Sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có yếu tố lịch sử: một cách tiếp cận mới hay góc nhìn lệch lạc?

10:53 | 30/08/2020
Việc sử dụng các thể thức nghệ thuật đa dạng được coi là một cách làm mới để truyền cảm hứng tìm hiểu lịch sử. Nhưng nếu sử dụng không đúng và không khéo, rất có thể phương pháp này sẽ dẫn đến những cái nhìn lệch lạc về các nhân vật và sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.

Nhiều năm trở lại đây, vấn đề dạy và học sử trong nhà trường trở thành mối quan tâm của không chỉ ngành giáo dục mà còn của toàn xã hội. Học sinh dường như không mặn mà với môn lịch sử và đa số cho rằng đây là chỉ môn phụ.

Hàng loạt phóng sự đã được thực hiện để khảo sát về mức độ am hiểu lịch sử của các em học sinh. Với những câu hỏi như “Quang Trung và Nguyễn Huệ có quan hệ như thế nào?” hay “Mối quan hệ giữa Trần Quốc Tuấn và Trần Hưng Đạo là gì?” thì không ít bạn trẻ đã trả lời rằng đó là mối quan hệ anh em.

Vấn nạn “mù” lịch sử cứ kéo dài từ năm này qua năm khác. Nó nhức nhối đến nỗi người ta còn không biết quy hết trách nhiệm cho ai, cho Bộ Giáo dục với sách giáo khoa khô khan, giáo viên truyền dạy máy móc hay cho chính các em học sinh, bởi các em luôn coi nhẹ và hờ hững trong môn học này.

Để góp phần xoa dịu nhức nhối đó, rất nhiều người quan tâm lịch sử đã tìm cách truyền cảm hứng tiếp cận lịch sử. Sử dụng các hình thức nghệ thuật (tức là lồng ghép lịch sử với nghệ thuật) là phương pháp thường xuyên được lựa chọn.

Thời gian qua, ngày càng có nhiều tác phẩm nghệ thuật phản ánh/ tái hiện lịch sử.

Đó là những bộ phim được chú ý đầu tư, về lịch sử trung đại thì có Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long, Huyền sử thiên đô, Tây Sơn hào kiệt, Thái sư Trần Thủ Độ, Long Thành cầm giả ca, Phượng Khấu; về lịch sử cận đại (thế kỷ XX trở đi) thì có Những người viết huyền thoại, Mùi cỏ cháy, Áo lụa Hà Đông, Em bé Hà Nội…

Một cảnh trong phim Thái sư Trần Thủ Độ.

Đó là những thước phim ngắn hơn của các dự án phi chính phủ, điển hình là dự án Việt Sử kiêu hùng. Theo đó, dự án này được thực hiện dưới hình thức phim dã sử theo phong cách diễn họa (animation), tái hiện những nhân vật lịch sử, những trận đánh, hay những sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Dự án đã hoàn thành nhiều series phim lớn nhỏ như Tử chiến thành Đa Bang, Khai mở triều Trần, Việt Nam trăm bậc vĩ nhân, Bình Ngô đại chiến – Tiền truyện…

Đó là những tác phẩm văn học: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết… như Bên sông truyền hịch, Bên bờ Thiên Mặc và Trăng nước Chương Dương của tác giả Hà Ân, là tiểu thuyết dã sử Hồ Qúy Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng…

Đó là những triển lãm, tác phẩm hội họa phác thảo nhân vật, câu chuyện lịch sử như tác phẩm Phạm Ngũ Lão của Thang Trần Phềnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh của Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Sỹ Ngọc, Huỳnh Văn Thuận, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Bôn, Nguyễn Văn Tý, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng…

Bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng.

Đó là những video ca nhạc (MV) mà ở đó, yếu tố lịch sử cũng được vận dụng ít nhiều: Mặt Trăng (ca sĩ Bùi Lan Hương, dựa trên câu chuyện Mị Châu – Trọng Thủy), Không thể cùng nhau suốt kiếp (ca sĩ Hòa Minzy, lấy cốt truyện là cuộc tình giữa vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu)…

Tạo hình vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương trong MV Không thể cùng nhau suốt kiếp – Hòa Minzy.
Mị Châu được tái hiện trong MV “Mặt trăng” của Bùi Lan Hương.

Đó là những bộ truyện tranh, nhân vật trong game và nhiều hình thức thổi hồn lịch sử khác.

Đáng mừng là những người làm nghệ thuật ngày càng ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc truyền cảm hứng tìm hiểu lịch sử. Rất nhiều tác phẩm đã nhận về vô số lời khen, bởi sự nghiêm túc, tỉ mì và đã thể hiện đúng bản chất lịch sử mà tác phẩm tập trung phản ánh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít những tác phẩm nhận về những chỉ trích nặng nề – khi nói là dùng yếu tố lịch sử nhưng thực chất là bóp méo và xuyên tạc.

Những tác phẩm gây tranh cãi về việc sử dụng yếu tố lịch sử

Bộ phim Huyền sử thiên đô là một ví dụ. Bộ phim được thực hiện nhằm chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và nhận được sự mong chờ của đông đảo khán giả. Tuy nhiên, sau một thời gian lên sóng, bộ phim vấp phải phản ứng dữ dội của khán giả khi bị cho rằng đã làm sai lệch sự kiện lịch sử.

Một phân cảnh trong Huyền sử thiên đô.

Theo dữ kiện lịch sử (bản Đại Kim Bản “thần tích thần sắc” lưu tại Viện Thông tin khoa học xã hội), vào năm 1010, Vua Lý đổi niên hiệu là Thuận Thiên và cho dời đô ra thành Đại La, sau gọi là Thăng Long. Bấy giờ có giặc quấy phá vùng Diễn Châu, Lý Thái Tổ dẫn quân đi chinh phạt. Lúc trở về đến cửa Biện Loan thì trời đất tối tăm mù mịt, quan quân lo ngại, vua thắp hương cầu khấn. Bỗng từ trên trời có đám mây trắng bay là là mặt đất, trong đám mây vua thấy có một người con gái.

Người ấy tâu rằng: “Bệ hạ với tôi cùng gặp nạn Long Đĩnh, nay ngài làm vua còn tôi không nhà cửa thân thuộc, xin cho lập công để rửa điều oan khiên thuở trước”. Người con gái ấy chính là công chúa Lê Cúc Phương – con vua Lê Đại Hành và hoàng hậu Dương Thị Mai, vốn bị Lê Long Đĩnh sát hại.

Diễn viên Thu Quỳnh trong vai công chúa Lê Cúc Phương.

Vua Lý đáp lại lời của công chúa: “Xin đa tạ tấm lòng của công chúa”. Vừa dứt lời thì biển lặng sóng yên. Nhớ công của nữ thần, về đến kinh đô, vua sai triều thần sắc phong cho công chúa bốn chữ “Linh quang thánh ý”, và cấp cho 22 làng làm thang mộc ấp, cho dân cày cấy lấy hoa màu để bốn mùa đèn hương phụng thờ công chúa. Ấy là làng Kim Văn (Hà Nội) ngày nay.

Hiện ở đình Kim Văn còn giữ được 6 sắc phong thần, đạo sớm nhất đề năm Cảnh Hưng thứ 44 (1784); đạo muộn nhất đề năm Khải Định thứ 9 (1924).

Lịch sử là thế, nhưng khi vào phim Huyền sử thiên đô, công chúa Lê Cúc Phương lại cùng với Đào Can Mộc, Lý Công Uẩn cưỡi ngựa nhong nhong từ Hoa Lư ra Thăng Long. Khán giả không biết sự kiện đó diễn ra vào năm nào, dựa vào tư liệu lịch sử nào.

Không chỉ Huyền sử thiên đô mà Phượng Khấu cũng bị chỉ trích vì lý do tương tự.

Tập 3 của phim tạo cao trào khi một cung nhỏ trong hoàng cung xảy ra hỏa hoạn, ông hoàng Hồng Thụ chết trong đám cháy lúc mới vài tháng tuổi. Nhiều tình tiết cho thấy khả năng lớn là thái hoàng thái hậu (NSƯT Lê Thiện đóng) sai người phóng hỏa, lợi dụng cái chết của chắt nội để giá họa cho Hiền phi (NSƯT Minh Trang đóng), nàng dâu mà bà không vừa mắt.

Tạo hình thái hoàng thái hậu độc đoán trong Phượng Khấu.

Theo sử sách, ông hoàng Hồng Thụ yểu mạng vì ốm bệnh. Chuyện Hồng Thụ bị giết hại chỉ là chi tiết được thêm vào để tạo sóng gió trong kịch bản cung đấu. Thực tế, hư cấu là yếu tố không lạ trong dòng phim dã sử. Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng, chuyện bà cố hại chết chắt nội để thực hiện mưu đồ của mình là quá tàn nhẫn, vô đạo đức, đặc biệt trong bối cảnh cung đình Việt Nam.

Không riêng gì phim, các tác phẩm văn học “gắn mác” lịch sử cũng bị soi tường tận. Đơn cử như bộ tiểu thuyết dã sử Thành kỳ ý của cặp tác giả Linh – San. Bộ tiểu thuyết lấy bối cảnh triều đại Lê Sơ cách đây 500 năm, dưới các thời vua: Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, và Lê Thánh Tông. Xuyên suốt là câu chuyện về cuộc đời, tình yêu và duyên nợ của nàng Ngọc Huyên với bốn huynh đệ nhà Đế vương. Tuy vậy, nhiều người cho rằng đây không phải là một tiểu thuyết lịch sử mà là một tiểu thuyết ngôn tình có yếu tố lịch sử, bởi những tình tiết được đề cập quá “sến súa” và sướt mướt.

Bộ tiểu thuyết Thành Kỳ Ý gây tranh cãi.

