Mặt tối của giới thần tượng K-pop

21:26 | 06/11/2020
Để được tỏa sáng trên sân khấu, nhiều idol "xứ sở kim chi" phải dùng cả tuổi thanh xuân của mình để đổi lấy. Tuy nhiên, không phải sự đánh đổi nào cũng nhận về "quả thơm, trái ngọt".

Ở Hàn Quốc, giải trí được xem như một ngành công nghiệp hái ra tiền, nơi mà con người ta có thể đổi đời khi trở nên nổi tiếng. Mỗi năm, các công ty giải trí nhận vào hàng nghìn thực tập sinh để đào tạo. Tuy nhiên, chỉ có một số ít trụ lại và được ra mắt với tư cách ca sĩ solo hoặc thành viên nhóm nhạc. Thời gian đào tạo có thể kéo dài từ 3 đến hơn 10 năm và họ phải học tất cả các kỹ năng ca hát, nhảy múa, tuân thủ lịch luyện tập dày đặc mà công ty cung cấp. Một số còn buộc phải phẫu thuật thẩm mỹ để có vẻ ngoài hoàn hảo.

Một lò đào tạo thần tượng tại Seoul.

Không chỉ phải chịu chế độ tập luyện khắc nghiệt, thực tập sinh còn bị tước đoạt các quyền cơ bản của một con người như quyền được học hành, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền an toàn và quyền lao động. Dẫu vậy, ít ai dám rời bỏ công ty vì những bản hợp đồng “nô lệ” mà họ đã lỡ kí kết.

Cứ ngỡ cuộc sống sau khi ra mắt sẽ nhẹ nhàng hơn khi làm thực tập sinh nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Họ thường phải đối mặt với lịch làm việc dày đặc, thiếu ngủ triền miên và thường xuất hiện trong tình trạng kiệt sức. Thậm chí, các idol phải “vật lộn” từng giờ với áp lực doanh số album, thành tích trên bảng xếp hạng âm nhạc, sự đào thải nhanh chóng của thị trường.

Sana của Twice từng tiết lộ cô thường có những giấc ngủ ngắn chỉ 10 phút bởi lịch trình làm việc quá bận rộn. Hay sau 7 năm ra mắt, nhóm nhạc EXO mới có kỳ nghỉ đầu tiên vào tháng 1/2019.

Bên cạnh đó, các ca sĩ thần tượng còn phải đối mặt với áp lực lớn đến từ dư luận. Nhất cử nhất động của họ đều được cộng đồng người hâm mộ theo dõi và đưa ra bình phẩm. Nếu idol làm trái ý họ, ví dụ như ăn mặc hở hang, bị lộ chuyện hẹn hò hay lỡ mắc phải lỗi lầm nào đó thì họ sẽ tức giận, thất vọng, và ngay lập tức quay lưng dù cho idol đó có thể chẳng làm gì sai. Chính vì vậy, khi nói về khái niệm “thần tượng Kpop”, bốn cụm từ sau là những từ miêu tả chính xác mà súc tích nhất: xinh đẹp, nổi tiếng, có thể giàu có, nhưng không có tự do.

Bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần khiến nhiều thần tượng Kpop mắc phải căn bệnh trầm cảm nghiêm trọng. Căn bệnh trầm cảm này được không biết bao idol nhắc đến, nhưng có vẻ như fan chưa bao giờ để ý đến nó. Vì thần tượng của họ vẫn cứ cười vui vẻ, biểu diễn hết mình trên sân khấu. Sự vô tình của fan hâm mộ cộng với chế độ làm việc “ác quỷ” đã gây nên cái chết thương tâm của nhiều nghệ sĩ.

Cái chết của Jong Hyun (SHINee), Sulli (Fx) được xem là hồi chuông cảnh tỉnh cho sự tàn khốc của Kpop. Thời điểm đó, fan Kpop không ai bảo ai, truyền nhau câu nói: “Idol của bạn có thể hẹn hò, có thể phạm sai lầm, nhưng họ vẫn còn sống”.

Jong Hyun (1990 – 2017).
Sulli (1994 – 2019).

Trước mặt trái ngày càng vô lí của Kpop, chính phủ Hàn Quốc đã siết chặt công tác bảo vệ quyền học tập và nghỉ ngơi của các tài năng trẻ, đồng thời xử lí nhiều bản hợp đồng “nô lệ” giữa công ty và thần tượng.

Thanh Ngát/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *