Việt Nam sở hữu 5 kỷ lục ẩm thực thế giới

20:04 | 11/09/2020
Các món ăn có sợi và nước, các món mắm, món cuốn, bánh làm từ bột gạo, và các món ăn dùng các loại hoa vừa được Liên minh Kỷ lục Thế giới (Worlkings) xác lập 5 kỷ lục đầu tiên về các món ăn cho nền ẩm thực đa dạng và phong phú của Việt Nam.

Kỷ lục quốc tế cho hơn 780 món ăn

Theo công bố của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, nhiều món ăn bình dân đến dư vị cung đình của Việt Nam đã được gọi tên trong danh sách xác lập kỷ lục thế giới mới dành cho ẩm thực của các quốc gia.

Các món ăn trong danh sách kỷ lục ẩm thực.

Theo đó, sau hơn 6 tháng tiến hành thiết lập hồ sơ và đề cử đến Liên minh Kỷ lục Thế giới, cuối tháng 8 năm 2020, WorldKings đã chính thức có văn bản thông báo đến Tổ chức Kỷ lục Việt Nam về việc công nhận 5 kỷ lục thế giới đầu tiên trong lĩnh vực ẩm thực của Việt Nam. Đây là hình thức đề cử kỷ lục ẩm thực đầu tiên của một quốc gia cho Liên minh Kỷ lục này (khởi xướng bởi Hoa Kỳ, Ấn Độ và Việt Nam).

Phở, miến, hủ tíu, bánh canh, bún, mì, bánh đa,…là những món ăn dạng sợi và nước bình dân dễ dàng tìm thấy. Ảnh Vietkings.

Theo ghi nhận, Việt Nam được biết đến là quốc gia đang sở hữu nhiều món sợi và nước hấp dẫn nhất thế giới (164 món); nước có nhiều món mắm và các món ăn chế biến từ mắm với hương vị đặc trưng nhất thế giới (100 món); nơi có nhiều món ăn được chế biến từ nhiều loài hoa nhất thế giới (272 món ăn làm từ 43 loài hoa); là đất nước có nhiều món cuốn đặc sắc nhất thế giới (103 món) và là vùng đất có nhiều món bánh làm từ bột gạo hấp dẫn nhất thế giới (143 món). Có tất cả 782 món ăn được liệt kê trong danh sách kỷ lục và được tổ chức kỷ lục cập nhật, bổ sung liên tục cho hồ sơ.

Xét riêng về các món ăn dạng sợi, Việt Nam là một trong những nước có nhiều “chủng loại” nhất thế giới. Được biết, nhiều món ăn khác về xôi, chè, các loại gia vị, món ăn đường phố, các loại trái cây đặc sản và món ăn chay cũng đang nằm trong hồ sơ đề cử kỷ lục thế giới.

Nhiều món ăn thuần Việt được chế biến từ các loại hoa. Ảnh: Vietkings

Để có được trong Danh sách kỷ lục, trong mỗi năm Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã liên tục đề xuất và cập nhật các top ẩm thực địa phương tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Sự cập nhật liên tục này không chỉ cho ẩm thực mà còn các top điểm đến, đặc sản để phục vụ cho cẩm nang thông tin du lịch nhằm quảng bá hình ảnh con người và đất nước Việt Nam.

Việt Nam – Bếp ăn của Thế giới

Trong quá trình phát triển quốc gia, định vị bản sắc dân tộc là một yếu tố hàng đầu. Môi trường cạnh tranh quốc tế đang có nhiều nền tảng “văn hóa mềm” trỗi dậy, việc đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới là một đóng góp ý nghĩa quan trọng trong quảng bá ẩm thực, con người và phong tục đa sắc thái các dân tộc. Đây là những giá trị tinh hoa của nền ẩm thực Việt Nam được rút kết từ kinh nghiệm và truyền thống tổ tiên mà ít quốc gia nào trên thế giới có được.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực cho biết: “Việt Nam có nền văn hóa ẩm thực mang bản sắc riêng, lấy tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa lành rất có lợi cho sức khỏe của con người. Cha đẻ của thuyết “Sức mạnh mềm” GS. Joseph Nye cho rằng trong các loại sức mạnh ảnh hưởng tới thực thế khác bằng sức hấp dẫn và hợp tác chứ không phải bằng vũ lực hay tiền bạc thì văn hóa đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thời đại ngày nay.” Tiến sĩ Nguyễn Nhã là một nhà khoa học trăn trở về các đề án ẩm thực đưa Bếp Việt ra thế giới, ông nhấn mạnh: “Việt Nam xứng đáng là Bếp ăn của thế giới bởi sự đa dạng và sâu sắc của văn hóa ẩm thực Việt.”

Nguyễn Nhã, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ẩm Thực Việt Nam, Trưởng Đề án Bếp Việt.

Tuy nhiên, để trở thành “bữa cơm” của thế giới như hạt gạo của Campuchia, hay “Bếp ăn” để phục vụ khách hàng quốc tế đòi hỏi nhiều sự nổ lực hơn về kiến thức, chuyên môn và chất lượng, không hẳn chỉ về truyền thông và các con số.

Theo chuyên gia ẩm thực Lý Sanh, cố vấn Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, nền ẩm thực đa dạng của Việt Nam có tiến xa được hay không là nhờ vào đội ngũ “sứ giả” đầu bếp. “Trước tiên người đầu bếp cần trang bị kiến thức về món ăn Việt, chuẩn hóa tay nghề chuyên môn, xác định nguồn gốc món ăn để tiến đến chuẩn hóa các món ăn theo tiêu chuẩn thuần Việt. Từ đó mới có thể trở thành một sứ giả về văn hóa ẩm thực, tự tin mang cái đẹp, cái tinh túy trong ẩm thực Việt giới thiệu hoàn chỉnh ra thế giới”, ông Lý Sanh bày tỏ.

Qua sự kiện này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam mong muốn kết hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa những thông tin này đến tất cả các Đại sứ quán Việt Nam trên Thế giới để quảng bá rộng rãi hơn nữa các giá trị đặc sản, ẩm thực Việt Nam trên phạm vi toàn cầu. Âm thực Việt sẽ là cầu nối quan trọng để quảng bá hình ảnh, vị thế quốc gia, để mỗi người dân Việt Nam và thế giới có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp, chiều sâu văn hóa dân tộc Việt.

Nhật Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *