Tiếng Việt: Những từ và cặp từ dễ nhầm lẫn

21:48 | 02/10/2020
Yếu điểm hay điểm yếu, cứu cánh, sáp nhập hay sát nhập, tri thức hay trí thức... là những từ và cặp từ tiếng Việt thường bị hiểu nhầm và dùng sai. 

Yếu điểm và điểm yếu

Về từ “yếu điểm”, “yếu” ở đây là từ Hán Việt, nghĩa là “quan trọng”. “Yếu điểm” hiểu đơn giản là chỗ quan trọng, vị trí quan trọng. Còn “điểm yếu” là từ thuần Việt, nghĩa là điểm chưa tốt, chưa mạnh, khá gần nghĩa với “nhược điểm”.

Cứu cánh

Mọi người hay dùng nó với nghĩa là cứt vớt, cứu tinh, nhưng thực chất “cứu cánh” mang nghĩa hoàn toàn khác. Trong “cứu cánh”, “cứu” là kết cục, cùng cực, “cánh” là trọn vẹn, là hết, là xong. “Cứu cánh” được hiểu là “xét cho đến cùng” hay gần nghĩa hơn là “mục đích cuối cùng”. Trong Phật Giáo “cứu cánh” có nghĩa là cõi Niết Bàn.

Trong đạo Phật, “cứu cánh” nghĩa là Niết Bàn.

Khốn nạn

Từ này có nghĩa là khốn đốn hoạn nạn, nhưng giờ thường được dùng để chỉ những hành động trái với đạo đức. Cuốn tiểu thuyết “Những người khốn khổ” ngày trước có tên tiếng Việt là “Những kẻ (người) khốn nạn”. Trong “Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố, đoạn cai lệ đến nhà đòi sưu thuế rồi bắt anh Dần đi, tác giả cũng có viết: “Tới cổng, anh chàng khốn nạn quay lại dặn vợ…” (“anh chàng khốn nạn” chính là anh Dần). Trong 2 trường hợp trên, từ “khốn nạn” hoàn toàn không chỉ những người thất đức hay đại loại vậy.

Trí thức và tri thức

Để phân biệt hai từ này, chúng ta chỉ cần nhớ đơn giản: Trí thức là những người có tri thức. Bởi vậy, chúng ta mới nói “giới trí thức”, còn nếu nói “giới tri thức” là nói sai.

Khuyến mãi hay khuyến mại

Đây là cặp từ rất dễ hiểu nhầm và trong nhiều trường hợp chúng còn bị coi là đồng nghĩa. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Từ “khuyến” ở cả hai từ đều có nghĩa là khuyến khích, còn “mãi” là mua, “mại” là bán (như “mại dâm” tức là bán dâm). Như vật, “khuyến mãi” là khuyến khích mua và “khuyến mại” là khuyến khích bán.

Thủ đoạn

Về bản chất, “thủ đoạn” có nghĩa là phương pháp, cách thức. Nhưng ngày nay, chúng ta đã gán cho nó một ý nghĩa tiêu cực. Không ít người mặc định “thủ đoạn” là một chiêu trò gì đó có ý xấu, mang tính hãm hại người khác.

Phong thanh hay phong phanh

“Phong” là gió, “thanh” là tiếng động, âm thanh, và “phong thanh” là tiếng gió, sau dùng với nghĩa nghe ngóng gì đó kiểu không chính thức, chỉ đại khái qua loa. Còn “phong phanh” lại mang nghĩa là mỏng manh, không đủ ấm (như “ăn mặc phong phanh”).

Đều như vắt tranh

Rất nhiều người nghĩ phải là “đều như vắt chanh”, tức là vắt quả chanh một cách thật đều. Nhưng không, cách nói đúng phải là “đều như vắt tranh”, vì “tranh” ở đây là cỏ tranh dùng để lợp mái nhà ngày xưa, vắt tranh đều thì mái nhà mới đẹp và không bị dột.

Mái nhà tranh.

Sáp nhập và sát nhập

“Sáp” là gộp vào, gộp lại, “sáp nhập” là gộp thành một nhóm hoặc đại loại thế. Còn “sát” là ở cạnh, bên cạnh, như “kề vai sát cánh”. Vậy nên từ đúng phải là “sáp nhập”.

Giả thiết và giả thuyết

Trong khi “giả thuyết” là đưa ra một điều gì đó chưa được kiểm chứng để giải thích cho một hiện tượng/sự vật/sự việc nào đó thì “giả thiết” lại ám chỉ rằng lý lẽ này đưa ra không cần kiểm chứng, mà tạm được coi là đúng. Như trong đề Toán, “giả thiết” chính là cái mặc định đúng để chúng ta dựa vào đó tìm ra các lời giải.

Vô hình trung hay vô hình chung

Trong hai từ này, từ đúng là “vô hình trung”, mang nghĩa là tuy không có chủ đích gì nhưng lại tự nhiên…

Vãn cảnh và vãng cảnh

“Vãng” là đi ngắm, vãng cảnh là ngắm cảnh. Còn “vãn” là chiều tối, như tiêu đề bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” của vua Trần Nhân Tông có nghĩa là “Dạo chơi ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường”. Như vậy, “vãn cảnh” là cảnh buổi chiều, còn “vãng cảnh” là ngắm cảnh.

Phiêu lưu và phưu lưu

Từ đúng là “phiêu liêu”. Đây là một từ gốc Hán, “phiêu” là trôi nổi, bồng bềnh, còn “lưu” là chảy, trôi, dùng trong “hải lưu”, “hạ lưu”…

Vị tha và vị kỷ

“Vị tha” nghĩa là vì người khác, từ “vị” này chính là “vị” trong “thiên vị”. Giờ đây, người ta dùng từ “vị tha” với nghĩa là dễ tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Còn “vị kỷ”, tức là chỉ vì mình, và từ này gần nghĩa với “ích kỷ”.

Khoái chá hay khoái trá

“Khoái chá” từ gốc Hán, trong đó “khoái” là thịt cắt ra thành từng miếng nhỏ, “chá” là nướng. “Khoái chá” là miếng thịt nướng, chả nướng – một món ăn ngon nhiều người ưa thích. Khi chuyển thành tính từ có nghĩa là sung sướng, thỏa mãn (như khi được ăn món ngon). “Khoái trá” thì không liên quan gì đến nghĩa vừa nêu, vì “trá” là giả dối, như trong từ “trá hình”, “dối trá”.

Khoái chá thật ra là món thịt nướng.

Ngoài ra còn một số trường hợp khác
– “Xán lạn” (rực rỡ sáng sủa) chứ không phải “sáng lạn”
– “Tựu trung” (tập hợp về giữa) chứ không phải “tựu chung”
– “Tham quan” (với “tham” là thêm vào, “quan” là nhìn nhận, quan sát) chứ không phải “thăm quan”
– “Cập nhật” chứ không phải “cập nhập”
– “Chẩn đoán” chứ không phải “chuẩn đoán” (vì “chuẩn” rồi thì không cần “đoán” nữa)
– “Độc giả” chứ không phải “đọc giả” (muốn dùng từ “đọc” thì dùng “người đọc”)
– “Nhậm chức” sẽ nhấn mạnh vào nghĩa vụ mà người có chúc vụ mới cần phải hoàn thiện, trong khi “nhận chức” thì lại không lột tả được cái nghĩa vụ, trách nhiệm đó.

Lai La/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *