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ. Ngày này là ngày hội truyền thống ở Trung Quốc để các cô gái trẻ trưng bày các món đồ nghệ thuật tự tạo, trổ tài khéo tay làm món xảo quả, bánh chiên, khắc trái cây thành các hình bông hoa, con thú tinh xảo, và cầu mong lấy được một tấm chồng tốt.

Ở Trung Quốc, các cô gái trẻ đặt một cây kim lên mặt nước và hy vọng nó không chìm.

Việt Nam cũng có Lễ Thất Tịch còn được biết với tên gọi Ông Ngâu bà Ngâu. Người Việt có câu: “Đồn rằng tháng bẩy mưa ngâu. Con Trời lấy chú chăn trâu cũng phiền”. Đây chính là câu ca dao nói về chuyện tình của Ngưu Lang Chức Nữ mà người Việt gọi là ông Ngâu bà Ngâu. Chữ Ngâu này chính là đọc chệch từ chữ Ngưu mà ra. Trong ngày lễ, các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên son sắt, bền lâu.

Giới trẻ Việt ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất Tịch để cầu nhân duyên.

Ngoài ra, cộng đồng người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh còn có thói quen làm cỗ bàn dâng hương. Nếu gia đình có nam giới chưa lập gia đình sẽ dâng hương cúng Ngưu Lang vào tối mùng 6 tháng 7, còn gia đình có những cô gái chưa dựng vợ gả chồng sẽ dâng hương cúng Chức Nữ vào tối mùng 7 tháng 7. Việc dâng hương này thường sẽ kéo dài đến khi dựng vợ gả chồng xong.

Trong cỗ bàn ngày Thất Tịch, ngoài những bánh trái, hoa quả thường thấy còn có một vài lễ vật đặc sắc gắn liền với truyền thuyết về lễ hội này như lá mạ non (đây là lễ vật đặc sắc trong ngày này, trước ngày lễ một hai ngày, các khu chợ có đông đồng bào Hoa sinh sống sẽ bày bán các bó mạ xanh tươi được quàng bằng tờ giấy đỏ) và các loại bánh trái trong ngày này (bánh phục linh, bánh chay nhân dừa, đậu phộng rang (nguyên vỏ), củ ấu, 7 loại trái cây theo mùa, hoa, trà,…).

Một nét đặc sắc trong cỗ bàn cúng không thể thiếu được đó chính là thau Thất Tỷ. Đây là một cái thau được đan bằng nan tre, dán giấy, bên trong có hình ảnh cây cầu Ô Thước, hình tượng Ngưu Lang, giày dép, quần áo, đồ trang sức,… như một cách thể hiện sự khéo tay của các cô gái trong ngày tết đặc biệt này.

Cho đến thời điểm hiện tại, tết Thất Tịch vẫn là một ngày lễ truyền thống đầy màu sắc lãng mạn với truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện những mơ ước của các bạn trẻ về một lương duyên mĩ mãn bền lâu như tình yêu của họ.

Huỳnh Mon/ Theo TTV24

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *