Chiều 6/5, Báo Nhân Dân tổ chức khai mạc Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Triển lãm diễn ra đồng thời tại khuôn viên của Báo Nhân Dân và Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Khách tham quan có thể chiêm ngưỡng bức tranh panorama bao quanh hình tròn đường kính 5,5m, chiều cao hơn 3m và trải nghiệm công nghệ thực tế tăng cường với mô hình tranh panorama 360 độ. Triển lãm mở cửa tự do từ  9h-17h, trong các ngày từ 7 đến 12/5.

Ông Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc triển lãm.

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, TBT Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, điểm nhấn trong đợt thông tin đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ là số báo Nhân Dân hàng ngày ra mắt ngày 7/5 được tăng thêm 12 trang, trong đó, 4 trang in toàn bộ bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ với hơn 4.500 nhân vật.

Đây là bức tranh tái hiện quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, khơi lại nguồn cảm hứng sáng tạo cũng như phục vụ việc giáo dục tuyên truyền tới nhân dân.

Bạn đọc có thể cắt các trang báo Nhân Dân số đặc biệt, ghép thành bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ, treo trong phòng khách, nơi công cộng hoặc chụp ảnh check-in trên mạng xã hội…

Khách nước ngoài xem tranh panorama Chiến thắng Điện Biên Phủ tại khuôn viên Báo Nhân Dân.

Chia sẻ với VietNamNet, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ xúc động khi cầm trên tay ấn phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân.

Nhớ lại giai đoạn thai nghén ý tưởng tạo ra một phác thảo tốt nhất cho bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đoàn nói đó là “một thách thức lớn đối với các họa sĩ, những người được đào tạo cơ bản của Đại học Mỹ thuật Việt Nam”.

“Chứng kiến các họa sĩ úp mặt vào tường, đứng trên giàn giáo vẽ mà vẫn tạo được xúc cảm khi thể hiện hình tượng về anh bộ đội Cụ Hồ, chúng ta đều thấy giá trị nhân văn, nhân bản của tác phẩm. Từ đó có thể thấy, dù người lính ở bên này hay bên kia chiến tuyến, đều được thể hiện trong những hình ảnh, hình tượng, dung nhan, cốt cách của con người. Chính điều này làm cho những khách nước ngoài, đặc biệt là người Pháp khi đến thăm hết sức xúc động”, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn.

Ông Đoàn kể, cấu trúc của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hình tròn, trên đỉnh vòm ban đầu là mặt trời xòe nan quạt bằng kim loại. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ông cùng đồng nghiệp đã đề xuất với tỉnh Điện Biên cho phép tháo mặt trời đó xuống để tạo một vòm cao, thể hiện khói lửa bên dưới nhưng bầu trời phía trên vẫn xanh và lãng đãng những đám mây trắng.

“Tôi thấy điều này làm nổi bật tính tôn nghiêm và thiêng liêng, tạo nhiều xúc cảm cho người xem”, ông Đoàn khẳng định.

Triển lãm mở cửa tự do đón khách tham quan từ 9h-17h các ngày từ 7 đến 12/5.

Cũng trong quá trình hoàn thiện tác phẩm, ông Đoàn cùng cộng sự đặt vấn đề với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Đức Trịnh phối khí lại các bản nhạc thời kháng chiến chống Pháp để phát khoảng 15 phút, khi mọi người đi xem, giúp cảm xúc dâng trào, hòa quyện giữa âm nhạc và hội họa.

“Chúng tôi đánh giá đây là kỳ tích của các họa sĩ trẻ khi mang đến cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam một tác phẩm hết sức xứng đáng, khẳng định sự tôn vinh những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, anh bộ đội Cụ Hồ. Đặc biệt hơn nữa, Báo Nhân Dân lại thực hiện khai mạc triển lãm tương tác tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ ở quy mô nhỏ hơn nên tính quảng bá, tính phổ quát lại càng lớn, càng sâu rộng”, ông Đoàn bày tỏ.

Theo VietNamNet