NSND Đức Long, Tố Uyên, Doãn Tiến bồi hồi khi trở về chốn cũ

10:14 | 01/04/2024

Trong đợt trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT vừa qua, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam có 12 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, 4 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT. Trong đó có những tên tuổi như: Đức Long, Phạm Phương Thảo, Tố Uyên, Doãn Tiến, Đồng Văn Minh…

Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam là đơn vị xây dựng, tổ chức, biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng, đơn vị sưu tầm, bảo tồn và lưu giữ phát triển hiện đại nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc. Trong đợt trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 vừa qua, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam có 12 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, 4 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT, trong đó có những tên tuổi như: Đức Long, Tố Uyên, Doãn Tiến, Đồng Văn Minh, Đỗ Đức Liên, Phạm Phương Thảo… Họ là những người đã tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Nhà hát, đồng thời truyền lại cho thế hệ trẻ những kinh nghiệm, năng lượng tích cực trong hoạt động nghệ thuật.

Buổi gặp mặt các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam mới được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT diễn ra trong bầu không khí ấm cúng, thân tình, cùng sự hiện diện của các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên đang công tác. NSND Doãn Tiến là người gắn bó với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam từ những năm tháng tuổi trẻ. Được học tập bài bản về nhạc cụ phương Tây nhưng ông lại rẽ bước với âm nhạc truyền thống, cùng những cách thức kết hợp, làm mới để xây dựng dàn nhạc dân tộc. Từ một nghệ sĩ, sau là chỉ huy dàn nhạc và làm công tác quản lý phụ trách chuyên môn, NSND Doãn Tiến còn là nhạc sĩ sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc, được tặng Giải thưởng Nhà nước, tiêu biểu như “Âm vang cao nguyên (t’rưng), Lời ru bên suối (sáo Mèo), Bầu trời lời ru (nhạc múa) cùng nhiều ca khúc. Đến với cùng đất nào, ông cũng luôn cố gắng học hỏi để có thêm chất liệu trong sáng tác:

“Tôi vẫn tâm đắc khi mình sử dụng nhạc cụ phương Tây là cây đàn violoncelle để áp dụng cho dàn nhạc dân tộc. Trong thời gian ấy, tôi cũng được nghe nhiều tác phẩm khí nhạc dân tộc dưới sự chỉ huy của NSND Trần Quý – người thầy tôi, từ đó trong tôi luôn nghĩ và luôn có ý thức tìm hiểu việc chuyển tải các giai điệu như thế nào. Tôi tìm hiểu, khai thác vốn cổ của âm nhạc dân tộc. Đi các vùng sâu, vùng xa, tôi cũng cố gắng tìm hiểu vốn cổ trong dân gian để lấy cảm hứng và chất liệu sáng tác”- nhạc sĩ Doãn Tiến nói.

Đối với nghệ sĩ Tố Uyên, danh hiệu NSND là một niềm tự hào. Tuy vậy, từ những năm tháng được đào tạo bài bản về thanh nhạc cho đến lúc hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, bà luôn cho rằng: được mang tiếng hát của mình phục vụ đồng bào, chiến sĩ là niềm hạnh phúc. Chị nhớ về những năm 80, 90 của thế kỉ trước, bà cùng các đồng nghiệp tham gia những chuyến công tác hải đảo, biên giới xa xôi, mọi bề thiếu thốn, thậm chí có những lúc gặp nguy hiểm.

“7h chúng tôi xuất phát từ đảo Cái Bầu (Vân Đồn, Quảng Ninh)  ra đảo Vĩnh Thực (Móng Cái, Quảng Ninh), nhưng 2h đêm vẫn chưa tới nơi. Chúng tôi gặp bão và gió mùa, tàu lại bị thủng. Các anh thì thay nhau lấy ghẻ, lấy khăn lấp lỗ thủng nhưng nước cứ tràn vào. May mắn gặp một đảo nhỏ, chúng tôi neo lại sửa tàu và may mắn là trời quang hơn. Tận 4h chúng tôi mới tới đảo Vĩnh Thực, các đồng chí bộ đội đang đứng chờ. Các anh đã nấu cho chúng tôi một nồi cháo. Ăn xong, tất cả chúng tôi lại ra sân khấu và hát, múa như không có chuyện gì xảy ra”- NSND Tố Uyên kể.

Nghệ sĩ Đức Long gắn bó với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam 30 năm. Mặc dù đã nghỉ chế độ nhưng anh dường như bận rộn hơn với các kế hoạch biểu diễn, giảng dạy và truyền nghề cho các học trò. Anh vẫn luôn nhớ những chuyến công tác cùng các đồng nghiệp Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đến khắp mọi miền Tổ Quốc. “Chúng tôi là những người được Đảng, Nhà nước tin yêu. Nơi đây cũng là “cánh chim đầu đàn” của nền ca múa nhạc nước nhà nên chúng tôi luôn mang tinh thần đi phục vụ đất nước, đến với mọi tầng lớp nhân dân và có lẽ cũng không nhiều người đi nhiều như chúng tôi. Khắp bản đồ Việt Nam, chưa nơi nào chúng tôi chưa đặt chân đến. Và tôi tự hào là diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam”-NSND Đức Long nói.

Trong bối cảnh các đơn vị nghệ thuật gặp nhiều khó khăn, khi nhu cầu thưởng thức âm nhạc, giải trí thay đổi, việc gìn giữ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của Nhà hát trong gần 75 năm xây dựng và phát triển, đồng thời tiếp thu cái mới, nâng cấp và đáp ứng nhu cầu công chúng hôm nay là một bài toán không đơn giản đặt ra với Ban Giám đốc cũng như các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. NSƯT Trường Bắc, Phó Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam cho biết: “Việc đầu tiên, chúng tôi phải đảm chính sách với các diễn viên, những người đang gắn bó với Nhà hát, bên cạnh đó cần có chiến lược thu hút những người tài quay lại nhà hát làm việc. Chúng tôi đã kết hợp với một số cơ sở đào tạo, tìm nguồn lực, cấp học bổng và kết hợp với nhà trường đào tạo theo hướng Nhà hát đang cần. Ngoài ra, chúng tôi cũng có những chương trình, tạo điều kiện cho diễn viên học tập, hoàn thiện bằng cấp, nâng hạng ngạchbậc”.

NSƯT Trường Bắc cũng khẳng định: bên cạnh nhiệm vụ chính trị- đối ngoại về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, sưu tầm, lưu giữ âm nhạc truyền thống, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam còn hướng đến việc sáng tạo, sản xuất các chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu công chúng, hướng đến công nghiệp văn hóa, đưa các sản phẩm âm nhạc gần hơn với công chúng.

Theo VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *