Tranh cãi chuyện Việt Nam có quá nhiều cuộc thi hoa hậu

14:38 | 14/07/2022

Bên cạnh những cuộc thi uy tín, có thâm niên, nhiều sân chơi sắc đẹp nở rộ trong vài năm gần đây ở Việt Nam gây ra tình trạng bát nháo, hỗn loạn.

“Tháng nào cũng thấy mở ra một cuộc thi hoa hậu mới ở Việt Nam. Tôi giờ không thể nào nhớ tên hết các hoa hậu, á hậu ở những sân chơi sắc đẹp gần đây. Những cái tên còn đọng lại trong trí nhớ của tôi là Hoa hậu Diệu Hoa, Mai Phương Thúy, H’Hen Niê… Bây giờ đúng là loạn cuộc thi hoa hậu trong nước” là một bình luận nhận về hơn 2.000 lượt like (lượt thích) trên một diễn đàn hoa hậu.

Sau bài viết của Zing với tiêu đề: “Bội thực hoa hậu ở Việt Nam” đăng tải ngày 10/7 thu hút nhiều ý kiến với hai luồng tranh luận trái chiều.

Phần lớn cho rằng tình trạng “ra đường gặp hoa hậu” khiến danh xưng này bị giảm uy tín. Khán giả thậm chí còn không nhớ hết tên các cuộc thi lẫn những người giành vương miện.

Tuy nhiên, không ít khán giả cho rằng việc nhiều sân chơi sắc đẹp mở ra sau dịch Covid-19 là tín hiệu đáng mừng. Điều này cho thấy ngành công nghiệp sắc đẹp ngày càng được chú trọng. Các cuộc thi hoa hậu tổ chức phụ thuộc vào thị trường. Nếu sân chơi nào thiếu chất lượng, không có khán giả sẽ bị đào thải theo quy luật.

“Cuộc thi hoa hậu nhiều hơn sân chơi về trí tuệ”

Nhiều năm qua, Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam là 3 đấu trường sắc đẹp uy tín nhất của Việt Nam. Các cô gái giành vương miện hoa hậu, á hậu phần đa đại diện Việt Nam góp mặt trong các cuộc thi quốc tế như Miss World, Miss Universe, Miss Grand International, Miss International.

Từ vai trò ban đầu và trọng yếu là tìm ra chủ nhân để tham gia “tứ đại hoa hậu”, dần dần, các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam lệch pha so với quỹ đạo.

Hàng loạt sân chơi sắc đẹp nở rộ trong năm 2022, có thể kể đến như Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên Hợp Quốc Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Miss Fitness Vietnam… Dễ thấy, các cuộc thi kể tên phía trên đều không có nhu cầu phải tìm ra một cô gái để thi quốc tế.

Câu hỏi: “Vì sao các cuộc thi sắc đẹp mở đồng loạt ở Việt Nam và mục đích là gì?” là thắc mắc chung của nhiều khán giả.

Trên một diễn đàn về hoa hậu, tài khoản Hiếu Trường bình luận: “Thực sự tôi không hiểu các cuộc thi hoa hậu mở ra nhiều vậy để làm gì. Nếu chỉ mang tính chất giải trí thì 1-2 cuộc thi là đủ rồi. Bây giờ các danh xưng hoa hậu, á hậu, hoa khôi nhiều đến mức bội thực”.

Cùng quan điểm, tài khoản @duongnguyen cho rằng: “Hoa hậu, á hậu bây giờ nhiều đến nỗi chẳng ai nhớ tên hết. Do không có gì đặc biệt và cũng không mang lại lợi ích gì cho cộng đồng nên tên tuổi của họ không thể phủ sóng rộng rãi. Mình 40 tuổi nhưng chỉ biết tên hai hoa hậu là Ngọc Hân với Mai Phương Thúy. Còn lại không biết tên và cũng không nhớ mặt hoa hậu nào khác”.

“Hoa hậu là cuộc thi tôn vinh nét đẹp phụ nữ nhưng đã biến tướng rất nhiều. Phần lớn các cuộc thi không đem lại lợi ích gì ngoài việc đánh bóng tên tuổi cho thí sinh và lợi nhuận cho các công ty giải trí”, độc giả Nguyễn Tường Anh bình luận.

Tài khoản @duyentinh nói hiện nay, tình trạng các cuộc thi sắc đẹp còn phổ biến nhiều hơn những sân chơi về trí tuệ. Những cuộc thi hoa hậu lớn còn được phát sóng trực tiếp vào khung giờ vàng trong nước. Trong khi đó, Đường lên đỉnh Olympia – một trong số ít cuộc thi về tri thức dành cho học sinh phổ thông được chiếu vào 13h chủ nhật hàng tuần.

Từ câu chuyện này, khán giả cho rằng về lâu dài nên hạn chế cuộc thi sắc đẹp. Thay vào đó tập trung phát triển các sân chơi về công nghệ, khoa học, kinh tế… để phát triển đất nước.

“Không hiểu tìm ra đâu nhiều người đẹp để thi hoa hậu, hoa khôi như vậy. Một số gương mặt cũ thi đi thi lại khiến người xem phát ngán. Tôi có cảm giác vài năm nữa, phụ nữ Việt Nam đều trở thành hoa hậu, á hậu”, một độc giả nhận xét.

Anh Tú Võ nêu quan điểm các cuộc thi hoa hậu ngày càng được tổ chức nhiều chứng tỏ ngành công nghiệp sắc đẹp đang ngày được quan tâm và phát triển. Tuy nhiên, hiện nay có quá nhiều cuộc thi hoa hậu diễn ra gây nên tình trạng bão hoà về các danh hiệu.

Anh cho rằng Việt Nam chỉ nên duy trì tổ chức các cuộc thi hoa hậu uy tín, chất lượng và lâu đời như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Tuỳ theo các đơn vị nắm bản quyền để cử thí sinh dự thi quốc tế.

“Là một fan của các cuộc thi sắc đẹp nhưng tôi cũng không thể nhớ hết các danh hiệu hoa hậu, á hậu vì có quá nhiều cuộc thi không phải chính thống. Tôi nghĩ rằng nên ưu tiên chất lượng hơn số lượng cuộc thi”, anh Tú cho biết.

Theo tài khoản Minh Long, ở nhiều nước trên thế giới, các cuộc thi hoa hậu ra đời phụ thuộc vào việc tổ chức hoa hậu của quốc gia đó có nắm bản quyền hay không.

Ở “cường quốc sắc đẹp” Philippines, nước này chỉ tổ chức trên hai cuộc thi để tìm ra đại diện thi hoa hậu quốc tế. Cụ thể, cuộc thi Miss Universe Philippines mở ra nhằm chọn thí sinh thi Miss Universe. Hay Binibining Pilipinas để tìm đại diện thi Miss World, Miss Grand International, Miss International.

Một số nước khác như Cộng hòa Czech, South Africa, Indonesia… cũng chỉ tổ chức một vài cuộc thi lớn.

“Việc tổ chức một số cuộc thi uy tín, chất lượng sẽ nâng cao chất lượng thí sinh và không gây nên tình trạng bão hòa thi hoa hậu như Việt Nam hiện tại”, anh Minh Long bày tỏ.

Các cuộc thi kém chất lượng sẽ bị đào thải

Ngược lại với những ý kiến không đồng tình với việc mở ra hàng chục sân chơi sắc đẹp trong nước, một số khán giả lại cho rằng nên đặt các cuộc thi hoa hậu như một ngành công nghiệp. Và lẽ tất yếu, ngành công nghiệp hoa hậu sẽ đi theo những quy luật phát triển của thị trường. Đối với những cuộc thi sắc đẹp kém chất lượng, thiếu uy tín, không có khán giả, không thu hút tài trợ, doanh nghiệp… dần dần sẽ tự đào thải.

“Mỗi một cuộc thi hoa hậu có đối tượng theo dõi riêng. Như bản thân tôi thích cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam thì theo dõi sát sao trong nhiều mùa. Cuộc thi hoa hậu cũng là ngành kinh doanh, theo quy luật thị trường đào thải nếu không hiệu quả, ít doanh thu”, tài khoản @doanthanhnga viết.

“Những cô gái đăng quang các cuộc thi sắc đẹp uy tín, chất lượng, ngoài nhan sắc còn hội tụ cả tài năng, trí tuệ và thu hút được lượng fan đông. Họ bước ra cuộc thi sẽ quảng bá cho văn hóa quốc gia, du lịch vùng miền. Các cô gái đó cũng làm được nhiều hoạt động từ thiện, xã hội, giúp đỡ nhóm người yếu thế nhờ tiếng nói cá nhân của họ”, bạn Hoàng Anh chia sẻ.

Theo độc giả Lê Ngọc, ngoài Việt Nam, nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Mỹ cũng tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp trong nước. Cụ thể, ở Mỹ, ngoài các cuộc thi hoa hậu ở cấp độ quốc gia còn có các sân chơi sắc đẹp dành cho mọi độ tuổi từ quý bà đến Miss Teen, cuộc thi hoa khôi ở trường học, bang.

“Các đơn vị tư nhân họ tổ chức cuộc thi sắc đẹp để quảng bá thương hiệu. Họ bỏ tiền đầu tư, lời lỗ tự chịu. Việc nhiều hay ít người theo dõi đều phụ thuộc vào cơ chế thị trường. Nếu không hiệu quả thì tự động loại bỏ”, chị Ngọc chia sẻ.

Theo người này, số lượng cuộc thi không quan trọng bằng chất lượng thí sinh. Và những người đẹp bước ra từ sân chơi sắc đẹp phải luôn phát triển bản thân, gìn giữ uy tín và thể hiện trách nhiệm với xã hội.

“Sự đánh giá của cộng đồng đối với người đẹp chỉ thực sự bắt đầu sau đêm đăng quang. Quan trọng nhất là hướng phát triển về lâu dài. Một cô gái đẹp, có học thức và nhân cách tốt sẽ luôn được mọi người yêu mến, dù có trở thành hoa hậu hay không”.

Theo Zing

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *