Nghệ sĩ Thanh Hằng ngẫu hứng ‘sáng tác” vọng cổ tặng nông dân

15:06 | 29/05/2021

Tuần này, Nông Dân Xin Chào sẽ đưa khán giả ghé thăm An Giang với nông dân Dương Xuân Quả. Sau đó khán giả sẽ đến Đồng Tháp với nông dân Nguyễn Anh Dũng và cuối cùng là nông dân Nguyễn Huy Phương (Lâm Đồng) trong tập 18.

Thu hút sự quan tâm và theo dõi của người xem bởi sự tính cách thật thà, mộc mạc và chân phương của người nông dân, Nông Dân Xin Chào không chỉ là sân chơi giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho những người nông dân mà thông qua đó chương trình còn mong muốn kết hợp quảng bá du lịch Việt Nam, giới thiệu những làng nghề truyền thống đến với khán giả truyền hình, ca ngợi tinh thần hăng say làm việc của con người Việt Nam.

Tại đây, người nông dân còn có cơ hội gặp gỡ cùng những nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực như ca hát, nhảy múa, diễn xuất, ảo thuật,… để cùng hát ca, giao lưu, thể hiện tài năng sau những giờ làm việc căng thẳng.

Mỗi tập phát sóng của Nông dân xin chào có cấu trúc gồm 3 phần. Phần 1 phác họa chân dung và thành tựu của nhân vật. Phần 2 là giao lưu về con đường đi đến thành công, những sáng tạo, sáng chế đột phá giúp phát triển ngành, lĩnh vực mà người nông dân đó đang tham gia sản xuất. Cuối cùng là phần giao lưu cùng các nghệ sĩ nổi tiếng.

Đầu tiên, khán giả được ghé thăm Long Xuyên, An Giang với sự tham gia của nông dân Dương Xuân Quả. Với 50 năm kinh nghiệm làm nông nghiệp, ông được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Bộ Khoa học Công nghệ trao giải nhất cho sản phẩm lò sấy lúa tại Gala Nhà sáng chế 2014. Sản phẩm hiện đang có mặt trên 60 tỉnh thành khắp cả nước và được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Campuchia, Myanmar và Lào.

Xuất thân từ một vùng quê nghèo, ông phải nghỉ học năm lớp 9 để làm ruộng phụ giúp ba mẹ. Ông lăn lộn nhiều nghề từ nấu rượu, mở lò ấp vịt, lò bánh mì, bánh bông lan,… Một thời gian sau, ông quyết định rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Công việc đầu tiên tại đây là làm thuê trong xưởng cơ khí. Qua nhiều năm làm việc, người nông dân miền Tây tự học thành thạo kỹ thuật hàn, sửa chữa cơ khí, máy nổ,…

Sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm, anh chàng cơ khí quyết định quay trở về quê tìm hướng đi mới. Nhận thấy nhiều lò sấy lúa hiệu suất thấp, ông quyết định tự mày mò tìm ra công thức cải tiến. Từ đó, nhiều lò sấy tại địa phương được ông cải tiến đã hoạt động hiệu quả hơn, lúa sấy mang đi xay xát cho ra gạo tốt, không bị gãy, đáp ứng yêu cầu

Theo nông dân Dương Xuân Quả, cần cù và bền bỉ chính là 2 yếu tố quyết định thành công khi bắt tay nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, để có kết quả tốt cần xác định đúng nhu cầu, lợi ích của bà con nông dân, để từ đó mà nghiên cứu sáng tạo.

Sau cuộc trò chuyện của nông dân Dương xuân Quả và người kết nối NSND Kim Xuân, khán giả được thưởng thức màn song ca của người nông dân này cùng ngôi sao ca nhạc Nguyễn Phi Hùng. Bài hát Hát về cây lúa hôm nay như một lời cảm ơn của ca sĩ lẫn người nông dân dành cho cây lúa – biểu tượng của nền nông nghiệp Việt Nam.

Tạm biệt mảnh đất An Giang, Nông Dân Xin Chào tiếp tục hành trình của mình để đến trò chuyện cùng nông dân Nguyễn Anh Dũng tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Là người đã lai tạo thành công rất nhiều giống lúa chất lượng cao, ông còn là nông dân duy nhất của Đồng Bằng Sông Cửu Long được phong tặng danh hiệu Nhà khoa học của nhà nông vào năm 2018 và nhận được bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ cho những đóng góp xuất sắc của mình trong ngành nông nghiệp của nước nhà vào năm 2017.

Sinh ra trong một gia đình nông dân, năm 2000 xuất ngũ trở về quê nhà, ông Dũng bắt đầu theo nghề nông. Trăn trở tìm giải pháp nâng cao thu nhập cho gia đình, vươn lên làm giàu từ trồng lúa, năm 2006, ông Dũng tham gia lớp sản xuất giống nông hộ; tập huấn học cách trồng lúa, phòng trừ sâu bệnh ngắn hạn do Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.

Bằng kiến thức đã học, ông quyết định tự lai tạo giống lúa mới. Bắt đầu từ cặp lai nếp Thái – IR50404 và IR50404 – OM 6976 để chọn ra những cá thể vượt trội rồi tiếp tục nhân giống. Qua 6 vụ trồng chọn lọc, đến năm 2008, ông Dũng đã tìm được cá thể giống lúa vượt trội, đặt tên là LD2008. Tuy nhiên, đáng tiếc là khi đưa vào sản xuất trên diện tích 5.000 m2 thì kết quả không như mong muốn.

Sau mỗi lần vấp ngã, ông Dũng không từ bỏ mà cố gắng tìm tòi, rút ra được nhiều kinh nghiệm. Ông nói: “Nhờ từng đi nhập ngũ nên tôi đã rèn luyện cho bản thân tính chịu khó, không ngại khó mà từ bỏ niềm đam mê của mình dẫn đến thành công như ngày hôm nay”.

Thất bại lần đầu ra quân, nhưng bản thân không nao núng. Ông tiếp tục kiên trì công việc lai tạo một cách cẩn thận hơn. Đến năm 2012, giống lúa mang tên LD2012 ra đời với thời gian sinh trưởng ngắn (88 – 92 ngày), kháng rầy nâu và bệnh đạo ôn rất tốt. Sau cuộc trò chuyện, khán giả được thưởng thức tiết mục song ca của  nông dân Nguyễn Anh Dũng cùng ca sĩ, diễn viên Quý Bình với ca khúc Chuyến tàu hoàng hôn.

Lâm Đồng sẽ là điểm dừng chân cuối cùng của Nông Dân Xin Chào trong tuần này. Tại đây, khán giả sẽ gặp gỡ khách mời – nông dân Nguyễn Huy Phương (Giám đốc hợp tác xã Laba banana Đạ K’ Nàng) với diện tích liên kết hơn 200 hecta trồng chuối Laba. Mỗi năm, HTX của anh xuất khẩu sang Nhật Bản hàng trăm tấn chuối. Trước khi bước vào buổi trò chuyện, người kết nối nghệ sĩ Thanh Hằng đã ngẫu hứng ‘sáng tác” vọng cổ tặng nông dân.

Trước đó, anh Phương đã nghiên cứu kỹ về đặc tính, giống và thị trường của chuối Laba. Với ưu điểm nhanh cho thu hoạch, chuối Laba là biện pháp để anh Phương “lấy ngắn nuôi dài”, phát triển nông nghiệp bền vững.

Nói về quá trình khởi nghiệp, anh Phương chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng cà phê. Nhưng sau nhiều năm cà phê mất mùa và giá cả bấp bênh, từ tháng 4/2017, tôi quyết định cùng 3 hộ khác chuyển đổi 5 hecta trồng cà phê sang trồng chuối Laba với số lượng 10.000 cây”. Theo anh, ưu điểm trồng chuối Laba đó là nhanh cho thu hoạch, thời gian từ lúc trồng tới ra buồng khoảng 8 tháng và từ lúc ra buồng đến thu hoạch mất khoảng 4 tháng nữa.

 Anh Nguyễn Huy Phương cho biết thêm: “Quá trình mình chăm bón cây chuối phải tuân theo công thức của Nhật Bản, tức là mình làm theo đúng yêu cầu của họ bao gồm bón vi sinh của Nhật Bản, công nghệ cao”. Mặc dù trồng chuối xuất sang Nhật Bản có kỳ công hơn một chút so với trồng thường nhưng giá bán ổn định từ 8.000 – 9.000 đồng/kg. Anh tiết lộ mỗi cây chuối anh đều gắn chíp để gửi các thông số qua Nhật khi cần. Ước tính 1 hecta sẽ thu được 500 – 700 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí khoảng 300 triệu đồng/ha) trong một năm.

Kết thúc câu chuyện, nông dân Nguyễn Huy Phương cùng ca sĩ Dương Ngọc Thái thể hiện ca khúc Xót xa, đây cũng là món quà, lời cảm ơn anh gửi đến bà xã.

Trong 3 tập tiếp theo, khán giả sẽ có dịp ghé thăm nông dân Trần Đức An, Nguyễn Văn Sang và Phạm Thị Phượng. Nông dân xin chào do Đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp cùng Truyền thông Khang thực hiện. Chương trình sẽ được phát sóng lúc 7h15 thứ 5 – 6 – 7 hàng tuần trên THVL1. Tập 19 – 20 – 21 phát sóng từ ngày 03/6 đến 05/06.

 

Gia Lê (Theo TTV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *