Vì sao vua Ba Tư trong “Nghìn lẻ một đêm” chúa ghét phụ nữ?

09:49 | 01/12/2020
Nghìn lẻ một đêm là tuyển tập các tác phẩm văn học của cư dân Ba Tư cổ đại. Tác phẩm này là tập hợp của những truyện ngắn dân gian, được xuất bản bằng tiếng Ả Rập, sưu tập qua nhiều thế kỷ, bởi nhiều tác giả, dịch giả, học giả khắp Tây Á, Trung Á, Nam Á, Bắc Phi. Trong kho tàng này có những câu chuyện thú vị liên quan đến vị vua Ba Tư - Shahriyar. 

Trong kho tàng tuyển tập Nghìn lẻ một đêm, phần lớn các câu chuyện đều liên quan đến một vị vua Ba Tư. Ông vua có tên Shahriyar, ông cai trị vương quốc trên một hòn đảo không rõ tên nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo lí giải trong cuốn sách, vì hoàng hậu của nhà vua đã ngoại tình với người đàn ông khác khiến ông trở nên chán ghét tất cả đàn bà. Ông trở nên hung bạo, thể hiện cơn thịnh nộ một cách điên loạn bằng cách ông ta cưới một cô gái và sau một đêm mặn nồng với họ lại sai quân lính giết họ.

Thấy đất nước lâm nguy vì ông vua bạo chúa, một tiểu thư xinh đẹp tên Sheherazade, con tể tướng, xin cha dâng mình cho ông vua Shahriyar. Không giống như những cô gái trước đó, nhờ thông minh, tài trí, nàng đã tìm được cách để thoát khỏi cái chết. Mỗi đêm, nàng Sheherazade nhờ em gái đánh thức mình dậy khi trời sắp sáng và kể những câu chuyện cổ tích cho vua Shahriyar nghe.

Nàng đã cố sắp xếp khéo léo, đúng khi Mặt Trời mọc cũng là lúc chuyện đến đoạn hấp dẫn nhất. Tới đây, nàng dừng lại khi vua vẫn nóng lòng muốn nghe đoạn tiếp, nên không ra lệnh xử tử nàng. Để kết thúc câu chuyện giữa chừng, nàng Sheherazade thường ngừng lại và nói: “Tiếc thay trời đã sáng rồi mà phần còn lại là đoạn hay nhất trong câu chuyện” hoặc “Những truyện vừa rồi hay thật đấy nhưng không thể nào so sánh được chuyện bệ hạ sắp nghe đây”.

Nàng đã kể cho nhà vua Shahryar nhiều câu chuyện nhỏ đan xen, móc xích vào nhau, trong đó có chuyện Nhà buôn và thần linh, Chuyện người đánh cá, Chuyện con ngựa thần kỳ, Ali Baba và bốn mươi tên cướp, Hoàng tử Zein Alsamn và chúa tể các thần linh…

Và cứ như thế liên tục trong suốt một nghìn lẻ một đêm, những chuyện về tình yêu, chiến tranh, phép thuật, về những vị vua, bọn ăn mày, về những xứ sở kim cương nhiều hơn đá sỏi… được nàng dùng tình yêu để kể lại cho nhà vua. Bối cảnh của các chuyện của nàng ở phương Đông, phần lớn xoay quanh thành phố huyền thoại Bagdad (Iraq), Cairo (Ai Cập), Damascus (Syria).

Cuối cùng, nhà vua bị cảm hóa, tình yêu, cuộc sống, con người trỗi dậy khiến ông không còn giết người nữa. Cảm phục nàng Sheherazade, vua đã bãi bỏ lệnh bắt con gái để giết một cách tàn nhẫn, cưới nàng làm vợ bằng một đám cưới linh đình, cùng nhau sống hạnh phúc đến bạc đầu, có với nhau 3 con trai.

Trần Hiệp (TH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *