Tháng 7 âm lịch trong văn hóa người Hoa

16:00 | 24/08/2020
Trong tâm trí người Việt xưa nay nói chung và các bạn trẻ nói riêng, đều quan niệm tháng 7 âm lịch thường là tháng “không may mắn”, “tháng cô hồn” và mọi việc lớn nhỏ đều kiêng kị làm trong tháng này. Nhưng đối với cộng đồng người Hoa, đây là tháng nhộn nhịp và sôi nổi nhất với nhiều lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Lễ Thất tịch

Ảnh: Internet

Lễ Thất tịch còn có nhiều tên gọi khác như: ngày Ngưu Lang Chức Nữ, Khất xảo tiết, Thất tỷ đán, Xảo tịch… Đây là ngày lễ có nguồn gốc xa xưa được người Hoa mang đến Việt Nam trong quá trình di dân. Ngày lễ được bắt nguồn từ một câu chuyện thần thoại cảm động về cuộc hội ngộ và tình yêu giữa Ngưu Lang và Chức Nữ.

Tương truyền rằng vào ngày Thất tịch, tức ngày mùng 7 tháng 7 Âm lịch, Ngưu Lang và Chức Nữ lại vượt sông Ngân Hà nối cầu Ô Thước để gặp nhau. Trải qua tháng năm đằng đẵng, tấm chân tình của họ vẫn sắt son, không đổi thay.

Người Hoa cho rằng, Chức Nữ là nàng tiên rất khéo tay trên cung đình và Ngưu Lang là anh chàng chăn trâu hiền lành tốt bụng, có nhiều sức khỏe. Họ có thói quen bày mâm cỗ và dâng hương vào tối ngày 7 tháng 7 âm lịch để cầu mong sự khéo tay cho các cô gái và sức mạnh cho các chàng trai trẻ. Nhân đó, cầu mong cho chuyện tình duyên của các cặp đôi được suôn sẻ, những người còn độc thân tìm được một nửa của đời mình. Chính vì thế mà ngày tết Thất tịch còn được gọi là lễ Tình nhân của Trung Hoa.

Đại Lễ Vu Lan 

Ảnh: Internet

Theo quan niệm của người Hoa, đây là dịp để mọi người tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, cha mẹ – những người còn sống hoặc đã khuất, họ tích cực làm việc thiện, cầu phúc phổ độ chúng sinh.

Lễ Vu Lan (15/7 âm lịch) một trong những đại lễ quan trọng của Phật giáo, thường được gọi là Lễ Vu Lan Bồn hay lễ Báo hiếu. Đại lễ này được tổ chức dựa trên điển tích của Phật Giáo. Tôn giả Mục Kiền Liên đã mượn công đức của các cao tăng để đưa mẹ ra khỏi kiếp quỷ đói.

Xá tội vong nhân

Ảnh: Intrernet

Lễ Xá tội vong nhân được dựa trên quan niệm của Đạo giáo, là ngày Diêm Vương cho mở cửa Quỷ Môn Quan để các linh hồn được tự do trở về dương thế. Các đạo quán (nơi tu luyện của các vị đạo sĩ) của người Hoa thường là nơi tổ chức các hoạt động, nghi lễ như: Mở cửa địa ngục, lễ qua cầu Nại Hà, lễ Thí thực… Các nghi lễ này nhằm chia sẻ phần nào sự khó khăn của người nghèo và lễ cúng cho các oan hồn không nơi nương tựa, cơ nhỡ đói khát không ai cúng bái.

Địa Tạng Vương Bồ Tát

Ảnh: Internet

Địa Tạng Vương Bồ Tát cũng được xem là vị Bồ Tát của chúng sinh dưới địa ngục hay còn gọi là giáo chủ cõi U Minh. Theo quan niệm của người Hoa, chính Vị Bồ Tát này xin Ngọc Hoàng mở cửa địa ngục để các oan hồn có cơ hội đoàn tụ với người thân. Ngày 30/7 âm lịch hàng năm là ngày Vía Đức Bổn Tôn Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, các Phật tử thể hiện lòng kính ngưỡng bằng các hoạt động cúng dường, tụng kinh Địa Tạng, khấn niệm Địa Tạng Vương và tổ chức các buổi lễ thuyết giảng Phật pháp, làm việc thiện như phóng sinh, ăn chay, bố thí…

Các hoạt động trên diễn ra không chỉ tại Trung Quốc mà gần như với tất cả cộng đồng người Hoa ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong quan niệm người Hoa, tháng 7 không phải là tháng kiêng kị, đây là tháng vui vẻ vì họ đón linh hồn người thân về nhà đoàn tụ, tháng thể hiện sự hiếu kính với cha mẹ và cũng là tháng tình yêu đôi lứa.

Huỳnh Mon/ Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *