Núi Phú Sĩ: Biểu tượng tâm linh của đất nước mặt trời mọc

12:20 | 10/07/2020

Núi Phú Sĩ được cho là nơi ở của các vị thần, người Nhật tôn thờ họ và hàng năm leo núi như một hình thức hành hương. Đây còn được xem là biểu tượng của đất nước hoa anh đào.

Ảnh: Internet

Núi Phú Sĩ được hình thành trên miệng một núi lửa đã tạm ngừng hoạt động. Nhìn từ xa sẽ không thấy rõ sự hùng vĩ của nó nhưng khi tới gần miệng núi lửa này thực ra là một biển tro bụi nóng bỏng. Với độ cao hơn 3.776m, núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất của Nhật Bản. Hình nón biểu tượng của núi là do 3 lần phun trào lớn tạo nên. Từ xa xưa, núi Phú Sĩ được coi là quê hương của các vị thần, còn ngày nay nó tồn tại như biểu tượng của “xứ sở hoa anh đào”.

Người Nhật không chỉ thờ phụng mà còn sợ hãi và kính trọng đỉnh núi cao nhất nước này. Tương truyền, núi Phú Sĩ là nhà của Kami – những linh hồn có sức mạnh điều khiển các yếu tố như nước và lửa. Những nghi lễ thờ cúng đầu tiên thực hiện quanh núi đều nhằm làm dịu các linh hồn lửa hủy diệt để ngăn chặn thảm họa tự nhiên.

Trước thế kỷ 6, người Nhật đã thờ núi Phú Sĩ từ xa bởi chính ngọn núi cũng được xem là nơi quá thiêng liêng đối với người phàm trần. Phú Sĩ được coi là nơi lý tưởng để thiền định, tìm kiếm sự cô độc, thực hành khổ hạnh. Theo thời gian nhiều nghi lễ tôn thờ chuyển dần qua tu luyện bản thân và leo núi cũng thành một hình thức thờ cúng.

Theo một ghi chép từ thế kỷ 12, những người bước đi trên không gian của ngọn núi lửa đều phải nghĩ từng giọt nước, ngọn cỏ ở đây đều là vị thuốc bất tử dù cho họ có đau đớn cỡ nào. Vì thế mà khi leo núi làm người xưa tin rằng họ sẽ có thêm sức mạnh tâm linh. Những người leo núi Phú Sĩ về được người đời tôn thờ, chào hỏi kính cẩn, thậm chí còn cố gắng chạm vào để lấy may. Tới thế kỷ 16, người theo giáo phái Fujikō tin rằng Phú Sĩ là một sinh vật có linh hồn, sinh ra từ sự hợp nhất của Đất và Trời, của âm và dương.

Ảnh: Internet

Hằng năm, từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm thường có khoảng 400.000 người đến Phú Sĩ, họ vừa thở hổn hển, mệt nhọc vừa leo núi trong bóng tối trước khi bình minh xuất hiện. Mặt đất biến mất dưới những đám mây dày và sự im lặng tôn kính phủ khắp các sườn núi khi mặt trời bắt đầu phủ ánh vàng mờ lên đỉnh Phú Sĩ. Trong tiếng Nhật có riêng một từ để nói cảnh mặt trời mọc từ đây là goraiko.

Ngày nay, người leo núi Phú Sĩ vì mục đích giải trí nhiều hơn cả người đến đây hành hương nhưng nơi này vẫn luôn giữ được vẻ linh thiêng. “Những cuộc hành hương leo núi này có câu chuyện lịch sử riêng và vẫn chiếm chỗ quan trọng trong xã hội Nhật. Vào ngày trời quang mây, từ đỉnh núi bạn có nhìn thấy Tokyo nữa”, nhiếp ảnh gia David Guttenfelder, người leo Phú Sĩ vào năm 2018 chia sẻ.

Thông thường du khách sẽ bắt đầu giữa buổi sáng ngày thứ nhất và leo khoảng 6 – 8 tiếng cho tới khu nhà nghỉ vào lúc hoàng hôn. Ở đó, họ có thể ngủ quay lưng với những người hoàn toàn xa lạ rồi cùng đánh thức nhau dậy vào 1 giờ sáng để tiếp lục leo núi và tới đỉnh vừa khi bình minh đẹp nhất. Guttenfelder kể lại lần đầu anh leo Phú Sĩ là năm 2013. Hàng nghìn người ngồi cạnh nhau, cùng giơ tay và hô đồng thanh để chào ánh mặt trời đầu tiên. “Tiếng hô vang từ đỉnh núi, ai cũng tràn đầy cảm xúc và tôi cũng vậy”.

Lợi Vũ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *