Trở về tuổi thơ với nghề nặn tò he Xuân La

13:54 | 22/11/2020
Trong ký ức tuổi thơ của mỗi thế hệ người Việt chắc hẳn không thể thiếu món đồ chơi dân gian tò he. Giữa lòng thủ đô Hà Nội, vẫn còn lưu giữ một làng nghề truyền thống nét đẹp bình dị ấy mà ít ai biết đến, làng nghề tò he Xuân La.

Nét đẹp trong nghề nặn tò hè

Nhiều năm trở lại đây, dường như món quà tuổi thơ tò he đã ít xuất hiện trong đời sống con người hơn, và cũng không còn được ưa chuộng giữa vô vàn trò chơi hiện đại nữa. Nhưng thật bất ngờ khi giữa lòng thủ đô Hà Nội nhộn nhịp vẫn còn tồn tại làng nghề truyền thống lưu giữ nét văn hóa dân gian này.

Làng nghề Xuân La thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên. Đây là làng nghề tò he duy nhất ở Việt Nam và cũng là mảnh ghép không thể thiếu của văn hoá Hà Nội. Mặc dù nghề nặn tò he không rõ chính xác có từ khi nào, nhưng những nghệ nhân lâu năm tại làng Xuân La cho biết, nghề này có không dưới 300 năm.

Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử và những giai đoạn chuyển mình to lớn của đất nước, những tưởng nghề nặn tò hè sẽ chẳng bền vững, nhưng nào ngờ nhờ có các nghệ nhân tâm huyết vẫn không ngừng sáng tạo, thổi hồn vào mỗi sản phẩm để giữ lại nghề truyền thống này.

Vào mỗi ngày hội của làng, hay ngày rằm tháng Giêng hàng năm, tại đây đều có cuộc thi tay nghề nặn tò he cho các nghệ nhân, thợ giỏi. Bên cạnh đó, còn có câu lạc bộ nặn tò he được thành lập trong làng để khi có cơ hội có thể biểu diễn, giao lưu văn hóa với các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ.

Được biết, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như: công, gà, trâu, bò, lợn, cá… Những sản phẩm này được gọi là “đồ chơi chim cò”. Cũng có nơi gọi là “con bánh” bởi các hình thù mô phỏng nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi… được tạo thành như mâm cỗ để đi lễ chùa. Sau này người nặn biến tấu các sản phẩm, họ gắn thêm chiếc kèn ống, ở đầu chiếc kèn quết thêm một ít mạch nha. Và khi bạn thổi phát ra âm thanh nghe như “tò te”, và người ta đọc lái thành cái tên “tò he” để gọi tên những sản phẩm này.

Các nghệ nhân thường phải di chuyển xa nhà, rong ruổi trong các phiên chợ quê, các làng xóm, phồ phường hay tham gia các hoạt động của giới trẻ để nặn tò he bán. Mỗi một người thợ đều có hành trang riêng bao gồm: một con dao nhỏ, vài que tre, chút sáp ong, cái lược và một thùng xốp để cắm tò he lên trưng bày.

Nhìn thì tưởng đơn giản, nhưng nếu ngồi học nặn thì không phải là dễ. Những người thợ cho biết, ai muốn học nặn tò he phải có hoa tay tốt, óc tưởng tượng sáng tạo cộng thêm tinh thần nhẫn nại, sự cần mẫn, tình yêu thương thì mới có thể đưa sản phẩm tới người thưởng thức một cách trọn vẹn. Để nặn ra hình thù thì không khó, nhưng có lẽ để nặn ra một con vật có linh hồn, có cảm xúc thì chắc hẳn không ai cũng làm được. Chính vì vậy mới cần đến những người thợ lành nghề và có tâm.

Trăn trở nghề truyền thống mai một

Nghề tò he tưởng như đã mất sau thời kỳ đổi mới bởi việc thiếu nguyên liệu làm từ gạo nếp. Cộng thêm việc sự bùng nổ của kinh tế thị trường khiến cho nguyên liệu phối màu từ thiên nhiên hiếm hơn và bắt đầu xuất hiện những loại đồ chơi công nghiệp lấn át các món đồ chơi dân gian. Bên cạnh đó, lớp trẻ cũng có nhiều việc làm đem lại thu nhập cao, nên nghề nặn tò he truyền thống dần bị lãng quên trong tâm thức người Việt.

Đứng trước nguy cơ làng nghề đang dần bị mất đi, nhiều nghệ nhân làng Xuân La vẫn còn tâm huyết với nghề đã quyết định thử nghiệm, cố gắng tìm hướng đi mới để duy trì và phát triển.

Chính vì thế mà câu lạc bộ tò he Xuân La ra đời. Câu lạc bộ được thành lập năm 2009 với số hội viên ban đầu là 54 người nghệ nhân trong làng. Sau dần, con số tăng lên với những bước đầu thành công nhất định.

Hiện nay, làng nghề tò he Xuân La vẫn thường phối hợp với các trường, tổ chức những buổi giao lưu tìm hiểu về cách nặn tò he cho các em học sinh. Các nghệ nhân trong làng cũng thường có những chuyến đi đến các làng trẻ hay các hội chợ để quảng bá sản phẩm. Những đóng góp này đang cố gắng níu giữ “hồn” cho nghề nặn tò he và bảo tồn một loại hình văn hóa truyền thống Việt Nam.

Tuy nhiên, để bảo vệ bền vững nghề truyền thống cần có sự chung tay của các cấp chính quyền địa phương đưa nghề nặn tò he phát triển trong hội nhập với xã hội hiện đại, lưu giữ nét đẹp tuổi thơ trong tâm hồn người Việt.

Bích Thủy/ Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *