Cảnh giác với nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng nhưng “độc hại”

15:54 | 20/10/2020
Nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng chứa các hình ảnh không phù hợp với trẻ nhỏ, nhân vật thì ăn mặc hở hang, sử dụng ngôn từ mất đi vẻ đẹp trong sáng vốn có của nó... Những điều này đã, đang và sẽ gây ra những hậu quả khôn lường tới tâm trí và sự phát triển của trẻ. 
Mới đây, sự việc bé gái tử vong vì học theo trò treo cổ trên YouTube đã khiến nhiều bậc phụ huynh bàng hoàng, lo lắng. Từ đó, các bậc phụ huynh mới bắt đầu giật mình, kiểm tra lại những bộ phim hoạt hình, những chương trình mà con trẻ hay xem bấy lâu nay.

Nếu chúng ta cùng xem với con trẻ trong quá trình đó chắc hẳn sẽ nhận ra những video mà chúng xem chứa nhiều chi tiết phản cảm, và đang “đầu độc” tâm hồn chúng mỗi ngày.

Winx Club: Những thiên thần trong trang phục không thể ngắn hơn

Những nàng tiên của Winx Club luôn xuất hiện trong trang phục “hở hang”

Winx Club là một bộ phim hoạt hình cực kỳ nổi tiếng của Italia dành cho các bé từ 6 đến 14 tuổi. Nội dung xoay quanh các nàng tiên có sức mạnh đặc biệt để giải cứu vũ trụ khỏi những kẻ xấu. Tuy nhiên, nhân vật trong phim lại luôn xuất hiện trong những bộ trang phục rất ngắn, có phần hở hang, chủ yếu che đi những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Ngoài ra, trong bộ phim lại xuất hiện nhiều phân cảnh nhân vật nữ hôn bạn trai mình.

Thanh thiếu niên xem những nội dung trên có xu hướng học tập và làm theo những gì chúng nhìn thấy, thậm chí là những việc không phù hợp trong độ tuổi của chúng.

Vương quốc tí hon: Ngôn từ “độc hại”

Mặc dù Vương quốc tí hon là bộ phim hoạt hình xây dựng hình ảnh nhân vật khá dễ thương, độc đáo và có nội dung xoay quanh về sự chung sống hoà bình giữa con người và yêu tinh. Tuy nhiên, các nhân vật lại liên tục sử dụng những từ ngữ không phù hợp.

Nhân vật trong Vương quốc tí hon có những ngôn từ không đúng mực khi miêu tả người khác, giống loài khác.

Những từ như “ngốc nghếch, hay “điên rồ” thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh của trẻ nhỏ để miêu tả về con người, các loại động vật khác. Đây là một điều cực kỳ độc hại nếu con trẻ bắt trước làm theo để trò chuyện với bạn bè, gia đình ngoài đời sống.

Pokemon: Khiến hàng trăm trẻ nhập viện

Pokemon là loạt phim hoạt hình, truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản. Mặc dù bộ phim chính là tuổi thơ của nhiều thế hệ nhưng hầu như chúng ta lại bỏ qua những chi tiết về bạo lực.

Trong các phân cảnh của bộ phim, phe phản diện có thể sử dụng nắm đấm hay rút súng ra đe dọa các nhân vật khác. Theo các nhà tâm lý học, Pokemon có thể khiến trẻ nhỏ hiểu lầm rằng chúng có thể sử dụng bạo lực để đạt được những điều chúng muốn, chúng cũng dễ trở nên hiếu chiến hơn trong đời sống thực tế.

Pikachu và khả năng phóng điện trong phim lẫn thực tế.

Và thực tế đã chứng minh sự tồn tại của Pokemon là nguy hiểm. Sự cố diễn ra tại Nhật Bản vào ngày 16/12/1997, khoảng 4,6 triệu hộ gia đình bật xem tập mới của Pokemon, nhân vật Pikachu đáng yêu đã có cuộc tấn công sấm sét và hiệu ứng nhấp nháy trong phim đã khiến nhiều người bị co giật.

Về sau báo chí đưa tin rằng, có hơn 520 người chủ yếu là trẻ em được đưa đến bệnh viện vì cảm thấy bị ốm. Số người bị ảnh hưởng về sau tăng lên 700 người.

Nguy hiểm không chỉ đến từ những bộ phim hoạt hình mà con trẻ xem hàng ngày, chúng có thể đến từ những video, clip trá hình trên mạng xã hội như YouTube, Facebook… Với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng như ngày nay, người dùng tích cực tham gia vào công cuộc đóng góp cho các nền tảng ngày một đa dạng về nội dung và hình ảnh hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đem lại những hệ luỵ khôn lường, khó kiểm soát.

Chúng ta sẽ có không chỉ là 1 mà hàng nghìn hay hàng triệu kênh phát những bộ phim, những clip không thiếu hình ảnh, ngôn từ “độc hại” cho mọi đối tượng, đặc biệt là con trẻ. Vậy cần làm gì để bảo vệ tâm hồn của con ngay lúc này?

Cha mẹ cần có hành động bảo vệ tâm hồn con như thế nào?

Nhiều phụ huynh lựa chọn cấm hoàn toàn con tiếp xúc với TV, điện thoại hay các thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận nhiều bộ phim hoạt hình hay clip có giá trị nhân văn sâu sắc, mang đến nhiều bài học về cuộc sống, xây dựng tinh thần đoàn kết cho con trẻ, khuyến khích con theo đuổi ước mơ hay giữ một tinh thần lạc quan.

Dẫu biết cho trẻ xem tivi, điện thoại, máy tính bảng nhiều sẽ để lại hậu quả, nhưng ngăn cấm lại không phải là một cách hay. Để hạn chế trẻ tiếp xúc với video giả mạo, phim hoạt hình “độc hại”, thay vì cấm tuyệt đối phụ huynh có thể chọn lọc và ngồi xem cùng con trong quá trình con vui chơi, giải trí.

Thiết lập tài khoản an toàn: Cha mẹ có thể tận dụng thời gian rảnh và thống kê danh sách những video con có thể xem được rồi cho vào mục riêng. Mỗi lần có video mới cha mẹ chỉ việc thêm vào danh sách và dặn con mở xem chúng.

Rất nhiều video gợi ý tìm kiếm lân cận sẽ đưa trẻ lạc vào 1 thế giới ảo đầy bạo lực và phản cảm.

Thường xuyên kiểm tra những gì con đã xem: Nhiều phụ huynh dường như quá bận rộn để quan tâm xem hôm nay con đã xem gì, đọc gì. Hãy cẩn thận kiểm tra những video mà con đã xem để kịp thời phát hiện những nội dung không lành mạnh.

Nói chuyện với trẻ để có nhận thức, hành vi đúng đắn: Những gì trẻ được xem sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nhận thức, hành vi của trẻ hiện tại và sau này. Cha mẹ luôn là những người thân cận nhất để tạo ra định hướng đúng đắn cho con bằng cách trò chuyện với chúng mỗi ngày. Việc này giúp hai bên tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình khi gặp những video có nội dung tiêu cực.

Tâm hồn của trẻ là điều quan trọng nhất để bậc cha mẹ bảo vệ từng ngày, từng chi tiết. Sự phát triển của truyền thông, phương tiện đại chúng và thiết bị điện tử luôn là “con dao hai lưỡi” với tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ nhỏ. Cần chắt lọc và thiết lập một thế giới lành mạnh cho chúng phát triển triển trọn vẹn trong một xã hội tạp nham như hiện nay.

P. Thủy/ Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *