Bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng điện thoại của bạn lâu nhất có thể!

14:57 | 15/06/2021
Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đổi mới điện thoại của bạn nếu chỉ vì dòng điện thoại ưa thích vừa ra mắt sản phẩm mới có 1 tính năng được cải tiến. Việc nhanh chóng đổi điện thoại có thể đem đến cho bạn cảm giác vui vẻ nhưng với môi trường thì không.
Theo một nghiên cứu tại Đại học McMaster được công bố trên tạp chí Journal of Cleaner Production, các nhà nghiên cứu  đã phân tích tác động carbon của toàn ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông từ khoảng năm 2010-2020, bao gồm PC, máy tính xách tay, điện thoại thông minh,… Họ đã phát hiện một sự thật đáng buồn. Ngay cả khi thế giới chuyển hướng từ những chiếc PC tháp khổng lồ sang những chiếc điện thoại nhỏ bé, ngốn năng lượng, thì những tác động mà công nghệ gây ra cho môi trường vẫn ngày càng tồi tệ hơn.

Trong khi lượng khí thải carbon mà ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông đưa ra môi trường năm 2007 là 1%, đến năm 2018 nó đã tăng gấp ba lần và đang trên đường vượt 14% vào năm 2040. Con số này bằng một nửa lượng khí thải carbon của toàn bộ ngành giao thông vận tải trên toàn thế giới. Và thiết bị đóng góp nhiều nhất cho việc thải carbon ra môi trường của ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông là smartphone với lượng khí thải carbon ở mức 11% trong tổng số lượng khí thải của ngành vào năm 2020, tương đương 124 triệu tấn CO2.

Đối với điện thoại thông minh, người dùng thường có xu hướng đổi mới điện thoại khi các thương hiệu lớn phát hành phiên bản nâng cấp mới, có thêm 1 camera hay chỉ đơn giản là vận hành nhanh hơn phiên bản cũ. Tuy nhiên, việc chế tạo một chiếc điện thoại thông minh mới, cụ thể là khai thác các vật liệu quý hiếm bên trong chúng, chiếm 85% đến 95% tổng lượng khí thải CO2 của thiết bị trong hai năm.

Trong mọi trường hợp, việc sử dụng một chiếc điện thoại thông minh trong 3 năm thay vì 2 năm cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến lượng khí thải carbon mà chúng ta góp phần đưa ra môi trường.
Tuy nhiên, các thương hiệu lớn thông qua các chương trình marketing với kinh phí khổng lồ liên tục thúc đẩy người tiêu dùng mua điện thoại mới. Thậm chí một số nhà sản xuất còn phân phối ra các bản cập nhật phần mềm làm chậm hiệu suất hoạt động điện thoại, điều mà cả Apple và Samsung đã bị phạt vào năm 2018, nhằm tăng thêm lý do để người dùng phải “ngoan ngoãn” cập nhật phiên bản smartphone mới nhất. Hậu quả của những chiến thuật này là vấn đề ngày càng tăng của chất thải điện tử. Đây là loại rác gia tăng nhanh nhất về số lượng hiện nay, gấp đôi so với nhựa. Trong năm 2021, dự kiến ​​sẽ có hơn 50.000.000 tấn chất thải điện tử mà loài người phải đau đầu xử lý.
Điều đáng buồn là khoảng 78% doanh số bán điện thoại thông minh đến từ những người điện thoại mới để thay thế thiết bị họ đang sử dụng. Con số này phản ánh văn hóa thoải mái vứt bỏ đồ cũ dù chúng vẫn còn sử dụng tốt.
Vì vậy, thay vì đổi điện thoại mới để chạy theo xu hướng, người dùng hãy sử dụng chiếc điện thoại mình đang sở hữu lâu nhất có thể. Đó có thể xem là động thái tích cực hồi đáp lời kêu cứu của môi trường.
 Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *