“Lúc đó tôi không biết mình như vậy là bất hiếu. Sau này khi biết được, tôi sám hối rồi từ từ bù đắp lại để mẹ biết là mình đã hối hận”, nam ca sĩ chia sẻ.
Hàn Thái Tú sinh năm 1980. Anh tốt nghiệp khoa diễn viên trường Sân khấu Điện ảnh TPHCM nhưng lại nổi tiếng với vai trò ca sĩ. Tên tuổi Hàn Thái Tú gắn liền với nhiều ca khúc như: Thà em đừng yêu tôi, Nghèo mà có tình, Hai lần đau, Anh lại nhớ em, Em với tôi, Biết tìm đâu…
Năm 2017, nam ca sĩ qua Mỹ định cư tại Dallas. Ngoài ca hát, anh còn kinh doanh nhà hàng hải sản. Sau 7 năm ở xứ cờ hoa, cuộc sống của nam ca sĩ 8x đang có nhiều khởi sắc khi công việc kinh doanh phát triển, lại đắt show ca hát.
Đằng sau ánh hào quang của nghề, Hàn Thái Tú có tuổi thơ nhiều thiệt thòi khi bị cha và gia đình nhà nội không thừa nhận từ lúc lọt lòng. Nhưng chính hoàn cảnh đặc biệt đó là động lực để tạo nên Hàn Thái Tú ngày hôm nay, nhất là nhờ tình yêu thương vô bờ bến của mẹ.
“Nhiều người khuyên mẹ đừng sinh tôi”
– Cách đây vài ngày, anh có chia sẻ trên trang cá nhân lời chúc mừng sinh nhật của mẹ. Qua lời chúc, mẹ anh tiết lộ chuyện một mình vào viện sinh con. Trước khi lên bàn đẻ, bà cũng chỉ ăn một ổ bánh mì để có sức… Cảm xúc của anh thế nào khi nghe những điều này?
Tôi rất xúc động vì khi sinh tôi, mẹ chỉ có một mình, cuộc sống cực khổ. Đọc lời chúc của mẹ tôi khóc rất nhiều. Tôi khóc vì hạnh phúc. Bởi lúc đó mẹ một thân một mình vào viện sinh con dù trong người không có đồng nào, cũng không có người thân bên cạnh. Thời điểm đó, nhiều người khuyên mẹ đừng sinh tôi nhưng mẹ nhất quyết giữ đứa con trong bụng và sinh tôi ra. Đó là động lực để tôi cố gắng hàng ngày, cố gắng tới giờ.
– Đức Phật dạy, ngày sinh nhật mình còn được gọi là “mẫu nan nhật”, nghĩa là ngày gian nan của mẹ. Anh cũng là một Phật tử lại là một người con hiếu thuận, rất mực thương mẹ. Vậy trong ngày sinh nhật, anh thường làm gì để bày tỏ sự biết ơn với mẹ?
Tôi luôn biết ơn mẹ đã vượt mọi khó khăn. Thời đó người phụ nữ sinh con nhiều khi phải đánh đổi bằng cả mạng sống vì không có những phương tiện y tế hiện đại để biết thai nhi thế nào, trong khi mẹ còn ở hoàn cảnh khó khăn nhất. Không chỉ là ngày sinh nhật mà ngày nào cũng thế, từ khi hiểu chuyện, tôi đều quan tâm tới mẹ, chăm sóc sức khỏe cho mẹ.
Lúc trẻ, mình bồng bột không suy nghĩ thấu đáo, lo kiếm tiền nên không quan tâm cảm xúc của mẹ. Càng lớn tôi càng ngộ ra được nhiều điều và sám hối, cố gắng bù đắp cho mẹ.
Khi có con, tôi mới hiểu được tình thương của mẹ nên càng thương quý, trân trọng thời gian mẹ còn sống trên đời này. Khi mình bước ra ngoài xã hội kiếm tiền, tôi mới hiểu công sức trời biển của mẹ nhất là khi ba bỏ đi, mẹ ở một mình nuôi tôi đến giờ. Với tôi, mẹ quá giỏi, quá bản lĩnh.
Chắc chắn một điều, từ đây tới khi mẹ trăm tuổi, những điều tốt đẹp nhất, tôi sẽ luôn dành cho mẹ. Không gì có thể thay được tình yêu thương mà mẹ dành cho con.
“Tôi sám hối rồi từ từ bù đắp để mẹ biết là mình đã hối hận”
– Anh từng khiến mẹ buồn lòng?
Thời trẻ tôi hay cãi lời mẹ, thậm chí có trận cãi lớn làm mẹ rất buồn. Có thời gian, mẹ rất giận tôi. Lúc đó tôi không biết mình như vậy là bất hiếu. Sau này khi biết được, tôi sám hối rồi từ từ bù đắp lại để mẹ đỡ buồn, để mẹ biết là mình đã hối hận.
– Con cái rất ngại bày tỏ tình yêu với cha mẹ. Ví dụ, để nói câu “con yêu mẹ” thì đa số đều ngượng ngùng. Anh có bao giờ nói với mẹ câu đó?
Hồi xưa tôi cũng ngượng lắm, rất khó để bày tỏ tình yêu với mẹ nhưng bây giờ, tôi nói được rồi. Thời gian trôi đi rất nhanh và không quay trở lại, mình nên bày tỏ tình yêu của mình với đấng sinh thành.
Giờ tôi sẵn sàng nói yêu mẹ để mẹ biết là tôi quan tâm mẹ, để mẹ cảm thấy được an ủi khi chỉ có một thằng con trai duy nhất và nó đã trưởng thành rồi.
– Anh từng tâm sự, bị cha ruột và gia đình nhà nội không thừa nhận. Vậy khi anh khôn lớn, thành đạt, cha và gia đình nhà nội có kết nối lại?
Ba và gia đình nội đi nước ngoài khi tôi 1 tuổi. Năm tôi 12, 13 tuổi, ba có về tìm. Trong 1-2 năm sau đó, tôi gặp ba đôi lần. Khi tôi 15, 16 tuổi thì ba mất, kể từ đó, tôi mất liên lạc hoàn toàn.
Sau này tôi liên lạc được với những người anh chị cùng cha khác mẹ. Lâu lâu anh chị em gọi điện hỏi thăm nhau. Tôi dự định, khi mọi thứ ổn định, tôi sẽ dẫn gia đình qua châu Âu để gặp các anh chị, chú bác dòng họ bên nội. Tôi tâm nguyện sẽ làm điều đó trong thời gian gần nhất.
– Nói như vậy là anh chưa từng trách cha và gia đình nhà nội?
Có chứ. Thời trẻ, tôi trách rất nhiều. Tại sao sinh mình ra mà bỏ mình, không thương mình. Bạn bè ai cũng có nhà nội còn mình thì không. Nhưng sau này tôi không còn trách nữa. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Nhờ hoàn cảnh như vậy mà mình mới cố gắng vươn lên, có được ngày hôm nay.
– Cảm ơn anh đã chia sẻ!