Chẳng những ngôn tình về nội dung, hình ảnh minh họa trong bộ tiểu thuyết cũng bị cho là giống với hình minh họa trong truyện ngôn tình Trung Quốc.

Gây xôn xao trong một thời gian dài là tạo hình nhân vật trong game Sử Hộ Vương. Tháng 8/2018, Sử Hộ Vương lần đầu được công bố với giới truyền thông dưới dạng một boardgame sưu tập thẻ bài (Collectible Card Game), chơi theo hình thức ”gacha” (quay thưởng nhân vật).

Đội ngũ phát triển của Sử Hộ Vương khẳng định họ sẽ đánh thức tình yêu sử Việt khi tái hiện những nhân vật lịch sử trong quân sự, thi ca nhạc họa Việt Nam như Nguyễn Huệ, Lạc Long Quân, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… dưới dạng những nhân vật thẻ bài phong phú, bắt mắt cùng hệ thống kỹ năng độc đáo.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương và Lạc Long Quân được tái hiện trong game Sử hộ vương nhận về nhiều tranh cãi.

Hoa mỹ là thế nhưng tạo hình nhân vật trong game này bị lên án gay gắt. Dư luận đã cảm thán những câu như: “Chưa bao giờ thấy Nguyễn Du, Nguyễn Huệ nhưng chắc chắn các ông không nhuộm tóc”, “Ông nào cũng 6 múi, áo hở ngực, mắt đỏ, tóc tím – xanh… buồn cười quá”, “Tiếng là game hướng đến mục đích lan truyền cảm hứng lịch sử cho người trẻ Việt mà như vậy thì kỳ quá”…

Phản hồi của cộng đồng mạng về tạo hình nhân vật trong game Sử hộ vương. Ảnh – Lag.vn.

Chúng ta khuyến khích việc sử dụng nhiều hình thức khác nhau để phản ánh lịch sử, truyền cảm hứng tìm hiểu lịch sử nhưng chúng ta không chấp nhận những hành động bóp méo, làm lệch lạc cái nhìn về lịch sử

Dù là một cuộc dạo chơi ngắn hay một con đường dài thì cũng có thể nói rằng, việc tạo ra những sáng tác nghệ thuật hay những sản phẩm văn hóa mang yếu tố lịch sử luôn là một hướng đi đáng khen ngợi và cần phát huy. Hướng đi này không chỉ gìn giữ lịch sử, văn hóa dân tộc, “cho cường gốc tích nước nhà Việt Nam” mà còn giúp các sáng tác nghệ thuật, các sản phẩm văn hóa mang đầy đủ giá trị chân – thiện – mĩ.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, hướng đi đó chỉ đạt được hai mục đích trên khi thực sự tôn trọng lịch sử, tôn trọng quá khứ.

Đạo diễn Đào Bá Sơn (đạo diễn bộ phim Long thành cầm giả ca) đưa ra quan điểm: “Một phim lịch sử hay chắc chắn phải hội đủ 3 điều kiện: thứ nhất là khả năng, tài năng của người làm phim; thứ hai là sự hiểu biết, tri thức; thứ ba là sự tôn trọng lịch sử của chính những người làm phim và phải có tâm trong góc độ nhìn nhận lịch sử. Tôi cũng cho rằng: trong một bộ phim lịch sử không thể có sự hư cấu quá mức, bắt buộc phải tôn trọng chi tiết, sự kiện lịch sử. Trên cơ sở đó, người làm phim chỉ có thể thêm vào chút hư cấu nhất định, nhưng phải nằm trong khuôn khổ để không tạo ra sự phi lý khiến người xem cảm thấy không chấp nhận được”.

Điều này không chỉ đúng với lĩnh vực phim ảnh mà còn ứng với các thể loại nghệ thuật khác.

Cho rằng sách vở về lịch sử thường khô khan nên nhiều bạn trẻ tìm đến các cách tiếp cận khác. Nếu không có kiến thức nền vững chắc mà chỉ tìm hiểu qua những cách thức không chính thống này thì chẳng phải rất dễ bị các cách thức này định hướng hay sao? Trong trường hợp các tác phẩm nghệ thuật phản ánh trung thực và đúng đắn thì không có gì đáng lo, nhưng nếu ngược lại – các tác phẩm không tôn trọng lịch sử – thì hậu quả để lại là cực kỳ nghiêm trọng.

Sự phản ứng của dư luận đối với những chi tiết sai, không đúng, cường điệu quá mức trong những tác phẩm nghệ thuật có yếu tố lịch sử vừa là một liều thuốc thử để thấy rằng dư luận đã có sự quan tâm thực sự với các sản phẩm văn hóa dựa trên huyền sử/lịch sử Việt Nam (nhất là những dự án do người trẻ thực hiện), vừa chứng minh: dù định hướng có đáng trân trọng đến mấy nhưng cách thể hiện, phá cách thiếu cẩn trọng sẽ dễ bị lên án.

Lai La/Theo TTV24

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *