Nhà văn Vũ Tú Nam qua đời vì tuổi cao sức yếu, thọ 92 tuổi

13:29 | 10/09/2020
Sáng qua (9/9), nhà văn Vũ Tú Nam - tác giả truyện ngắn nổi tiếng "Sống với thời gian hai chiều", em trai nhà thơ Vũ Cao - đã qua đời tại Hà Nội, thọ 92 tuổi.

Theo thông tin từ nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Vũ Tú Nam qua đời lúc 10h45 ngày 9/9/2020 do tuổi già sức yếu. Trước khi mất, ông đã có thời gian điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị nhưng vẫn không qua khỏi.

Lễ viếng nhà văn sẽ được tổ chức vào 7h30 ngày 12/9 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tiễn sẽ được tổ chức vào 8h45 cùng ngày. Linh cữu của ông sẽ được an táng tại nghĩa trang quê nhà ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Nhà văn Vũ Tú Nam qua đời ở tuổi 92.

Nhà văn Vũ Tú Nam tên khai sinh là Vũ Tiến Nam, sinh năm 1929 trong một gia đình tiểu trí thức ở Nam Định. Cha ông là một viên chức nhỏ của Pháp ở Hòa Bình nên ông học tiểu học ở Hòa Bình.

Ông là em trai ruột của nhà thơ Vũ Cao – tác giả bài thơ Núi Đôi, và là em trai của nhà thơ Vũ Ngọc Bình – tác giả của bài thơ Con mèo mướp từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục tiểu học. Vợ ông là nhà văn Thanh Hương, nguyên tổng biên tập báo Phụ Nữ Việt Nam. Siêu mẫu Vũ Nguyễn Hà Anh chính là cháu nội của nhà văn Vũ Tú Nam.

Năm 1947, Vũ Tú Nam tham gia cách mạng. Sau khi học lớp Văn nghệ nhân dân khóa 2 ở Thanh Hóa, ông vào bộ đội, viết báo Vệ Quốc Đoàn ở Khu 4, sau đó ra Việt Bắc làm việc cho tờ báo Vệ Quốc Quân – tiền thân báo Quân Đội Nhân Dân ngày nay.

Sau hoà bình, ông về công tác tại Phòng Văn nghệ Quân đội của Tổng cục Chính trị. Năm 1958, ông được chuyển sang công tác tại báo Văn Học (nay là báo Văn Nghệ) của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong năm sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm các vị trí: Thư ký tòa soạn báo Văn Nghệ, phó tổng biên tập báo Văn Nghệ, giám đốc Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (nay là Nhà xuất bản Hội Nhà Văn). Ông cũng được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III, IV.

Đến Đại hội Hội Nhà văn khóa IV năm 1989 thì ông được bầu làm tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV (tương đương chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay), và ông chỉ làm một khóa, cho đến năm 1994 thì nghỉ hưu. Ông cũng được bầu làm đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa IX.

Trong sự nghiệp cầm bút của mình, Vũ Tú Nam viết cả truyện ngắn, ký và thơ nhưng sở trường là truyện ngắn. Ông đã viết hơn 10 tập truyện ngắn, ký và thơ, trong đó truyện vừa Bên đường 12 viết năm 1950 được nhiều người đánh giá là tác phẩm đặc sắc nhất. Cũng chính tác phẩm này đã giúp ông giành Giải Nhất Văn xuôi Văn nghệ liên khu 4, đồng thời cũng là tác phẩm giúp ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Các tác phẩm dành cho thiếu nhi của ông cũng được đón nhận nồng nhiệt. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá cao truyện thiếu nhi Văn Ngan tướng công, vốn là “nguồn cơn” khiến bạn bè văn nghệ đặt biệt danh cho ông là “Văn Ngan tướng công”. Đặc biệt, tác phẩm này đã được nhà văn Liên Xô Marian Tkachov dịch sang tiếng Nga và xuất bản ở Liên Xô.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét về nhà văn Vũ Tú Nam: “Ông rất điềm đạm, tốt bụng, hiền lành, được anh em yêu mến. Ông lãnh đạo bằng sự đôn hậu, chân thành, lấy sự đôn hậu, khiêm nhường mà thu phục anh em văn nghệ”.

Lai La/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *