Nhạc Hoa lời Việt “lộng hành”: trào lưu cần sớm loại bỏ!

11:17 | 21/05/2021
Có lẽ, nếu trào lưu nhạc Hoa lời Việt còn "sống" thì viễn cảnh một ngày nào đó nền âm nhạc Việt Nam không còn là của Việt Nam nữa cũng là tất yếu. Bởi sự sáng tạo của ca, nhạc sĩ sẽ dần bị ăn mòn, thay vào đó là lối "ăn sẵn" trên chất xám người khác.

Nhạc Hoa lời Việt xuất hiện tại Việt Nam từ hai thập kỷ trước. Giai đoạn ấy nó đã tạo nên “cơn sốt” huy hoàng và chiến thắng áp đảo các sản phẩm nhạc thuần Việt khắp cả nước. Trên con đường nhạc Việt dần suy thoái ấy, may mắn thay, các bài Hit như “Hoang mang”, “Trống vắng”,… đã kịp thời vực dậy nền âm nhạc trong nước và từ đó đẩy lùi được phong trào nhạc Hoa lời Việt, thể hiện tài năng, tinh thần sáng tạo của người Việt.

Tuy nhiên, trong khi các nghệ sĩ thế hệ trước ra sức ngăn chặn sự nghèo nàn của âm nhạc nước nhà thì một số nghệ sĩ trẻ ngày nay lại ồ ạt cho ra vô số bài hát gán mác nhạc Hoa lời Việt, lấy phần giai điệu của các bài hát Trung Quốc và thay đổi lời bài hát. Giai điệu của những bài hát này thường khá bắt tai vì hầu hết chúng đã nổi tiếng trên Tik Tok, Youtobe, Zing,… nên các ca sĩ hát loại nhạc này cũng nhanh chóng nổi lên, trở thành hiện tượng mạng, tiêu biểu như Tăng Phúc, Juky San, Hương Ly,… Một số ca sĩ còn thản nhiên mang các ca khúc “vay mượn” ấy biểu diễn trên khắp các sân khấu và “chinh chiến” trên các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước.

Hầu hết các bài hát được dịch ra tiếng Việt có phần tựa và lời khác xa bản gốc, người dịch cố gượng ép ca từ sao cho phù hợp giai điệu có sẵn mà không quan tâm về mặt ngữ nghĩa, khiến bài hát trở nên sáo rỗng và mắc lỗi lặp từ rất nhiều, làm biến dạng ý nghĩ bài hát. Không ít người nghe phiên bản Việt xong la ó, cho rằng nó đã phá hủy bản gốc.

Đáng buồn hơn, cư dân mạng Trung Quốc không ít lần chế giễu: “Âm nhạc Việt Nam nghèo nàn đến mức nào mà phải mượn giai điệu của nước họ nhiều như thế?” Đến mức ca sĩ Thanh Hưng Idol đã bức xúc viết: “Trong mắt người Trung Quốc, ta mãi là kẻ nghèo nàn khi cứ diễn ra quá nhiều tình trạng đi vay mượn nhạc (không tuân thủ bản quyền) của họ viết lời Việt để ra sản phẩm riêng”.

Và có lẽ, nếu trào lưu nhạc Hoa lời Việt còn “sống” thì viễn cảnh một ngày nào đó nền âm nhạc Việt Nam không còn là của Việt Nam nữa cũng là tất yếu. Bởi sự sáng tạo của ca, nhạc sĩ sẽ dần bị ăn mòn, thay vào đó là lối “ăn sẵn” trên chất xám người khác.

Một trong những ca sĩ hát dòng nhạc “ăn sẵn” này phải kể đến chính là Tăng Phúc. Các sản phẩm âm nhạc riêng của anh chàng hầu như đều không “nổi”, chỉ khi anh cover lại bài của người khác anh mới được nhiều khán giả biết đến. Anh cũng là người bênh vực trào lưu nhạc Hoa lời Việt, cho rằng những người phản đối là lạc hậu, sính ngoại. Thiết nghĩ, một người làm nghệ thuật như anh không nên có tư duy “hẹp” như thế khi không nhìn vào nỗ lực ngăn chặn sự nghèo nàn âm nhạc của thế hệ nghệ sĩ đi trước, mà còn bênh vực phong trào “xài ké” mang nhiều hệ lụy với thái độ chấp vấn khán giả có phần xéo xắt!

Tăng Phúc – làm nghệ thuật nhưng dửng dưng bóp chết nghệ thuật
Anh bênh vực phong trào nhạc Hoa lời Việt khá xéo xắt

Khi một nghệ sĩ có tư duy tốt, họ có thể tự tạo ra âm nhạc mang màu sắc riêng của họ. Đơn cử như Phan Mạnh Quỳnh, Bùi Lan Hương,… Khác với người chỉ mải mê kiếm tiền trên sản phẩm của người khác mà đánh mất cái tôi người nghệ sĩ.

Hi vọng những ca sĩ trẻ đang “ăn theo” loại nhạc kém sáng tạo ấy nên biết điểm dừng và ra sức cống hiến các sản phẩm thuần Việt để góp phần thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật nước nhà. Bởi sự “hoành hành” của họ thời gian gần đây đã góp phần không ít trong công cuộc làm thui chột âm nhạc Việt!

Túc Mạch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *