Ăn ngon 3 miền: Bắc Ninh – xứ Kinh Bắc nghĩa tình

06:00 | 01/10/2020
Chẳng những gây thương nhớ bởi những câu quan họ mượt mà của liền anh, liền chị, Bắc Ninh còn níu giữ hồn người bởi vô vàn đặc sản hấp dẫn, dù dân dã, bình dị nhưng thắm đượm, thảo thơm nghĩa tình.

Nem Bùi

Nem Bùi làng Bùi Xá có truyền thống cả trăm năm nay. Đây cũng là thứ đặc sản được người Kinh Bắc giữ gìn nguyên vẹn.Trải qua bao thăng trầm, vài năm trở lại đây nem Bùi dần có mặt trên thị trường cả nước và trở thành món ẩm thực ngon, rẻ, đồng thời là món quà trao tay ý nghĩa cho bạn bè, người thân sau mỗi dịp ghé Bắc Ninh.

Nem Bùi rất dễ ăn nên bạn có thể thưởng thức nó vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Dù là một món ăn chơi chứ không phải ăn no nhưng vào buổi trưa, với tiết trời nắng nóng thì chiếc nem bùi cùng ly bia mát lạnh là lựa chọn lý tưởng.

Cháo cá Tích Nghi

Cháo Tích Nghi chỉ nấu với cá trắm và cá chép, bởi thịt của hai loại cá này vừa thơm lại chắc. Cá không nấu chung với cháo mà chỉ được tẩm ướp, xào qua rồi thả vào nồi khi cháo đã chín. Đặc biệt, để vị cháo thêm ngọt đậm đà, người ta dùng xương cá giã nát để lấy nước dùng nấu cháo.

Mặc dù là cháo cá nhưng khi ăn bạn sẽ không hề thấy một chút mùi tanh nào. Đưa một thìa cháo lên miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt và thơm tan ra trong miệng, đó là vị ngọt của gạo được ninh nhừ, của từng thớ cá tươi quyện với thứ mùi thơm đặc trưng của các loại rau như hành, mùi, thì là, tía tô và cả rau cải cúc. Khi ăn cháo cá Tích Nghi, bạn có thể thêm giấm tỏi và ớt khô để tăng vị cho món ăn.

Cháo thái Đình Tổ

Cháo thái không giống với bất kỳ loại cháo bởi cách nấu vô cùng đặc biệt. Để nấu món cháo này, người ta phải ngâm gạo trong nửa ngày cho mềm rồi xay nhuyễn và đem phơi khô. Khi cần nấu cháo thái, người nấu sẽ lấy bột nhào với nước rồi phên bột thành những lát mỏng, đem thả vào nồi nước đang sôi và ninh cùng với thịt gà, thịt lợn băm nhuyễn và thêm một ít hành lá, tiêu xay cho thơm.

Cháo thái là món ăn mà người Bắc Ninh thường nấu vào những dịp lễ, hội làng để dâng cúng bày tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân hay thành hoàng làng.

Tương Đình Tổ

Ngoài món cháo thái, làng Đình Tổ (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) còn nổi tiếng với món tương gia truyền. Hương vị thơm ngon, bình dị của loại tương này đã chiếm được cảm tình của biết bao người khi đến đây. Tương Đình Tổ được làm từ nguyên liệu chính là ngô, ngoài ra còn có đỗ tương và gạo nếp cái hoa vàng. Tất cả đều được ủ và lên men tự nhiên, không dùng bất kỳ một loại hoá chất hay men phụ trợ nào.

Vị đậm đà của tương Đình Tổ là sự hòa quyện của nhiều loại nguyên liệu đồng quê, cũng chính vì thế mà hương vị món ăn này rất bình dị, dân dã nhưng cũng thắm đượm tình người.

Bánh tro Đình Tổ

Không ngoa khi nói rằng làng Đình Tổ là “cái nôi” của nền ẩm thực Bắc Ninh. Chẳng những nổi tiếng bởi món tương và món cháo thái trứ danh, ngôi làng này còn được biết đến với món bánh tro vô cùng hấp dẫn.

Bánh tro Đình Tổ được làm từ bột nếp cái hoa vàng ngâm qua nước vôi và nước tro lấy từ tro cây nếp. Người ta gói bánh trong lá chuối hoặc lá dong rồi đem hấp chín. Bánh thường được ăn kèm với mật mía, khi đó bạn sẽ cảm nhận được vị thanh mát, ngọt ngào của thức quà quê xứ Kinh Bắc.

Bánh phu thê

Chuyện kể rằng, trong một lần tham dự hội làng ở Đền Đô, Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), vua Lý Thánh Tông cùng phu nhân là Nguyên phi Ỷ Lan đã được dân làng dâng một loại bánh. Sau khi thưởng thức, Đức vua và Nguyên Phi đều tấm tắc khen ngon. Người cho rằng nếu ăn bánh này thì gia đình sẽ rất hạnh phúc. Từ đó, trong các đám hỏi của người dân Kinh Bắc, loại bánh đó đều xuất hiện một cách rất trang trọng. Loại bánh ấy chính là bánh phu thê (hay còn gọi là bánh xu xê, bánh xu xuê).

Bánh được gói bằng hai thứ lá, bên trong là lớp lá chuối, ngoài cùng lá lớp lá dừa. Lá gói xanh tượng trưng cho sự chung thủy, lạt buộc hồng như tơ hồng kết nối, bánh màu vàng thể hiện tình yêu thương vợ chồng dành cho nhau.

Về Bắc Ninh, hãy thưởng thức món bánh này cùng với một nửa của mình nhé!

Bánh khúc làng Diềm

Ở làng Diềm (thuộc xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), bánh khúc được làm từ nguyên liệu chính là rau khúc hái từ ruộng lúa hoặc bãi bồi ven sông. Rau khúc lấy phần lá rửa sạch, thái nhỏ và giã nhuyễn với cơm gạo tẻ cho đến khi nhuyễn mịn, có màu đẹp rồi nặn thành bánh với phần nhân từ đỗ xanh và thịt ba chỉ tẩm ướp gia vị vừa ăn.

Bánh khúc sau khi hấp chín rất hấp dẫn. Bạn nên ăn khi bánh còn nóng để cảm nhận trọn vẹn hương thơm, vị bùi của lá khúc cùng vị ngậy béo của nhân đỗ thịt.

Bánh đa Kế

Bánh đa Kế đã trở thành đặc sản của vùng quê Kinh Bắc và được xuất khẩu sang nước ngoài: Nga, Singapore…

Những chiếc bánh đa với hình yên ngựa vàng bóng, vị bùi, thơm mùi lạc, vừng, khoai lang… chắc chắn nên có trong danh sách “must try” (nhất định phải thử) của bạn khi đến Bắc Ninh.

Bánh tẻ làng Chờ

Ai từng ăn bánh răng bừa (hay còn gọi là bánh tẻ) – một thứ quà quê nổi tiếng của thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) thì sẽ không thể nào quên được vị ngọt thịt, mùi thơm của hành, độ giòn của mộc nhĩ và sự dẻo thơm của bột bánh.

Bánh được làm từ bột gạo tẻ, gói ngoài bằng lá dong và được luộc chín. Bánh tẻ ăn lúc còn nóng vừa có độ giòn lại vừa có vị đậm, vị béo của nhân, nồng nàn của mùi lá, không thể lẫn vào thứ bánh tẻ nào khác được. Khi ăn bánh tẻ, bạn có thể chấm với tương ớt hoặc nước mắm ớt tùy sở thích.

Rượu làng Vân

Rượu làng Vân với điểm đặc biệt là được nấu từ gạo nếp cùng với men ủ từ 35 loại thuốc bắc quý hiếm chắc chắn sẽ khiến bạn say theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Loại rượu này được nấu theo công thức gia truyền, và là nơi người dân làng Vân gửi gắm biết bao tâm sự, nghĩa tình. Đến Bắc Ninh, hãy ghé làng Vân để mua chút rượu về làm quà nhé.

Lai La/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *