Tiếng Việt: Phân biệt các từ chỉ hành động của mắt (nhìn, trông, ngắm, liếc…)

08:59 | 08/09/2020
Tiếng Việt có rất nhiều từ chỉ hành động của mắt như nhìn, trông, ngắm, liếc, coi, xem, dòm, ngó... Tuỳ hoàn cảnh mà người nói, người viết sử dụng các từ này cho phù hợp.

NHÌN:

Nhìn tức là để mắt, trông kỹ và gần, ví dụ: nhìn tận mặt, bắt tận tay. Nhìn còn có nghĩa là lo đến, quan tâm đến, màng đến. Ví dụ: bận công việc không màng gì đến con cái, nhà cửa; mải chơi không nhìn gì đến sách vở, học hành.

NHẬN:

Hành động này là ý thức được sự tồn tại, có mặt của một sự vật, sự việc nào đó, ví dụ: nhận ra bạn cũ trong đám đông, nhận ra là bản thân đã quá lười biếng…

TRÔNG:

Từ “trông” thường dùng trong “trông nhà”, “trông em”, “trông người bệnh”, có nghĩa là chủ động hướng mắt vào sự vật, sự việc (để ý) nhằm nhận biết, canh trừng sự vật, sự việc đó.

NOM:

Khi ta nhìn sự vật sự việc một cách qua loa, đại khái thì tức là ta đang “nom”. Người ta thường nói “nom qua”. Trong Truyện Kiều có câu: “Quan trên trông xuống, người ta nom vào”.

NHÒM:

Nhòm là nhìn một cách không toàn diện, thường qua khe hở, ống, lỗ… Ví dụ: “Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” (trích “Ngắm trăng”, nguyên tác “Vọng nguyệt” – Hồ Chí Minh).

Nhòm qua ống nhòm.

DÒM:

“Dòm” trong “dòm ngó”, “dòm nom” đều có nghĩa là nhìn nhận một cái gì đó với thái độ dò xét, rình mò, không mấy thiện chí.

COI:

Ngoài sắc thái nghĩa là sử dụng mắt và trí tuệ để nhìn nhận sự việc (như “coi chừng”, “trông coi”) thì “coi” còn có nghĩa là đánh giá thứ gì đó, ví dụ: chẳng coi ai ra gì, “coi trời bằng vung”…

XEM:

Xem là nhìn cái gì đó trong một thời gian dài, như xem phim, xem bóng đá, xem tivi…

Xem tivi.

THẤY:

Thấy là hành động nhìn không có chủ đích, tức là một sự vật, sự việc gì đó vô tình lọt vào tầm mắt. Ví dụ: thấy một con chim bay qua, thấy ai đó đi vào nhà…

Thấy thường đi kèm với một số động từ khác để chỉ sự nhận biết rõ: nhìn thấy, trông thấy, nghe thấy…

NGHÉ:

Từ này chỉ hành động nghiêng mắt nhìn hay nhìn qua khe bé với ý tò mò và vụng trộm. Ví dụ: “Song hồ vừa khép cánh mây/ Tường đông nghé mắt ngày ngày thường trông” (Truyện Kiều – Nguyễn Du).

NHÁC:

“Nhác” từng là nhìn, là trông một cách bất chợt, không có chủ định. Nhác thường đi kèm với các động từ khác như: nhác thấy, nhác trông. Ví dụ: Lần theo tường gấm dạo quanh/ Trên đào nhác thấy một cành kim thoa (Truyện Kiều – Nguyễn Du).

LIẾC:

“Liếc” tức là đưa ngang con mắt mà nhìn, ví dụ: liếc mắt đưa tình.

Liếc mắt.

NGÓ:

“Ngó” tức là vươn đầu, vươn cổ ra để nhìn cho rõ, nhưng thường được dùng với nghĩa phổ biến hơn là quan tâm, để ý tới. Ví dụ: ngó ngàng tới con cái, ngó ngàng việc nhà việc cửa…

LƯỜM:

Khi tức giận, bực bội hay muốn đe doạ ai đó, người ta thường có hành động lườm. Giống như liếc, lườm cũng là đưa con mắt sang ngang nhưng lườm mang tính “sát khí”, nghiêm trọng hơn. Ví dụ: cái lườm nảy lửa, lườm người ta muốn cháy da cháy thịt…

NGẮM:

Nhìn cái gì đó một cách âu yếm, tò mò có nghĩa là đang ngắm nó. Ví dụ: ngắm tranh, vẻ đẹp ngắm mãi không chán…

QUAN SÁT:

Quan sát là nhìn nhận kỹ lưỡng để thu nạp thông tin. Quan sát thường mang tính phân tích, ghi nhớ, so sánh, đối chiếu… và được nhìn nhận dưới góc độ một kỹ năng. Ví dụ: quan sát sự chuyển động của con lắc đơn và đưa ra nhận xét, quan sát bầu trời…

Lai La/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *