Mặt trái của các thánh review

04:09 | 10/04/2023
Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao câu chuyện một công ty dược thuê TikToker nổi tiếng để bán giá sốc. Bên cạnh sự nổi giận của đại lý khi cho rằng công ty bán phá giá thì TikToker cũng bị “ném đá” vì “giật tít quảng cáo lố”. Cũng từ câu chuyện này, các cụm từ “thánh review”, “chiến thần review” được nhắc đến nhiều hơn, khiến không ít người tò mò về quyền lực của các danh xưng này trên mạng xã hội.
Công tâm hay vì tiền?

Đầu tháng 4, một công ty dược đã thuê TikToker Hà Linh livestream (phát sóng trực tiếp) bán giá sốc một số sản phẩm. Buổi bán hàng thành công về doanh thu. Hơn 300.000 người xem cùng lúc, 80.000 lượt xem, 11 triệu tim và 58.000 người mua hàng cùng lúc gây ra tình trạng “nghẽn mạng”, doanh thu ước tính của buổi livestream bán hàng là 1,5 triệu USD.

Mặt trái của các thánh review ảnh 1
Đã lên tiếng giải thích nhưng TikToker Hà Linh vẫn bị nhiều người “ném đá” vì mập mờ trong thông tin bán hàng.

Tuy nhiên, buổi bán hàng cũng nhận về “cơn mưa” chỉ trích, công ty dược lâm vào khủng hoảng truyền thông khi bị các đại lý giận dữ quay lưng, tẩy chay, đòi trả lại hàng do bán phá giá.

Còn “chiến thần review” với 1,7 triệu người theo dõi trên Facebook và 3,3 triệu người theo dõi kèm 68 triệu lượt like trên TikTok thì bị nhiều cư dân mạng “ném đá” vì cho rằng “giật tít quảng cáo quá lố”, cố tình mập mờ để người mua hiểu nhầm.

Câu chuyện càng “nóng” hơn khi xuất hiện nhiều bài “bóc phốt”, lật lại những vụ việc gây tranh cãi của nữ TikToker này khi đi review đồ ăn, mỹ phẩm…

Mặt trái của các thánh review ảnh 2
“                            Tức nước vỡ bờ”, nhiều quán ăn công khai dán ảnh “miễn tiếp” đối với một số “thánh review”.

Đây cũng không phải lần đầu xảy ra lùm xùm liên quan đến các Reviewer (tên gọi chung cho các FaceBooker, TikToker, YouTuber – những người trực tiếp đánh giá, trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua các nền tảng mạng xã hội).

Có thể nói, ngày nay, Reviewer được coi là một loại công việc, thậm chí là một nghề. Một cửa hàng ăn uống, một địa chỉ vui chơi, nghỉ dưỡng… khi được các Reviewer lên tiếng sẽ thu hút được rất nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm, tăng doanh thu cho các chủ hàng. Nhưng điều này xảy ra hệ lụy khi nhiều Reviewer sẵn sàng đưa tin sai sự thật, dìm hàng thảm hại quán này nhưng lại khen “tận trời xanh” quán kia nếu được trả phí.

Mặt trái của các thánh review ảnh 3
Chuyên gia truyền thông Vũ Trung Hiệp (Đồng sáng lập & CEO LinkStar Communication, Phó Chủ tịch điều hành Cộng đồng Marketing & Truyền thông Việt Nam) nhận định: Kênh triệu view chưa chắc nội dung đã chất lượng, chính xác.

Theo khảo sát, giá thuê TikToker có dưới 50.000 follower (lượt theo dõi) là khoảng 100.000 đồng. Giá thuê TikToker 50.000-100.000 follower sẽ từ 500.000 – 1 triệu đồng. Giá thuê TikToker 50-500.0000 follower sẽ từ 1-3 triệu đồng. Với các TikToker trên 500.000 follower sẽ có giá từ 3 triệu đồng trở lên. Và đương nhiên với những tài khoản có hàng triệu lượt theo dõi thì số tiền bỏ ra để thuê họ review sản phẩm, dịch vụ là một khoản kha khá.

Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu các TikToker nói riêng và Reviewer nói chung có đang ảo tưởng sức mạnh khi tự cho mình là chuẩn mực?

Họ có đang vì tiền mà cố tình khen chê, “thêm mắm muối” để “dắt mũi” cộng đồng mạng?… Việc các tài khoản có lượng theo dõi lớn review đồ ăn với nhiều nhận xét tiêu cực khiến không ít chủ quán gặp khó khăn vì mất khách. Do đó, rất nhiều vụ việc tranh cãi ầm ĩ từng xảy ra giữa nhãn hàng, quán ăn với các Reviewer được mệnh danh là “chiến thần review”, “thánh review”, “thánh ăn gì chê đó”… Đỉnh điểm, giữa năm 2022, nhiều quán ăn đã treo ảnh cấm cửa đích danh các Reviewer Nờ Ô Nô, Cô gái có râu, Võ Hà Linh.

Trên mạng xã hội cũng từng đăng tải nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” như: Hí hửng đi ăn ở quán lẩu được review rầm rộ trên mạng, cô gái suýt khóc vì quảng cáo có sườn tảng hấp dẫn nhưng thực tế lại là 3 miếng sườn còi “ôm nhau co ro”, hay nhóm 6 bạn trẻ ở Long An đi du lịch vì tin lời review có hồ nước đẹp như mơ nhưng khi đến thì chỉ là bãi bùn lầy hôi thối… Và rất nhiều câu chuyện nữa minh chứng cho câu chuyện: nghe tin review thì chỉ có hình ảnh mang tính minh họa.

Review ảo nhưng hậu quả thật

Chia sẻ với báo Tiền Phong, chuyên gia truyền thông Vũ Trung Hiệp (Đồng sáng lập & CEO LinkStar Communication, Phó Chủ tịch điều hành Cộng đồng Marketing & Truyền thông Việt Nam) nhận định Reviewer có thể được chia thành 2 nhóm: nhóm chuyên nghiệp, có chiến lược, kế hoạch bài bản và ngay từ đầu đã xác định trở thành một kênh review kiếm tiền.

Nhóm thứ 2 là những người yêu thích, đam mê một lĩnh vực nào đó, nghiên cứu, trải nghiệm rồi chia sẻ với những người có cùng mối quan tâm. Nhóm này lại chia thành 2 nhóm nhỏ: Những người có chuyên môn cao, duy trì việc review ở lĩnh vực họ giỏi và theo đuổi lâu dài. Nhóm còn lại là những người sau một thời gian hoạt động có lượng theo dõi và lượt xem cao thì bắt đầu mở rộng lĩnh vực review, đồng thời nhận quảng cáo cho các nhãn hàng. Những kênh review gây lùm xùm thời gian qua phần lớn là thuộc nhóm này”.

“Giờ mở mạng xã hội là thấy các video review. Không chỉ giới hạn ở vài lĩnh vực xe cộ, nhà cửa, nội thất… như trước mà lĩnh vực nào cũng có người review.

Việc sở hữu kênh review triệu người theo dõi, trở thành idol, kiếm được tiền mà lại tự do độc lập đã trở thành một hấp lực lớn đối với giới trẻ ngày nay. Đến mức, trẻ em từ thành phố đến nông thôn, miền núi khi được hỏi sau này lớn lên con sẽ làm gì thì các cháu đã không đắn đo mà nói sẽ trở thành một YouTuber, TikToker…”, chuyên gia nhấn mạnh.

Về mối quan hệ giữa Reviewer với các nhãn hàng, quán ăn… ông Hiệp cũng cho rằng nếu đó là mối quan hệ hợp tác dịch vụ thì cần có hợp đồng chi tiết, rõ ràng. Cần phải quy định cái gì được nói cái gì không, nói như thế nào (ngôn ngữ, giọng điệu, cử chỉ, hình ảnh…). Còn nếu không phải là mối quan hệ hợp tác thì hai bên vẫn cần thống nhất về việc có được phép review không, phạm vi review đến đâu… Cả hai phía đều phải có ý thức về cái gọi là quyền sở hữu trí tuệ. Các Reviewer biết điểm dừng của mình, và các chủ nhà hàng hay doanh nghiệp thì nên hiểu được lợi ích và những rủi ro có thể gặp phải khi không kiểm soát được việc trở thành nội dung của các video review.

“Công nghệ số và thế giới online mang lại cho người tiêu dùng không ít giá trị. Là người dùng, chúng ta nên khai thác, tận dụng nhưng phải tỉnh táo để không bị thao túng tâm lý. Đừng để sự nổi tiếng của Reviewer hay các chỉ số lượt xem, tương tác của các kênh lấn át đi lý trí. Video có quảng cáo không đồng nghĩa là không đáng tin cậy. Nhưng kênh triệu view chưa chắc nội dung đã chất lượng, chính xác”, Phó Chủ tịch điều hành Cộng đồng Marketing & Truyền thông Việt Nam phân tích thêm.

Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết:

Nếu các Reviewer, đặc biệt là những cá nhân có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội, tranh thủ sự ảnh hưởng của mình để review các sản phẩm, dịch vụ, món ăn không đúng sự thật, khiến người tiêu dùng lo lắng, gây thiệt hại về doanh thu cho doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức thì là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định hiện hành, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự của cá nhân bị nghiêm cấm, sẽ bị xử phạt theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với số tiền 10-20 triệu đồng. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý hình sự.

Theo Diệp Anh (TPO)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *